Nguồn sách cho học sinh tiểu học

Thứ Năm, 12/07/2018, 09:13
Với chủ đề "Xây dựng văn hóa đọc và phát triển mô hình thư viện thân thiện trường tiểu học", cuộc hội thảo quốc gia do Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp với tổ chức Room to Read tổ chức đã thu hút hàng trăm ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, xuất bản và thư viện.


Đây là một động thái góp phần khẳng định, muốn xây dựng văn hóa đọc cho cộng đồng, nhất định phải bắt đầu từ việc khuyến khích trẻ em đọc sách!

Tại hội thảo, có một thống kê được đưa ra khiến nhiều người quan tâm, ấy là số giờ đọc sách trung bình của mỗi người ở Ấn Độ là 10,42h/tuần; Thái Lan là 9,24h/tuần và người Mỹ đọc 5,42 giờ/tuần. Riêng Việt Nam, con số này được tính trung bình mỗi người Việt đọc 1,2 quyển sách/năm. Nghĩa là, hiện nay người Việt ít đọc sách ở mức đáng lo ngại.

Để cải thiện thực trạng đáng âu lo ấy, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, dù có bao nhiêu thư viện và hình thức đa dạng như thế nào thì điều quan trọng nhất vẫn phải là vun đắp thói quen đọc cho trẻ em. Từ thói quen đọc sách của trẻ em sẽ hình thành văn hóa đọc trong học đường và lan tỏa ra xã hội.

Hiện tại có vài mô hình thư viện trường tiểu học mang lại tín hiệu lạc quan, như tỉnh Lào Cai đưa ra mô hình thiết lập tủ sách tại thôn bản, kết nối hoạt động thư viện với các hoạt động học tập, thi kể chuyện theo sách, viết bài chia sẻ cảm tưởng… thu hút trẻ em đọc sách, còn tỉnh Hòa Bình cũng chia sẻ mô hình thư viện xanh, thư viện góc lớp để học sinh có thể tiếp cận với sách mọi lúc mọi nơi.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn cho thư viện trường tiểu học vẫn còn mơ hồ. Bà Trịnh Hoài Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Trưởng ban điều phối công tác thư viện trường tiểu học -  đưa ra thực trạng hiện nay nhiều trường chưa có thư viện riêng cho học sinh, có 1/3 số thư viện cả nước chưa đạt yêu cầu về diện tích sử dụng; nhiều trường chưa có cán bộ thư viện chuyên trách, đa số đưa cán bộ dư thừa phụ trách công tác thư viện.

Ngay cả ở những thành phố nhộn nhịp thì trang thiết bị, cơ sở vật chất của các thư viện tiểu học vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới, nguồn học liệu cho học sinh vẫn còn nhiều hạn chế.

Để đầu tư cho thư viện trường tiểu học, không thể trông chờ mãi vào túi tiền của các bậc phụ huynh, mà phải kêu gọi sự hỗ trợ từ các Mạnh Thường Quân. Hiện tại, đã có nhiều dự án về sách được triển khai mạnh mẽ như dự án "Trẻ em vui đọc" do Hội đồng Anh xây dựng và được Ngân hàng HSBC tài trợ được triển khai ở thành phố Hà Nội từ tháng 3 năm 2016, hoặc dự án "Cùng Đọc Sách" của VICC (Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam) mang lại nhiều hiệu quả rất tích cực. Vì vậy, xây dựng mô hình thư viện trường tiểu học sẽ dễ dàng nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của nhiều tổ chức tài chính và tổ chức giáo dục có cùng chung chí nguyện!

Ngoài sách giáo khoa, thư viện trường tiểu học cũng cần những loại sách văn học, truyện tranh… Đây là loại sách cần thiết để học sinh tiểu học được khơi dậy trí tưởng tượng và hình thành quan niệm thẩm mỹ lành mạnh. Nguồn sách ấy từ đâu?

Nhiều nhà xuất bản đã và đang theo đuổi mảng sách cho thiếu nhi rất thành công như Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ, đều mong muốn đưa sản phẩm đến với học sinh tiểu học từ miền ngược đến miền xuôi.

Có lẽ đã đến lúc phải có quy chế phối hợp giữa ngành giáo dục và các đơn vị xuất bản này, để thiết kế thư viện trường tiểu học phong phú hơn. Những nhà làm sách liệu có nhiệt tình ủng hộ chương trình ấy không? Chắc chắn có! Bởi lẽ, khi sách vào thư viện trường tiểu học, không chỉ kích hoạt tinh thần đọc sách cho trẻ em,mà còn tạo ra lượng khách hàng tương lai cho ngành xuất bản!
Lê Thiếu Nhơn
.
.