Người thơ, từ "Hai phía chân dung"

Thứ Sáu, 14/05/2021, 14:13
Nhà thơ, Nhà giáo ưu tú, Tiến sỹ toán học Lê Quốc Hán mấy lần tâm sự với tôi về những gì tâm đắc khi xuất bản cuốn “Hai phía chân dung”. Không chỉ là một tác phẩm, tôi thiển nghĩ đó là những điều tâm đắc, máu thịt, gắn với gần như cả cuộc đời của một nhà thơ, một nhà giáo, một người con xứ Nghệ. “Ba phần đời trôi dạt/ Hồn lạc về cố hương”.

 

Đó là hai câu thơ mở đầu cho “Hai phía chân dung”. Những bài viết trong cuốn sách như là một cuốn hồi ký, nhưng lại không phải hồi ký, như là những tản văn, nhưng không phải tản văn, như là một cuốn tự truyện, nhưng cũng không phải tự truyện?! Cuốn sách thấm đẫm hồn quê, thấm đẫm tình yêu, tình người, tình quê hương đất nước, thấm đẫm từng chữ, từng câu, từng dòng, từng trang viết.

Mở đầu là người cha trong bài viết “Điều bí ẩn thứ ba”: “... Cha ta, một tín đồ nhiệt thành của tôn giáo thi ca. Người sinh ra bên bến Tam Soa, nơi hai con sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu hợp lưu với sông Cả thành Lam Giang rồi đổ ra biển cả... Người truyền cho ta biết bao câu thơ đẹp và buồn trong ca dao và Truyện Kiều... Vì sao suốt đời Người không làm một câu thơ? Đó là một bí ẩn. Bí ẩn hơn: vì sao Người dặn đi dặn lại ta rằng chớ bao giờ làm thơ, đặc biệt thơ tình. Vì sao một người con chí hiếu không thể làm theo lời Người dặn. Lại thêm một bí ẩn ...”.

Nhà thơ Lê Quốc Hán.

Tôi quen biết nhà thơ Lê Quốc Hán đã lâu, nhưng sau khi đọc kỹ cuốn “Hai phía chân dung” tôi mới hiểu được nhiều điều về nhà thơ Lê Quốc Hán, hiểu được cái ông cha xưa thường nói Con nhà gia giáo. Truyền thống gia đình, giáo dục gia đình rất quan trọng để hình thành nhân cách một con người. Chính vì điều này nhiều năm qua tôi đã đi tìm hiểu để viết cuốn “Chuyện gia đình những người nổi tiếng” (Nhà xuất bản Văn Học 2015).

Từ gia đình đến thầy cô, bạn bè, rồi quê hương, đất nước, cả những vấn đề thuộc về thế giới, con người, nhân sinh như “Mẹ thiên nhiên”; “Hoa và người”; “Thử bàn luận về con người”; “Tuổi thọ”; “Con người, thiên thần và ma quỷ”; “Một thoáng nghĩ về ... cái chết”... Và cả vấn đề thời sự nóng bỏng đang diễn ra trên toàn thế giới “Đại dịch COVID-19” ... Bàn về vấn đề gì, nhà thơ, nhà giáo, tiến sỹ toán học Lê Quốc Hán cũng có những kiến giải sâu sắc, thú vị.

Tôi chôn nhau cắt rốn ở Kỳ Anh, vùng đất phên giậu thời Lý - Trần - Lê, là đại bản doanh của chúa Trịnh -  thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, và trung tâm của chiếc đòn gánh miền Trung gánh hai đầu đất nước. Một người bạn vốn tính lãng mạn đặt cho Kỳ Anh quê tôi cái tên mỹ miều Thung lũng nàng tiên...” (“Thung Lũng nàng tiên”).

Tác phẩm mới của Nhà giáo ưu tú, Tiến sỹ toán học Lê Quốc Hán.

Thực lòng, đọc những dòng này tôi thấy xúc động. Bởi Kỳ Anh cũng chính là quê tôi. Tôi đã lấy tên quê làm bút danh: “Lấy tên quê đặt tên mình/ Là lòng tôi đã nặng tình quê hương” là hai câu thơ tôi viết về quê mình.  Ấy vậy mà, bao nhiêu năm qua vào Nam ra Bắc, đi gần như khắp năm châu, bốn biển nay mới biết quê mình chính là “Thung lũng nàng tiên” như nhà thơ Lê Quốc Hán đã viết, mới thấy quê mình thật là đẹp, thật là hay, thật nặng tình máu mủ... Nhưng, nhà thơ Lê Quốc Hán không chỉ dừng lại ở mảnh đất Kỳ Anh chôn nhau cắt rốn; Lê Quốc Hán viết về “Một thoáng Thiên Cầm”; “Về quê Bà chúa thơ Nôm”; “Chạm ngõ miền Tây” (Miền Tây Nghệ An);  “Quế Phong du ký” ;  “Một góc thành Vinh”; “Ấn tượng Cửu Long Giang”;  “Ký ức Đồng Nai”... Để rồi tụ lại trong bài viết về đất nước Việt Nam thân yêu “Đất nước đẹp dáng rồng bay”.

Nhà thơ Lê Quốc Hán có hai vùng quê gắn bó suốt đời đó là Hà Tĩnh và Nghệ An. Và, trong cuốn sách này có ghi lời hai nhà thơ, Phó Chủ tịch và Chủ tịch hai hội Văn Học Nghệ Thuật Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhà thơ Phạm Thùy Vinh (Phó Chủ tịch HVHNT Nghệ An, kiêm TBT tạp chí Sông Lam viết: “Hết mình sống, sống đúng mình, không gắng gượng theo ai, theo bất cứ điều gì ngoài trí tuệ và con tim mách bảo, ấy là tâm niệm và cũng là điều nhà thơ Lê Quốc Hán thực hiện”

Còn nhà thơ Trần Nam Phong  - Chủ tịch hội VHNT Hà Tĩnh, kiêm phụ trách tạp chí Hồng Lĩnh thì viết: “Nhà thơ Lê Quốc Hán nói về đạo và đời, lịch sử và thi ca với một kiến thức uyên thâm, phong thái dung dị và có một cái gì đó nhẹ bẫng như không. Vâng, tôi hiểu, để đạt được “cảnh giới” này, nhà thơ đã đi qua một chặng dài trên hành trình sống, trải nghiệm và viết, nối cái hữu hạn kiếp người với vô biên trời đất và vũ trụ tâm linh”.

Ngoài tài năng toán học và một tâm hồn thi ca, Lê Quốc Hán như tôi biết là một người sống ân tình. Ân tình với bà con họ hàng làng xóm; ân tình với thầy cô, bạn bè, quê hương, đất nước... Trong “Hai phía chân dung” nhiều bài viết đã thể hiện điều này. 

Lê Quốc Hán viết khá sinh động về những người thầy của mình nhất là những người thầy dạy toán, dạy văn. Thầy Trần Ninh tức nhà văn Hà Quảng cũng chính là thầy dạy văn chúng tôi. Trong bài “Vầng trăng thơ dại” viết về thầy Trần Ninh nhà thơ Lê Quốc Hán cho rằng: “Trong mười năm học phổ thông, người có nhiều ảnh hưởng sâu sắc trong quá trình hình thành nhân cách và giữ được ngọn lửa đam mê sáng tạo trong tôi là thầy giáo Trần Ninh...”. Với hai câu thơ của thầy Hà Quảng trích ở đầu bài: “Thửa ruộng bên này người gặt gấp/ Lưỡi hái lùa trăng lên ống tay” hình ảnh thầy Trần Ninh - Hà Quảng hiện lên trang viết thật đẹp, thật ân tình.

Trong bài viết “Người thi vào đại học điểm mười văn” nhà thơ Lê Quốc Hán viết về Trần Hữu Huỳnh một người bạn mà theo tác giả:  “... Không chỉ đa tài, Huỳnh còn là một người giàu tình cảm với quê hương, anh em ruột thịt, chu đáo với bà con chòm xóm láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp...”. Người đời có câu: Hãy cho tôi biết người bạn của anh, tôi sẽ biết anh là người thế nào! Qua những người bạn của nhà thơ Lê Quốc Hán, ta cũng biết được Lê Quốc Hán là người thế nào! Đúng vậy! Khi nhà thơ Lê Quốc Hán viết về người “Trọn đời yêu cái đẹp” thì tôi thiển nghĩ, chính thi sỹ Lê Quốc Hán cũng là người suốt đời yêu cái đẹp ... “Rằng thơ thấy đẹp phải lần theo”, như chính câu thơ của Nam Trân mà nhà thơ Lê Quốc Hán đề tựa trong bài “Trọn đời yêu cái đẹp”.

Cái đẹp của những thiếu nữ trong “Ba mối tình đầu của chàng Đông – ki - rét”, là những mối tình đẹp, nên thơ, của một thời tuổi trẻ, của chính tác giả đã mang đến cho người đọc những kỷ niệm của một thời mà có lẽ chúng ta ai cũng trải qua. 

Khi nhà thơ sống hết mình, yêu hết mình và cũng trung thực hết mình, không giấu giếm, không tô vẽ thì chính những dòng, những chữ, những câu được viết ra làm lay động lòng người.

Trong “Hai phía chân dung” Lê Quốc Hán viết về những nhà thơ lớn như Xuân Diệu “Xuân không mùa”; Huy Cận “Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm”, Hàn Mạc Tử “Hành hương theo dấu chân Hàn Mạc Tử” là những bài viết có cách nhìn khá chuẩn mực. Nhưng tôi vẫn thích những bài viết về các vấn đề như “Đạo Việt Nam”; “Toán học và thi ca”; “Mấy cảm nhận về thơ”. Những vấn đề khá trừu tượng này được chính nhà thơ, nhà toán học Lê Quốc Hán kiến giải khá cụ thể với nhiều cảm xúc được soi chiếu từ triết học và thi ca, từ những trải nghiệm của chính cuộc đời nhiều thăng trầm của tác giả .

“Làm thơ đã khó, trở thành nhà thơ còn khó hơn lên trời. Thông minh, học rộng ư? Chưa đủ. Giao lưu, từng trải ư? Chưa hẳn đã thành tài. Cái chính là tâm mình phải sáng: Từ trái tim đi ra dễ trở vào trái tim. Nếu trong tâm hồn bạn có một hạt giống thi ca, và bạn biết giữ gìn tâm hồn mình luôn trong sáng có ngày những vần thơ từ tim bạn sẻ nảy mầm, đơm hoa kết trái dâng đời...”. Tôi thiển nghĩ, trong tình trạng mà nhiều người cho rằng chúng ta đang “lạm phát” cái mà nhiều người gọi là thơ hiện nay thì những ý  trên của nhà thơ thứ thiệt Lê Quốc Hán đáng làm chúng ta suy nghĩ!

Bởi vì nói như nhà văn Ấn Độ Frem Chânđơ: “...Những cái người đời cho là đau buồn đối với nhà thơ là niềm vui chân chính! Của cải, sắc đẹp, phù hoa, uy quyền, thông minh, giả dối có thể mê hoặc lòng người nhưng không bao giờ cám dỗ nổi thi nhân. Những điều ngự trị trong trí tưởng tượng của thi nhân là nước mắt trào ra từ những hy vọng không thành, những ký ức quên lãng, những trái tim tan vỡ...”.

Lê Quốc Hán cũng như tôi, người viết bài này đã trải qua chiến tranh, bom đạn, buồn đau, nghèo đói và cả những mất mát do những sai lầm ấu trĩ một thời mang lại cho chính bản thân và gia đình. Nhưng, nói như một câu ngạn ngữ phương Tây: “Nổi khổ là một gia tài lớn”. Đúng vậy, chúng tôi đã lớn lên, trưởng thành từ chính gia tài này...

Hà Nội, tháng 4-2021

Dương Kỳ Anh
.
.