Nhận diện những “lỗ thủng” văn hóa

Thứ Hai, 12/02/2018, 09:45
Văn hóa là một vốn quý, là di sản truyền lại cho đời sau. Khi mục tiêu phát triển kinh tế được đặt lên hàng đầu, văn hóa cũng sẽ được xem như một thứ “tài nguyên”, để khai thác, tạo ra lợi ích kinh tế. Nói cách khác, văn hóa cũng là một sản phẩm hàng hóa. Nó cũng sẽ bị chi phối bởi thị trường, thị hiếu. Điều này không có gì sai. Cái sai, cái nguy cơ nằm ở chỗ lợi nhuận và sự khai thác thái quá, bất chấp sa đà sẽ tạo ra những lỗ thủng làm băng hoại những giá trị văn hóa.


Nhìn tổng quát, với xu hướng công nghệ hóa, các loại hình, sản phẩm văn hóa đang ngày càng phong phú, nhiều màu sắc hơn. Nhưng cũng chính trong quá trình đi lên, trong xu thế thương mại hóa văn hóa toàn cầu, sản phẩm sáng tạo văn hóa lại đang nghèo đi, ngày càng nhiều sản phẩm lỗi.

Tác phẩm văn hóa có giá trị ngày càng ít ỏi, trong khi sản phẩm văn hóa phi văn hóa, dung tục… thì ngày càng có cơ hội xuất hiện nhiều hơn. Nó lấn đất, giành sân của các hoạt động văn hóa lành mạnh, nếu nhìn từ góc độ khán – thính giả, những người đang tiếp nhận văn hóa. Nó chi phối, tác động, chèn ép quá trình sáng tạo văn hóa, khiến sản phẩm mới nghèo nàn nội dung, ý nghĩa, trình độ nghệ thuật nhưng lại thừa thãi các yếu tố dễ dãi, màu sắc lai căng, sự dung tục.

Và mọi sự xuống cấp luôn luôn tìm được lý do để biện minh. Bên cạnh đó là sự xuất hiện liên tục các scandal văn hóa núp dưới các mỹ từ “sự khác biệt”, “độc đáo”, “thử nghiệm sáng tạo”, “cái nhìn đa chiều”…

Niềm vui, ảnh có tính chất minh họa. Ảnh: Nguyễn Trường Minh.

Nhân danh phát triển, rác thải văn hóa đang ngày càng được chất cao. Đâu là nguyên nhân và đâu là giải pháp để vá víu, không để các lỗ thủng ngày càng lan rộng, đưa tấm áo văn hóa trở lại lành lặn, cao hơn nữa là tạo ra những tấm áo văn hóa ngày càng đẹp đẽ giá trị hơn? Đó là một câu hỏi lớn không dễ trả lời.

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chúng tôi cho rằng có bốn nguyên nhân cốt lõi:

Thứ nhất là khuynh hướng đề cao thái quá vai trò hàng hóa của sản phẩm văn hóa. Người sáng tạo văn hóa cần “tiêu thụ”, “lưu hành” được rộng sản phẩm do mình sáng tạo ra, tất nhiên phải chiều theo nhu cầu của thị trường, thị hiếu. Vô hình chung, yếu tố thị trường đã tác động, chi phối cả ý tưởng lẫn quá trình sáng tạo. Nó buộc người nghệ sĩ đi đến điều tồi tệ nhất trong hoạt động sáng tạo, đó là sự thỏa hiệp với thị hiếu.

Dễ thấy nhất là trong các sản phẩm văn hóa biểu diễn. Cố giữ nguyên tắc và tự trọng sáng tạo, người nghệ sĩ sẽ tự chuốc lấy vô số những tổn thương, gần như cầm chắc thất bại và cuối cùng sẽ bị đào thải khỏi đời sống văn hóa, thị trường văn hóa vốn cạnh tranh khắc nghiệt.

Thứ hai là khuynh hướng tiêu thụ văn hóa đang thay dần thưởng thức văn hóa. Đây cũng là một tác động đặc trưng của thương mại hóa văn hóa. Vấn đề này liên quan sâu sắc tới yếu tố dân trí. Khi trình độ dân trí còn thấp thì những sản phẩm văn hóa dễ dãi sẽ dễ được tung hô hơn nhiều so với những sản phẩm lao động nghệ thuật khổ ải. Bởi nó trẻ trung hơn, nhiều màu sắc hơn, dễ tiếp nhận hơn. Đó là khi trên sân khấu tấu hài nhảm nhí lấn át các nhạc hội cổ điển, các ngôi sao nhan sắc trẻ trung, hào nhoàng tranh mất chỗ những nghệ sĩ tài năng đến từ khổ luyện…

Thứ ba, ít ai chú ý, chúng ta đang thiếu trầm trọng đội ngũ những người hoạt động lý luận phê bình văn hóa – nghệ thuật đích thực. Công chúng vẫn tự nhiên chủ nghĩa lao theo những điều họ thích, dù họ không hiểu. Không ai chịu trách nhiệm định hướng, giới thiệu để hình thành nên khuynh hướng thưởng thức nghệ thuật cho quần chúng.

Nghệ sĩ, người sáng tạo cũng dễ bị thị hiếu lôi đi, chạy theo cái mới, cái thời thượng nhưng không chắc đã hiểu biết và làm chủ nó đích thực. Thị hiếu bị thao túng sẽ trở nên lệch lạc. Khi sự lệch lạc xảy ra, cũng không ai ngăn cản, uốn nắn nó. Những chế tài hành chính, cho dù có nặng mấy cũng sẽ không ăn nhằm gì so với nguồn lợi thu được khi mà phát hành văn hóa, tổ chức văn hóa đang là công việc bị điều khiển bởi những đội ngũ kinh doanh – “con buôn” văn hóa chứ không phải những bậc thầy hay chuyên gia sáng tạo.

Điều thứ tư, cùng với công nghệ thông tin, dân chủ đang được phát huy quá trớn. Thiếu vắng đội ngũ lý luận phê bình chuyên nghiệp nhưng chúng ta lại có thừa ý kiến khen chê cảm quan. Khổ thay, chê bai, mạt sát lại là cách dễ dàng hơn để tự thể hiện bản thân so với việc đào sâu suy nghĩ, trách nhiệm một cách có hiểu biết để có thể phát hiện ra một điều gì đó đúng đắn và đẹp đẽ. Dễ thấy nhất, đó là khi mạng xã hội đang trở thành một thứ quyền lực kinh khủng tác động vào mọi mặt đời sống, trong đó có văn hóa.

Những lỗ thủng văn hóa đang lan rộng. Vá víu hay khôi phục rồi phát triển nó không phải là việc có thể làm trong ngày một ngày hai. Cũng không thể áp dụng cứng nhắc các hình thức quản lý, chế tài để giải quyết, khi thủng rách văn hóa chính là mặt trái của quá trình phát triển kinh tế thị trường. Điều đó cần được nhận thức như một nguy cơ, có tính chiến lược. Đóng vai trò quan trọng để giải quyết nó chính là giáo dục, nâng cao dân trí, qua đó nâng cao thị hiểu thẩm mỹ cho cả đội ngũ người sáng tạo lẫn đám đông quần chúng tiếp nhận văn hóa. Bên cạnh đó là duy trì trật tự kỷ cương. Khi mỗi cá nhân tự điều chỉnh bản thân bằng lòng tự trọng và ý thức tôn trọng luật pháp thì hành vi ngoáy rộng vết thủng văn hóa sẽ có cơ hội được giảm thiểu.

Những giải pháp căn cơ đó là công việc dài lâu, nhưng thực hiện nó thì cần ngay từ bây giờ, nếu không muốn mọi việc trở nên quá muộn.

Nguyễn Đức
.
.