Tản văn

Nhớ nghề

Thứ Ba, 20/12/2011, 08:00

Khi còn trẻ, còn đương chức, những lúc mệt mỏi người ta thường thở dài, rất thật: "Mong sao sớm được nghỉ, để thích làm gì thì làm. Nghỉ ngơi, đi chơi cho đỡ mệt".

Thời gian trôi như thoi. Thoắt đấy, giật mình - chà, đã ba mươi năm cống hiến cho công sở. Ba mươi năm ngày lại ngày say sưa như con ong thợ sớm tối chuyên cần với công việc đồ họa, giờ ông được nghỉ hưu. Ông "được" nghỉ hưu, đó là mơ ước ông hằng mong đợi.

Khi còn trẻ, lúc mệt mỏi bởi công việc, ông hình dung mình sẽ nhảy cẫng như điên vì sung sướng: "Tôi được tự do rồi, được tự do rồi!". Ông được tự do làm theo ý thích, không còn bị áp lực công việc, đố kị cạnh tranh của đồng nghiệp. Tự do vẽ vời, tự do sáng tạo, tự do giờ giấc, tự do đi chơi, tự do, tự do, tự do…

Nhưng lạ lắm, niềm ao ước bấy lâu nay đã thành hiện thực bỗng dưng muốn khóc, bỗng dưng lưu luyến, bâng khuâng. Cái bàn rộng dài ngổn ngang giấy má, bút chì, thước kẻ, dàn vi tính ngày ngày dán mắt với màn hình con chữ. Ba mươi năm, chao ôi, gắn bó ba mươi năm không nhớ không thương, không bâng khuâng hẫng hụt làm sao được. Nghệ sĩ chứ đâu có phải gỗ đá. Xa, nhớ lắm những thói quen, những phút thăng hoa, những kỷ niệm vui buồn. Nhớ cả không gian, cả những người không quen biết. Ngày ngày ghét cay ghét đắng mụ già ế chồng làm công việc lao công cằn nhằn, gắt gỏng quàu quạu suốt ngày cứ như là bố tướng, thế mà giờ đây bỗng dưng thấy thân thương gần gụi. Chao ôi, bỗng dưng yêu tất cả những ngày qua.

Chỉ còn vài tháng là ông nghỉ hưu. Mỗi sáng mai thức dậy, ông thở dài. Lại ngắn thêm một ngày. Thần thái ông suy sụp, ai cũng thấy, nên ngày trao quyết định nghỉ hưu cho ông, anh em trong cơ quan người nọ đùn người kia, vì ai cũng ái ngại, cũng sợ như là mình làm điều gì không phải với ông. Thủ trưởng cơ quan trao cho ông tờ quyết định, ông rưng rưng, người chao chao như ngã, tờ quyết định bần bật trên tay. Trước khi từ nhà đi, vợ con làm công tác tư tưởng, và ông cũng hạ quyết tâm vui phơi phới. Thế mà… ông cũng  không hiểu vì sao mình lại như thế. Thực tình là ông muốn nghỉ cơ mà. Tất nhiên, tất nhiên rồi. Ông dự định nghỉ hưu sẽ có nhiều thời gian đi chơi, đi thực tế, giam mình cả ngày trong căn phòng riêng sáng tạo. Vẽ và vẽ. Những gì là lý tưởng ấp ủ bao nhiêu năm chưa có thời gian thực hiện giờ sẽ thành hiện thực. Đi uống bia, đi nhậu với bạn bè. Vậy mà… Nước mắt ông cứ chực trào. Có lẽ tại bữa cơm thân mật, tại những cái tiếng "dô dô" cụng ly. Gương mặt tiếng cười trẻ trung của thế hệ sau, những câu chuyện rôm rả của chúng không có gì liên quan tới ông. Tuổi già cô đơn, tuổi già lạc lõng. Tuổi già vô tích sự. Ông sốc vì ông chưa quen, vì tâm lý ông chưa đủ thời gian để chấp nhận.

Ông nhận sổ, hưởng lương hưu. Nhưng cái thói quen công sở vẫn cố hữu trong ông. Sáng, ông vội vàng cắp cặp đi. Hì, bước một chân vào cổng cơ quan, nhìn thấy anh bảo vệ, ớ ra, mình quên, thế là vội vàng ngoảnh mặt bước thật nhanh như chạy.

Nghệ sĩ nhạy cảm, dễ buồn, vui.

Với cái giá vẽ, ba lô màu, bút lông, với những tấm toan không màu, ông trở lại đúng tác phong anh họa sĩ chứ không phải anh công chức cần mẫn ba mươi năm nay trong một cơ quan nghiêm giờ giấc. Ông trở về đúng nghĩa trái tim ông. Người nghệ sĩ lang thang theo gió, mây bay, mùa thu, đông với những ráng chiều, hoàng hôn, hừng đông, tà áo biếc. Nghệ sĩ không có tuổi. Nghệ sĩ mãi thanh xuân. Mê man, đắm đuối vẽ nên tranh.

Ngày xuân đẹp trời. Nắng vàng tươi sưởi ấm những chồi non. Bên con đường làng lúa làng hoa, người ta thấy ông họa sĩ đang cố huơ tay nhặt những chiếc bút lông tung tóe ra đường và những hộp màu nhòe nhoẹt trên chiếc toan loang lổ bởi một gã nào đó mải ngắm ông hay vô tình đã gây ra tai nạn và bỏ chạy. Mãi sau người ta mới biết, sức khỏe ông có vấn đề.

Nghỉ hưu. Nghĩa là già. Nghĩa là ngừng lao động. Mọi thứ dần dà sẽ từ giã chúng ta. Đó là qui luật. Qui luật của tạo hóa. Qui luật của cuộc sống. Qui luật của muôn đời. Lúc còn trẻ hám danh hám lợi không dám dành thời gian làm công việc mình yêu thích, dự định nghỉ hưu sẽ làm, nghỉ hưu sẽ làm.

Nói bậy. Trẻ chẳng ăn ai, đòi nghỉ hưu, già, sẽ làm sẽ làm?

Tuổi trẻ. Cái quí giá nhất của đời người là tuổi trẻ. Tuổi trẻ, hãy làm đi, hãy làm đi, làm những gì mình yêu thích, mình cho là đúng, để tuổi già ta sống đúng với tuổi già. Để tuổi già ta không phải hối tiếc, ta không phải ước ao điều mà không bao giờ thành hiện thực. Thời gian trôi đi không bao giờ trở lại

Lê Anh Khoa
.
.