Cửa sổ văn nghệ

Nhanh ẩu đoảng

Thứ Ba, 27/03/2012, 08:00

Một nhà thơ than phiền: "Có lần, một nhà phê bình không chuyên khen 2 câu trích trong bài thơ "Những câu hỏi của con" mà tôi viết tặng con gái khi cháu còn nhỏ. Người này viết: "Hẳn phải thương mẹ lắm, bé mới hỏi: Sao bố không mua trăng/ Làm đồ chơi tặng mẹ? Người này đã nhầm. Không phải đứa bé thương mẹ mà hỏi vậy. Cái chính là ở tuổi bé thơ, đứa trẻ nào cũng nhìn mọi vật như đồ chơi của nó vậy"...

Một nhà thơ cao tuổi kể: "Đã có một vài lần, tôi trở thành nạn nhân của một vài người thiếu hiểu biết. Một người kiến văn rất có vấn đề, khi mới đọc 2 câu thơ mở bài trong một bài thơ dài 20 câu của tôi đã vội chê. Tôi đã hỏi lại người này: Thế bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu, hay nhất ở câu "Đầu súng trăng treo", lại là câu thơ cuối cùng trong bài thơ, thì ông nghĩ sao? Tương tự,  2 bài thơ "Tiếng bom ở Seng Pan" và "Đèo Ngang" của nhà thơ Phạm Tiến Duật bất ngờ nhất và hay nhất ở 1 - 2 câu kết: "Thế đấy ở chiến trường/ Nghe tiếng bom rất nhỏ" hoặc "Bao nhiêu người làm thơ đèo Ngang/ Mà không biết con đèo chạy dọc", thì ông cũng sẽ chê hai bài thơ trên chăng? Hay như bài thơ "Mặt nạ kẻ ác" của nhà thơ nổi tiếng người Đức Bertolt Brecht: "Trong buồng tôi treo một điêu khắc gỗ/ Mặt nạ ác thần Nhật Bản thếp vàng/ Mạch máu hằn trên trán nhăn khốn khổ/ Tôi nhìn nó cảm thông/ Làm người ác khó nhọc vô cùng", chắc hẳn ông cũng sẽ chê trước khi đọc đến câu thơ hay nhất là câu cuối cùng: "Làm người ác khó nhọc vô cùng?".

Một nhà thơ trẻ nhớ lại: "Quãng năm 1991, sau khi tập hợp được trên 50 bài thơ sáng tác trong 10 năm (đã được đăng báo hẳn hoi), tôi bèn hăm hở đến một nhà xuất bản xin giấy phép xuất bản. Mọi việc sắp êm xuôi thì tôi bị ông giám đốc kiêm tổng biên tập xía vô. Ông ta sợ câu "Vinh quang được vắt ra thành nước" trong bài "Người đi bộ chân phương" (viết về bản lĩnh và lòng kiên trì của một vận động viên đi bộ - một trong nhiều nội dung thi đấu của môn điền kinh) của tôi. Còn câu "Đám lá vàng rụng xuống mùa thu" trong bài "Mùa thu" của tôi - một câu thơ bình thường và có phần thuần túy kỹ thuật thì được ông ta quá khen. Chưa hết. Đến khi ông ta chém thơ tôi như chém chuối, thích cắt câu nào thì cắt, thích bỏ câu nào thì bỏ, thích sửa câu nào thì sửa, cho dù không có sai phạm hoặc cấn cá gì về nội dung, thì tôi thực sự phát hoảng và xin rút lui không in sách nữa. Tôi tự nói với mình: Làm nhà thơ khổ thật, đã không được gì (chưa kể còn tốn kém tiền bạc và tâm sức), vậy  mà ngay đến việc nhỏ  nhất là  mong được người khác cảm thông, sẻ chia thôi, cũng không có nốt!".

Cách đây không lâu, khi tham dự Festival thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất tổ chức tại Hạ Long, tôi đã đọc bài thơ "Vưxốtxki đứng hát" mà tôi là tác giả. Trước khi đọc thi phẩm này, tôi có giới thiệu ngắn gọn vài dòng về Vưxốtxki: Ông là một ca sĩ, một diễn viên sân khấu, một nhà thơ nổi tiếng của nước Nga trong thế kỷ XX. Vậy mà không hiểu sao, người phiên dịch lại dịch thành "Vưxốtxki là tên một tỉnh của nước Nga". Không biết nghe lời dịch này, các nhà thơ Nga tham dự Festval nói trên sẽ nghĩ gì?

Như vậy, vô tình tôi cũng đã trở thành "nạn nhân" của sự thiếu hiểu biết

Đặng Huy Giang
.
.