Những câu chuyện truyền kỳ...

Thứ Bảy, 06/04/2019, 08:08
Hai mươi truyện đặc sắc được Nguyễn Dữ tập hợp, viết lại thành tập “Truyền kỳ mạn lục”, ngay cái tên gọi cũng phần nào nói về nội dung, mục đích và ý đồ của tác giả là ghi chép rộng rãi (mạn lục) những truyện lạ lưu truyền ở đời (truyền kỳ).


Lịch sử văn học Việt Nam từ thế kỷ XVI đến XVIII ghi nhận những thành tựu đặc sắc viết bằng chữ Hán, trong đó phải kể đến những câu chuyện truyền kỳ lóng lánh sắc màu kỳ ảo ở hình thức lại đậm đà sâu sắc những bài học giáo dục ở nội dung.

Được lưu giữ trong dân gian, mang quan niệm và sức sống thô mộc nhưng khoẻ khoắn của dân gian rồi được các nhà Nho chép lại theo một quan niệm mới, đi vào văn bản thành văn, lẽ tự nhiên chúng vừa là sản phẩm của mỹ học dân gian lành mạnh vừa có quan niệm khắt khe của mỹ học Nho gia.

Do vậy, để phơi lộ những giá trị mới mẻ, chúng cần được xem xét dưới cả hai nguồn sáng này. Hai mươi truyện đặc sắc được Nguyễn Dữ tập hợp, viết lại thành tập “Truyền kỳ mạn lục”, ngay cái tên gọi cũng phần nào nói về nội dung, mục đích và ý đồ của tác giả là ghi chép rộng rãi (mạn lục) những truyện lạ lưu truyền ở đời (truyền kỳ).

Đến nay chưa rõ ngày sinh, năm mất của Nguyễn Dữ, chỉ biết ông là học trò Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), bạn học Phùng Khắc Khoan (1528-1613). “Truyền kỳ mạn lục” được chính Nguyễn Bỉnh Khiêm “phủ chính” (hiệu đính, nâng cấp) để rồi trở thành một “thiên cổ kỳ bút” của văn học trung đại Việt Nam.

Tác phẩm: “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ.

Tập truyện này có trước “Liêu Trai chí dị” của Bồ Tùng Linh (1640-1715) hàng trăm năm. Dưới cái nhìn văn học so sánh và lý thuyết tiếp biến văn hoá mới hôm nay, nếu đào sâu chắc sẽ cho những luận giải thú vị về ảnh hưởng văn học giữa hai nước láng giềng đồng văn đồng chủng.

Tập truyện đặc sắc ở chỗ vừa biểu hiện một mỹ học châm biếm Nho gia kín đáo, thâm thuý lại vừa có chất hài hước sảng khoái, trong trẻo của folklore dân gian nên đã tạo ra một tiếng cười hai chiều rất riêng vừa khai tử vừa tái sinh đối tượng, khai tử kẻ xấu xí, chơi bời dâm đãng; tái sinh, nhào nặn con người theo chuẩn mực thống nhất của dân gian và nhà Nho. Hình thức tiếng cười cũng riêng, như muốn che khuất, nén lại, chua chát lại như muốn bung ra, sảng khoái, hả hê.

Cả nhà Nho nhiều chữ và dân gian lao động đều ghét kẻ ăn chơi nên “Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu” phê phán nhân vật Trọng Quỳ là học trò con nhà giầu nhưng quen nết “chơi bời lêu lổng”, vợ là Nhị Khanh hiền thục can gián nhưng cũng chỉ đỡ phần nào.

Cố tu chí làm ăn nhưng “vì quen thân phóng lãng, thuộc tính chơi bời, ít lâu rồi nết cũ lại đâu đóng đấy”. Anh ta kết thân với người lái buôn tên là Đỗ Tam. Trọng Quỳ thích Đỗ có tiền nhiều. Đỗ thì ham Quỳ có vợ đẹp. “Những khi uống rượu với nhau rồi đánh bạc, Đỗ thường lấy lợi ra dử”. Cuối cùng vợ đẹp về tay Đỗ Tam còn Trọng Quỳ thì trắng tay không vợ con, không nhà cửa.

Tiếng cười hướng đến ba đối tượng, một là thói “chơi bời phóng lãng”, những kẻ như Trọng Quỳ vì có cái tính ấy nên dù là kẻ có học, có vợ đẹp, có cha mẹ giàu…thì sớm muộn cũng là kẻ tay trắng mà thôi. Trong khi đó cái tính “căn cốt” của con người phải là “tiết kiệm” và “giữ lễ”. Mở đầu truyện là sự “giới thiệu” châm biếm kín đáo khi kể cha Trọng Quỳ là Phùng Lập Ngôn có tính “xa hoa” và “chuộng dễ dãi” đã hàm ý một nhận xét tính cách con người do môi trường chi phối, “cha nào con nấy”. Hai là lên án kẻ có tiền như lái buôn Đỗ Tam đểu cáng, gian giảo lừa gạt bạn để cướp vợ bạn. Ba là mỉa mai cái “kỷ cương” vô nhân đạo là người đàn bà cứ phải tuân thủ cái “tam tòng”, dù có tài năng, nhan sắc nhưng họ cũng chỉ là nô lệ, là “vật bảo đảm” cho thằng đàn ông, dù chẳng xứng đàn ông…

Nhị Khanh là người phải như thế. Lời bình cuối truyện, dù cố kìm nén nhưng cũng bật ra những tiếng rủa: “Than ôi, người con gái có ba đạo theo, theo chồng là một. Nàng Nhị Khanh chết, có quả là đã theo chồng không? Thưa rằng không…

Trọng Quỳ thật là tuồng chó lợn. Muốn tề được nhà, phải trước tự sửa mình lấy chính, khiến cho không thẹn với vợ con, ấy là không thẹn với trời đất”. Lời rủa thật đau mà đúng, những kẻ lêu lổng, chơi bời, thất đức như Trọng Quỳ chỉ là loài “chó lợn” mà thôi! Rõ ràng nhà Nho Nguyễn Dữ đã không hề bảo vệ quan niệm “tu thân” (đàn ông phải “tu thân” để “tề gia” và “trị quốc”) và “tam tòng” (đàn bà phải theo cha, theo chồng, theo con) của Nho giáo. Ở truyện này, mỹ học dân gian nhân ái trong sáng đã lấn át mỹ học Nho giáo thủ cựu.

Tiếng cười tập trung “lộn trái” thói “đa dục”, “dâm dục” của phái đàn ông, nhất là với những kẻ có tiền, có quyền. Truyền thống văn học Việt Nam không coi trọng tình yêu nam nữ, mà dễ thấy là ít có tình yêu đẹp được miêu tả. Đối tượng chính trong truyện tiếu lâm dân gian là chuyện sinh hoạt trai gái, là những bộ phận sinh dục, là những hành vi tục tĩu…

Người ta nhìn chuyện tình yêu mang tính tiêu cực là “hoang dâm”, “tà dâm”, “dâm dục”, “đĩ thoã”… Có một nguyên nhân chính là mỹ học Nho giáo chi phối sâu sắc đời sống văn hoá làm người ta nhìn chuyện đó một cách lệch lạc, không đúng với bản chất thiêng liêng. “Truyền kỳ mạn lục” là một trường hợp lấy chuyện “tà dâm” để giáo dục đạo lý. Do vậy chúng thường bị “lộn trái” để “làm gương”.

“Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây” kể chàng học trò Hà Nhân rủ rê hai ả thiếu nữ về nhà trọ rồi cợt nhả. Hai ả thẹn thò mà rằng: “Chúng em việc xuân chưa trải, nhụy thắm còn phong, chỉ e tình hoa run rẩy, tơ liễu điên cuồng, oán lục thẹn hồng, làm giảm thú phong lưu đi mất”. Thế nhưng đêm ấy họ vẫn “tắt đèn đi nằm. Tựa ngọc kề vàng, gối vừa xô đã khoát song hoa đào nghiêng ngả”.

Mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của hai nàng cho thấy họ quá dễ dãi. Còn Hà Nhân từ đó “tuy mượn tiếng du học, nhưng bút nghiên chí nản, son phấn tình nồng”. Cuối cùng sự thật hé lộ, hai ả đó là hồn hoa đã thành tinh.

Lời bình cuối truyện càng làm rõ hơn cái ý mỉa mai: “thanh lòng không bằng ít dục, dục nếu yên lặng thì lòng rỗng mà điều thiện sẽ vào… tà quỷ còn đến quấy nhiễu làm sao được. Chàng họ Hà lòng trẻ có nhiều vật dục, cho nên loài kia mới thừa cơ quyến rũ”. Bài học ở đây là khuyên người ta, nhất là với những người trẻ phải giảm bớt “vật dục” đi, nếu không muốn bị “quyến rũ” bởi loài yêu ma.

Không chỉ trên dương gian mắc tội tà dâm mà dưới “long cung” cũng có chuyện ấy, “Chuyện đối tụng ở Long cung” kể chuyện thần Thuồng luồng bắt người dương thế xuống làm tỳ thiếp. Cái đáng cười, đáng chê, đáng trách của thần là việc ấy không chỉ hãm hại người vô tội, phá hoại hạnh phúc người khác lại còn ngoan cố, đúng như lời phán truyền của Diêm vương: “thằng giặc kia (thần Thuồng luồng) lại gian hoạt đến như thế. Bên trong thì làm sự dâm dật, mặt ngoài thì già họng chối cãi. Việc ấy nỡ làm thì dù đem xử tử cũng không đáng tiếc”. Lời phán này không chỉ dành cho riêng thần Thuồng luồng mà cho bất cứ kẻ nào trên dương thế, nếu mắc tội ấy cũng đều đáng chết cả.

“Chuyện nghiệp oan của Đào Thị” là chuyện “tằng tịu” giữa nàng Hàn Than xinh đẹp, có tài mà lại lẳng lơ với “sư bác Vô Kỷ”: “Cõi dục đã gần, máy thiền dễ chạm, bèn cùng Vô Kỷ tư thông. Hai người đã yêu nhau, mê đắm say sưa, chẳng khác nào con bướm gặp xuân, trận mưa tưới hạn, chẳng còn để ý gì đến kinh kệ nữa”.

Nếu không là nhà sư thì tội ấy cũng chẳng quá nặng, đằng này Vô Kỷ là “sư bác” thì thật đáng trách, đáng cười. Nhưng như Lời bình kết tội của người kể (là một nhà Nho) thì nặng quá: “Gã Vô Kỷ kia, là một kẻ gian dâm, buông thói tà dục, chẳng những dối người lại còn dối Phật của hắn thờ nữa. Giá đem xử vào cái tội… chết, thì hắn cũng không oan chút nào”.

 “Chuyện yêu quái ở Xương Giang” kể chuyện viên quan họ Hoàng gặp rồi lấy một yêu ma làm vợ. Nhờ một “thần y” mới giải được nạn ma tà. Con ma còn kiện xuống âm phủ nhưng rồi sự việc cũng được đen trắng rõ ràng. Diêm vương phạt “ma dâm” vì nó không chỉ hại người mà còn làm nhiều điều càn rỡ, trái luân lý luật pháp. Viên quan nọ còn bị phạt nặng hơn vì “theo đòi Nho học, đọc sách thánh hiền, trải xem những sự tích xưa nay, há không biết lời răn sắc đẹp, cớ sao lại đi vào con đường ấy!... Bỏ nết cương cường, theo đường tà dục, giảm thọ một kỷ”. Đây cũng là bài học chung, nếu kẻ Nho học nào phạm lỗi “tà dâm” không bị trừng phạt trên dương gian thì cũng bị Diêm vương phạt tội dưới âm phủ!

Ám ảnh nhất là “Chuyện cây gạo” kể về kẻ “đa dục” Trình Trung Ngộ, một lái buôn giàu có ân ái mặn nồng với Nhị Khanh, một hồn ma. Trung Ngộ thấy chỗ quàn quan tài người chết lại cho đấy là “lâu đài lộng lẫy, có hương hoa ngạt ngào”. Cuối cùng Trung Ngộ chết, mà chết thảm thương, chết rồi hồn còn bị “sáu, bảy trăm lính đầu trâu” (tức quân binh âm phủ) gông trói dẫn đi trị tội. Thế là kẻ nào “đa dục”, “đa dâm” không những dễ mù quáng mà còn sẽ dễ bị chết, chết đến hai, ba lần.

Lời bình nhận xét “cái giống ma quỷ, tuy từ xưa không phải cái nạn đáng lo”, mà lo hơn là “những kẻ thất phu đa dục”. Ở đây là sự thống nhất của cả dân gian và nhà Nho, dân gian vốn ghét kẻ buôn “Thật thà cũng thể lái trâu”, Nho giáo cũng kỳ thị buôn bán vì coi “Nhất sĩ, nhì nông” nên nhân vật Trung Ngộ bị đả kích đau đớn. Ý nghĩa bật ra: với kẻ buôn đa dâm, đa dục lại có tiền thường mù quáng (không phân biệt nổi ma với người) nên phải chịu hậu quả lớn nhất. Dĩ nhiên truyện này không chỉ dành cho kẻ buôn mà tính phổ quát của nó hướng rộng rãi hơn, về tất cả…

Bút pháp hoang đường, kỳ ảo khởi nguồn từ khu rừng nguyên sinh thần thoại, theo thời gian chảy qua các miền văn hoá mà phân nhánh, trong đó truyền kỳ là một nhánh nhỏ, đến thời hiện đại được khoác cái áo “huyền ảo” (chủ nghĩa hiện thực huyền ảo), thực ra cũng là được may vá bằng vải cũ. Nhìn vào thể truyền kỳ của ta, ngay từ thế kỷ XVI đã có những câu chuyện sâu sắc, hấp dẫn, ta thêm tự hào, cũng thêm tự ngẫm, ta có gương sáng mà chẳng soi…

Nguyễn Thanh Tú
.
.