Người thơ ‘Thức cùng bóng tối’

Thứ Ba, 02/06/2015, 08:00
Tôi thường có may mắn được bạn bè từ mọi miền gửi thơ tặng, song không hiểu sao khi nhận được tập thơ này lại có linh cảm khác thường. Tôi đọc liền mạch với mong muốn không chỉ để hiểu thơ, mà còn tìm xem có manh mối, cơ duyên nào để Việt Anh biết mình, và cả cái địa chỉ xưa cũ, làm khó cho người đưa thư, cậu ta lấy đâu ra?

Đọc tập thơ "Thức cùng bóng tối" của Nguyễn Việt Anh, NXB Hội Nhà văn, 2014

Khi tôi nhận được tập thơ "Thức cùng bóng tối" của Nguyễn Việt Anh gửi tặng thì ngay cả chị bưu tá cũng phải reo lên: "Thật may cho bác, là cháu chứ người khác thì chịu không tìm ra". Chả là địa chỉ đề gửi cho tôi đã được thay đổi cách đây 20 năm. Không chỉ thế, đọc đúng tên mình rồi mà vẫn còn hoài nghi, bởi người gửi tặng thơ không hề quen biết, sinh năm 1982, sau tôi vừa đúng 40 năm. Mọi chuyện đều lạ lẫm.

Tôi thường có may mắn được bạn bè từ mọi miền gửi thơ tặng, song không hiểu sao khi nhận được tập thơ này lại có linh cảm khác thường. Tôi đọc liền mạch với mong muốn không chỉ để hiểu thơ, mà còn tìm xem có manh mối, cơ duyên nào để Việt Anh biết mình, và cả cái địa chỉ xưa cũ, làm khó cho người đưa thư, cậu ta lấy đâu ra?

Rất may có mấy dòng trích ngang ở bìa 2, tôi biết được Nguyễn Việt Anh ở 39 phố Hàng Bồ, Hà Nội và có cả số điện thoại. Tôi gọi điện để cảm ơn, cũng để hỏi cho rõ ngọn ngành. Việt Anh không nén nổi vui mừng, nói như reo: "Cháu không ngờ bác nhận được, lại đã đọc xong và thông tin lại cho cháu". Việt Anh bộc bạch: “Cháu biết bác từ 11 câu thơ của bác trong tác phẩm “Nghìn câu thơ tài hoa” của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, Nhà xuất bản Văn học năm 2000. Địa chỉ gửi cho bác, cháu nhờ bạn tìm giúp ở cuốn sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại” của Hội Nhà văn Việt Nam. Qua đó tôi biết Việt Anh đã đồng cảm và thực lòng trân quý tôi, câu chuyện bác cháu càng trở nên gần gũi, chân tình.

Nghe Việt Anh kể tôi mới biết cuộc đời cháu đầy những ngang trái, bất hạnh: bị mất hoàn toàn thị lực lúc mới 14 tuổi. Và cũng trong năm ấy, Việt Anh phải gánh chịu thêm cú sốc nặng nề: bố mẹ chia tay. Tòa phán xét, cháu ở với bố trong cảnh "gà trống nuôi con". Thiếu hẳn hơi ấm, tình thương, sự nâng vực của mẹ đúng lúc cần sự bồi đắp nhân cách, tâm hồn, chỉ có sự chăm sóc của bố và ông bà nội. Một cậu bé đang như "búp trên cành"giữa chốn phồn hoa Hà Nội đã phải gánh chịu nỗi đau quá sức. Song Việt Anh đã không cam chịu, đầu hàng số phận.

Được trời phú cho tư chất thông minh và nghị lực phi thường, từ năm 1999 - 2002, Việt Anh đã miệt mài ngày đêm để học xong chương trình THCS, THPT Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu và lớp vật lý trị liệu y học Tuệ Tĩnh.  

Có nghề vật lý trị liệu, Việt Anh đã được Hội người khiếm thị tạo mọi điều kiện cho vào làm nghề "tẩm quất" để sinh sống, để bớt đi gánh nặng cho bố và ông bà. Không chỉ chăm chỉ học hỏi, khéo léo chân tay, thành thạo nghề nghiệp, vốn có năng khiếu bẩm sinh, Việt Anh lại đam mê học làm thơ. Việt Anh coi thơ như điểm tựa tinh thần để sống, để tin yêu vượt lên nỗi đau đường đời. 

Vợ chồng tác giả Nguyễn Việt Anh và hai con khi còn đoàn tụ sum vầy. 

Tôi khâm phục nhiều người khuyết tật viết văn, làm thơ, như: Đỗ Trọng Khơi, Trần Xuân Trường, Phạm Minh Giắng... nhưng chưa từng thấy ai mất hoàn toàn thị lực làm được thơ hay như Việt Anh. Có lẽ Việt Anh đã đến với thơ bằng con đường độc đạo, bị núi cao vực sâu chắn lối. Học làm thơ bằng cách nhờ người thân đọc cho nghe các bài thơ trên báo, các tập thơ hay bạn bè tìm mua giúp, khi làm được thơ phải nhờ người ghi chép lại từ trí nhớ của mình. Và rồi tìm nhờ những người đã có nghề thơ góp ý sửa chữa cho.

Cứ như thế, những bước đi chập chững ban đầu đã âm thầm gây men, cuốn hút, nuôi dưỡng tâm hồn thơ trong Việt Anh. Những khao khát ước mơ của tuổi thanh xuân cũng lớn dần và đơm hoa kết trái. Người thơ đón nhận tình yêu, rồi cưới vợ sinh con.

Tưởng con thuyền hạnh phúc sẽ êm trôi trên con sông đời nhọc nhằn mà thơ mộng ấy, bù đắp cho những mất mát thiếu hụt của tuổi ấu thơ! Nào ngờ "họa vô đơn chí", nỗi bất hạnh không chịu buông tha. Vợ chồng, con cái đang sum vầy hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười trong nhà, lại bất ngờ rơi vào cảnh "tan đàn sẻ nghé", anh một đường theo cha và em một đường theo mẹ. Việt Anh lại một lần nữa rơi xuống vực thẳm - hố đen tinh thần

Không thể cầm lòng trước những hiểm họa khổ đau liên tiếp đến bao nhiêu, thì càng ngưỡng mộ bản lĩnh và nghị lực phi thường của người thơ bấy nhiêu. Có lẽ, chính sức chịu đựng và nghị lực vượt thoát những bi kịch của người thơ cũng đã làm nên hồn cốt đặc biệt cho thơ rồi. Giá trị của tác phẩm hẳn sẽ được nhân lên trong cảm nhận của người đọc khi thấu hiểu, sẻ chia xót xa cùng tác giả.

"Thức cùng bóng tối" là một tập thơ được viết ra bằng nhiều suy ngẫm, trăn trở từ những biến cố, những được, mất ở chính cuộc đời máu thịt của tác giả Việt Anh.

Với 57 bài thơ đều sử dụng thể thơ lục bát, có ưu thế biểu đạt tình cảm cho  thơ tình. Nội dung như tự truyện, bao dung nhân hậu. Xót đắng, nhưng không bi lụy, oán hờn, bế tắc.

Đoạn tuyệt với ánh sáng khi mới 14 tuổi, đời chỉ còn thăm thẳm bóng tối, ước mơ khao khát lớn nhất, nếu không muốn nói duy nhất, là ánh sáng. Và Việt Anh đã thốt lên: "Thức cùng bóng tối thẳm sâu/ Mới hay đêm cũng thầm đau nỗi người/ Muốn làm ngày một lần thôi/ Được mang sắc áo non tươi nắng hồng" (Thức cùng bóng tối).

Với Việt Anh, mơ ước, khát vọng phải gắn liền với nỗ lực hành động vì sự sống cụ thể mỗi ngày. Có lẽ, chính bản lĩnh, niềm tin đã giúp Việt Anh vượt qua được áp lực nghiệt ngã của bóng tối. Đã tiếp sức, gợi mở cho tác giả sức liên tưởng, viết được những câu thơ tài hoa, để sẻ chia an ủi chính mình, có sức mạnh vô hình mà thần diệu: "Ngàn sao nhấp nhánh giữa trời/ Có hay bóng tối một đời hy sinh/ Chỉ vầng trăng thức lặng thinh/ Khuyết tròn với những tâm tình của đêm" (Chỉ vầng trăng thức).

Cảm ơn thơ, chỉ có thơ mới biết được trăng và vạn vật thức cùng bóng tối, mới đủ khả năng chuyển hóa các cung bậc từ khát vọng đến hy vọng của người thơ như thế.

Khát vọng cháy bỏng ấy, chắc không chỉ với tập thơ này, mà sẽ chi phối mọi suy nghĩ và hành động của Việt Anh suốt cuộc đời.

Tên tập thơ đã thể hiện tính chủ động đối diện, chấp nhận mọi khó khăn thách thức. Dẫu biết đời mình không tìm lại được ánh sáng, thì người thơ đã chuẩn bị cho mình tâm thế: thức cùng bóng tối, để nhìn cuộc đời bằng thứ ánh sáng riêng - ánh sáng tâm hồn mình.

Ta gặp tâm thế bình thản, cách ứng xử thông minh mà chân thành của Việt Anh trước một vấn đề tưởng khó bề giải tỏa, cảm thông, ngay ở bài thơ đầu.

Trong tình yêu, hay cuộc sống chồng vợ, cũng phải trải qua nhiều sóng gió, bất đồng, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, nếu mỗi người không độ lượng chấp nhận hi sinh, nhận thiệt thòi thương khó về mình, mà cố chấp, đố kỵ thì rồi cũng phải trả giá. Mà cái giá cho những sai lầm ấy, nhiều khi không thể sửa chữa được. Việt Anh chắc cũng thấm thía, nghiệm ra từ chính đổ vỡ của bản thân mình: "Song song hai nỗi lặng thầm/ Song song hai trái tim bầm dập đau/ Song song hai giấc mơ nhàu/ Song song hai mái tóc màu phôi pha/ Song song hai vết mưa nhòa/ Song song hai chiếc bóng da diết chiều/ Tôi và em giữa tình yêu/ Vẫn song song bước dẫu nhiều trái ngang" (Song song).

Thế đấy! Nếu không mở lòng để chấp nhận các trạng huống để duy trì sự "song song", thì không những không có được trái ngọt, mà cuộc đời chỉ toàn nếm trải vị đắng của tình yêu: "Cà phê đắng ngắt bờ môi/ Căn phòng chống chếnh ngoài trời bão giông/ Sao mưa cứ lọt qua song/ Theo nhau len lỏi vào trong nỗi buồn" (Cà phê đắng).

Vâng, chính khi có, rồi để mất "song song" thì nỗi đơn lẻ, trống vắng là thế. Có mưa gió nào lọt qua song đâu? Chỉ có sự trống vắng giày vò mình đến tê tái được mang tên nỗi buồn đó thôi. Mà khi đã len lỏi thấm vào trong nỗi buồn rồi thì không cách gì ngăn cản, che chắn, rũ bỏ dễ dàng đâu.

Và đã mất "song song" thì như mất đi phương hướng, đẩy người ta vào vô định, chán chường: "Con đường về với bình yên/ Một con đường nhỏ không tên không nhà/ Không xe cộ không người qua/ Không nắng sớm không chiều tà không đêm/ Con đường thăm thẳm mắt em/ Khỏa trần tôi bước giữa miền hoang sơ" (Con đường).

"Song song" trong tình yêu, tình vợ chồng của Nguyễn Việt Anh, là một phát hiện, một đóng góp thật có ý nghĩa, cho kho tàng kinh nghiệm của tình yêu. Bởi mất đi "song song" là kéo theo sự bất ổn, làm đảo lộn cách nhìn cách cảm, gây ra nhiều hệ lụy cho hạnh phúc lứa đôi: "Chẳng thà làm hạt mưa rơi/ Còn hơn làm nắng mà oi oi nồng/ Chẳng thà buồn giữa phố đông/ Còn hơn đóng cửa mà không nỗi gì/ Chẳng thà đến để rồi đi/ Còn hơn sống với hồ nghi suốt đời" (Chẳng thà).

Yêu thì nhiều đường, lắm lối, nhưng đều có chung tâm trạng: Nghĩ thì trên trời dưới biển, nhưng khó có thể tỏ bày thoát ý, trọn lời. Tình yêu trong lòng Việt Anh cũng dâng trào, trên những nẻo vòng, những cung bậc tâm trạng thật ngọt ngào, bảng lảng, vu vơ, Có hơi hướng phong vị ca dao nhưng hồn cốt mới - hiện đại.

Những bài thơ trong tập "Thức cùng bóng tối" hầu hết ngắn. Nên nhớ, người thơ còn phải nhờ người chép lại mỗi sáng tác từ trí nhớ của mình...

Song, theo tôi cũng không quan trọng lắm ở sự ngắn, dài. Thơ của Việt Anh đều có tứ, mà ý, tứ mỗi bài thơ chừng như đều được chưng cất, tinh lọc, mã hóa từ những khổ đau bất hạnh, thành, bại của chính bản thân và gia đình mình, qua lăng kính nhân văn. Cả 57 bài thơ Việt Anh đã vượt qua một cách ngoạn mục về sự đòi hỏi thách thức của vần luật; mà bằng ngôn ngữ giàu hình tượng, được tìm tòi, chắt lọc công phu, đa ngữ nghĩa, không bị vần luật rê dắt dễ dãi nhàm chán - một thách thức với cả nhiều nhà thơ già dặn, cao tay.

Lâm Xuân Vi
.
.