Những con quái vật bỏ túi

Thứ Sáu, 19/08/2016, 16:04
Chỉ một tuần trò chơi Pokemon Go chính thức ra mắt ở thị trường Việt Nam, cuộc sống đã bị xáo trộn một cách đáng sợ. Rảo bước đi ngang qua những địa điểm công cộng, chúng ta nhận thấy sự đông đúc hơn hẳn thường ngày. Nhưng đó là sự đông đúc của những con người lặng im, như những bức tượng di động, chầm chậm, chầm chậm. Họ đi tìm gì? Một thứ được gọi là "thực tại ảo".


Rồi thì công sở cũng bắt đầu râm ran những chuyện xoay quanh những con Pokemon có cái tên lạ lùng. Rồi thì nhà hàng, nơi người ta đến để được GẶP nhau nhưng đã hoá thành nơi mỗi người vừa ăn, vừa săn bắt những con vật lạ lùng đó. Ngày xưa, khi facebook bắt đầu thịnh hành, ta hay nói vui với nhau rằng trước khi ăn, thực khách hay có thói quen chụp hình "cúng" facebook. Giờ thì người ta "đối thoại" với Pokemon sau khi đã "cúng" facebook mà bất chấp mục đích cuối cùng là mời nhau đi ăn để bè bạn được chia sẻ, chuyện trò.

Nhưng đỉnh điểm nhất vẫn là chuyện sửa đổi bản đồ Google chỉ để thỏa mãn cái nhu cầu săn bắt con quái thú trong thế giới thực tại ảo. Để có thể tạo nên Pokestop, PokeGym, người chơi sẵn sàng "di dời" một địa điểm công cộng về ngay nhà của mình và điều đó đã bắt đầu tạo nên sự hỗn loạn, giống như một ví dụ điển hình nhất: có người thậm chí định vị Đại học Hàng Hải ở Hải Phòng vào trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Cộng đồng tạo bản đồ Google đã phải bức xúc lên tiếng. Hành vi sửa đổi tùy tiện kia của những game thủ tạo ra tác hại thế nào bản thân họ không lường được hết. Nhưng họ không cần quan tâm. Họ hành động bỏ qua mọi suy nghĩ mà.

Sự hỗn loạn đó cho thấy thực tế một bộ phận không nhỏ giới trẻ Việt hôm nay rất biếng lười. Ngay cả trong việc chơi trò chơi họ cũng biếng lười. Thay vì tìm đến một địa điểm công cộng nào đó, như công viên, Nhà văn hóa, Nhà hát… để tìm Pokemon, họ sẵn sàng đánh dấu nhà mình chính là những địa điểm như thế, chỉ để việc chơi của mình được thuận tiện hơn, dễ dàng hơn, bất chấp hậu quả là gì.

Nhiều người nói đến tác hại của trò chơi Pokemon nhưng có lẽ, chúng ta nên nhìn nhận khách quan rằng cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu ý thức người dùng tốt, đủ sức làm chủ mình trong trò chơi, trò chơi có thể mang lại những khía cạnh tích cực nào đó ví như khiến họ thư giãn hơn, chịu khó vận động hơn (đi bộ). Nhưng nếu ý thức người dùng kém cỏi, bản lĩnh người dùng kém cỏi, trò chơi sẽ độc hại hơn mọi độc dược. Nó không chỉ khiến người dùng thành con nghiện mà nó còn có khả năng biến người dùng trở thành tội phạm không chừng.

Trong thế giới phẳng và trải rộng không đường biên của công nghệ thông tin hôm nay, chúng ta không thể chỉ chống lại những tác hại bằng cách thẳng thừng ngăn chặn, cấm đoán. Cái chúng ta cần là phải hiểu rõ về nó, và hiểu rõ về những trách nhiệm, nghĩa vụ của chính mình đối với cộng đồng, để nếu chúng ta có tham gia vào một trò chơi nào đấy, chúng ta chỉ nhận được những gì tích cực mà thôi. Song, gạn bỏ tận cùng những hệ lụy tiêu cực không phải dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi ý thức, nhận thức và một nghị lực thực sự vững vàng.

Pokemon là từ ghép giữa từ Pocket (túi) và Monster (quái vật) với hàm ý đó là những con quái vật bỏ túi. Song, dường như chính chúng ta mới đang trở thành những con quái vật thật sự, với sự biếng lười, sự vô trách nhiệm, sự thiếu tri thức và ý thức…, những con quái vật với một thứ nhỏ gọn bỏ túi mình: chiếc điện thoại thông minh, công cụ để rất nhiều người đắm chìm vào thực tại ảo. 
Văn Đoàn
.
.