Tản văn

Những đứa trẻ ở nơi...đặc biệt

Thứ Hai, 17/05/2010, 11:41

Khi nghe tin đài báo cho biết, từ ngày 1/7 tới, TP Hà Nội sẽ cho ngừng việc địa táng tại nghĩa trang Văn Điển, tôi bỗng bâng khuâng nhớ lại những lần đưa tiễn cũng như vào thăm viếng bạn bè, người thân, trong đó có không ít văn nhân, nghệ sĩ nằm lại nơi đây. Và ký ức đưa tôi nhớ về hình ảnh những đứa trẻ...

Năm nào cũng vậy, mỗi lần xuống viếng mộ ai đó ở nghĩa trang Văn Điển, tôi lại bắt gặp những đứa trẻ ấy lẩn quất kiếm ăn trong khu vực này. Phải nói, "nghề" của chúng là "liên lạc dẫn đường" nên chúng rất thông thuộc tên tuổi những người nằm dưới mộ. Chỉ cần nói cho chúng biết một cái tên là chúng chỉ đường cho liền, chẳng phải mất công tìm kiếm nhiều. Thậm chí chỉ cần cho chúng thêm một hai chục nghìn là chúng có thể làm thêm động tác đi kiếm hoa tươi (cả cây), cỏ xanh mang về đắp điếm, trang trí cho ngôi mộ đỡ sơ sài, khỏi tủi lòng thân nhân những người đã khuất. Thậm chí có những lần tôi thấy - không cần đợi yêu cầu - chúng tự lăn xả vào làm một cách cần cù chăm chỉ, trước mặt đoàn người đi viếng đang sụt sùi khấn vái, nhang khói lập lòe. Xong rồi, chúng ngồi xuống vệ cỏ, kiên nhẫn hóng chờ.

Tất nhiên là không ai lại nỡ "phủi tay" không trả tiền... Chỉ có điều làm tôi giật mình, là hình như những cây hoa bó cỏ kia chúng cắt nhổ trên nóc những ngôi mộ khác gần đấy.

Tôi gặng hỏi một đứa bé:

- Này, sao cháu lại nhổ hoa trên mộ người khác? Làm thế là không được đâu nhé. Cỏ thì được, vì nó mọc hoang, chứ hoa thì không nên.

- Cháu trồng thì cháu có quyền nhổ đi chứ  - Thằng bé cố cãi, tuy mắt nó cúp xuống- Chú không biết, cái ông kia từ ngày mất đến giờ, chẳng thấy ai trong gia đình ông ấy đến đây lấy một lần. Hoa trên mộ ông ấy là tụi cháu cắm vào trồng đấy chứ.

- Nhưng đã trồng vào rồi thì không nên nhổ đi, cháu ạ. Nhất là lại nhổ để cắm sang mộ người khác. Nếu người dưới mộ này biết được, họ cũng không hài lòng đâu.

Đầu năm nay, có dịp trở lại khu nghĩa trang, tôi lại bắt gặp mấy đứa trẻ trên. Thấy chúng tôi, chúng lại sán vào, làm túi bụi, lại đi kiếm hoa, trồng cỏ. Tôi chưa kịp hỏi thì thằng bé tôi gặp năm ngoái đã lên tiếng trước:

- Chú yên tâm đi, cháu không nhổ hoa ở mộ khác đâu - Nó chỉ tay ra xa - Đấy, chú xem kìa, chúng cháu trồng tùm lum ở mé đất sát tường kia.

Nghe vậy, tôi cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhõm hẳn. Kể đi viếng mộ mà không trồng được vài cây hoa tươi lên mộ, để ngôi mộ trơ trọi vậy, trông cũng ái ngại. Mấy đứa nhỏ làm việc một cách "thành thạo". Xong rồi chúng còn đi múc nước tưới lên cây hoa vừa trồng. Chưa hết, thằng bé mà tôi nhắc tới ban nãy còn tiện tay cắm mấy nhành hoa lên mấy ngôi mộ chung quanh - mấy ngôi mộ trông có vẻ tiêu điều, quạnh vắng, hẳn ít người nhang khói. Xong việc, chúng bíu nhau ngồi xếp bằng tròn trên vệ cỏ hóng mắt chờ.

Tôi đưa tiền trả công cho tụi trẻ, kèm "phần thưởng" việc chúng làm với mấy ngôi mộ bên cạnh, nhưng thằng bé nọ nghe vậy đã gạt đi:

- Cháu chỉ xin tiền công mà thôi, còn mộ bên cạnh, cháu tiện thì cháu làm, ai lại lấy tiền của chú.

Nói đoạn, nó khoe thêm:

- Chú không biết đấy thôi, chúng cháu ở đây, chúng cháu vẫn trồng hoa cho khối mộ, nào có ai đến viếng đâu mà trả tiền cho tụi cháu, nhưng tiện tay, chúng cháu vẫn làm đấy.

Tôi lại nhìn thằng bé và ''đồng bọn". Chúng nó quắt queo nhưng vẻ mặt có cái gì đó trông già già. Thì tại chúng nó "đánh bạn" với những ngôi mộ mà. Việc "tiếp xúc" ấy đâu có hợp với cái tuổi măng non của chúng...

Nguyễn Thanh Tùng
.
.