Đoàn Ngọc Thu

Người đàn bà bước vào tâm bão

Thứ Hai, 30/03/2015, 08:40
Yêu thơ, sống trọn vẹn từng phút giây đắm say với thơ chưa đủ, Đoàn Ngọc Thu thể hiện tình yêu, sự tôn thờ đó bằng việc chị sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để tôn vinh thơ ở một hình thức khác mới lạ hơn, hấp dẫn hơn, sành điệu hơn và đương nhiên cũng tốn kém hơn mà trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam hiện nay chưa ai từng làm. Đó là làm video cho thơ - poem video. 

1.Ra mắt phiên bản Bão - một bài thơ trong tập thơ mang tên: "Vé một lượt" ra mắt bạn đọc cuối năm 2013 ở một hình thức khác. Đó là hình thức video thơ (poem video) có đạo diễn, có diễn viên, có hình ảnh tự nhiên của đời sống, có diễn xuất kịch tính, có cao trào của nghệ thuật âm thanh, hình ảnh, có giọng đọc dẫn dắt của chính nhà thơ. Đoàn Ngọc Thu đã mang Bão đến với bạn bè độc giả yêu thơ và đồng hành cùng những hoạt động nghệ thuật thi ca của chị trong những năm qua ở một hình thức mới, khác lạ và nhiều công phu.

Độc giả từ xưa đến nay đã quen với cách thưởng thức thơ cổ điển như bằng mắt, bằng tai và có tính chất cá nhân. Ai cũng có thể mở cuốn sách thơ, lật giở những trang thơ, tìm lấy bài thơ mình yêu thích, tác giả mình mến mộ, và thưởng thức bài thơ bằng cách đọc, cảm thấu theo cách của riêng mình. Cao hơn một chút nữa là ở hình thức nghe bằng tai.

Độc giả yêu thơ có thể cùng nghe thơ qua giọng đọc của các nghệ sỹ trên kênh phát thanh, truyền hình, hay đến khán phòng, hay sân khấu để thưởng thức bài thơ qua giọng ngâm của các nghệ sỹ đọc hoặc ngâm thơ trên nền nhạc, trên sân khấu. Nhưng với cách làm mới của Đoàn Ngọc Thu cho tác phẩm thơ của mình dưới hình thức video thơ thì thơ đã được tái hiện, thể hiện, trình diễn ở một hình thức cao hơn, sang trọng hơn, công phu hơn và cũng tốn kém hơn.

Khi thơ bước vào một thế giới trình diễn khác như poem video thì sự tương tác giữa tác giả thơ, giữa tác phẩm thơ ban đầu với đạo diễn, diễn viên, kỹ thuật đã bước sang một trang mới mà ở đó thơ tồn tại như là linh hồn, là chủ thể nhưng cũng đã lại biến hóa, ẩn hiện đan xen và lan tỏa ở một hình thức mới và khác, có thể nói là cấp độ lan tỏa trở nên rộng hơn, giàu ẩn nghĩa hơn.

Lấy tiết tấu của tứ thơ, ý nghĩa của bài thơ, thông điệp của bài thơ để sáng tạo ra một phiên bản mới là thơ đấy, là câu chuyện cuộc đời đấy nhưng nó không còn là câu chuyện của chính tác giả nữa, không còn là bão của một cá nhân cụ thể nào nữa. Nó là một sự hòa trộn, đan xen, tạo tác giữa thơ và đời, giữa cái vô hình, vô ảnh theo nghĩa đen của ngôn từ bước vào cái thế giới trừu tượng vô biên đa hình đa ảnh của sự liên tưởng.

Và ở đây, cơn bão lòng của Đoàn Ngọc Thu đã bước từ tâm hồn chị để hòa vào những cơn bão lòng của bao nhiêu số phận của những người đàn bà trong thế gian này. Thơ mà cũng là đời đấy, đời đã bước vào thơ như một sự sẻ chia ngùi ngẫm để bớt đi những thương khó ẩn ức của cuộc đời.

Rõ ràng, thưởng thức thơ trên bản video người xem được thỏa mãn cùng lúc cả thị giác và thính giác. Sự thỏa mãn ấy sẽ làm cho trí tưởng tượng, sự rung động của người xem bay cao, bay xa, và trường liên tưởng lan tỏa của bài thơ sẽ mở ra ở một biên độ lớn hơn rất nhiều khi ta đọc một bài thơ yêu thích trên một bản giấy đen trắng chỉ có độc chữ.

Để hoàn thành và ra mắt được bản poem video Bão của Đoàn Ngọc Thu có sự đồng hành của những người bạn thân thiết có chung một niềm đam mê nghệ thuật. Đó là họa sỹ Lê Thiết Cương với vai trò giám đốc nghệ thuật, quay phim Nguyễn Trung Kiên, âm nhạc Phạm Quang Trần Minh, thiết kế Nguyễn Hương Giang và hai diễn viên đóng nhân vật anh và em trong video Bão là Nguyễn Thu Trang và Phạm Kỳ Nam. Với sự kiện này, Đoàn Ngọc Thu trở thành nhà thơ đầu tiên ở Việt Nam đầu tư tiền làm bản poem video cho một bài thơ mà chị yêu thích.

2. Trong những ngày đầu tiên của mùa xuân Ất Mùi, khi hương vị tết cổ truyền còn lẩn quất đâu đây giữa gió xuân hây hây lạnh, trong tiết mưa phùn rây hạt đủ để làm nhuận sắc thiên nhiên và cảnh vật trong đất trời, Poem video Bão của Đoàn Ngọc Thu ra mắt đã mang đến cho bạn bè, độc giả, khán giả, những người yêu thơ trong dịp lễ hội xuân Ất Mùi một cảm xúc vừa chợn rợn nỗi buồn gai người của bão, vừa bình yên, ấm áp và quý giá một hạnh phúc sau bão, đưa ta vào trạng thái cảm xúc của người làm chủ được mọi cơn bão đến từ phía tâm hồn mình.

Bão được lựa chọn cho sự khai mở đầu tiên của một hình thức xuất bản mới, lối trình diễn thơ mới, cách đưa thơ đến với công chúng mới hay như một cách để khép lại cơn bão phía sau cánh cửa của chính số phận tác giả.

Đoàn Ngọc Thu từng có số phận không bình yên. Nhiều khi chính chị cũng không hình dung chị đã khép lại cơn bão, hay từng trút bỏ bình yên để dấn thân chạy ra vùng tâm bão.  Tôi cho rằng những cơn bão ở cả mặt nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, dẫu có tan, dẫu có tràn qua, dẫu có biến mất sau khi xuất hiện thì những dư âm dư vị của nó chắc chắn còn để lại những hoang tàn đổ nát. Khi bình thản để dấn thân, để chấp nhận, để đối diện với Bão thì có nghĩa mọi hoang tàn đổ nát trong tâm hồn mình sau một cơn bão cũng đã qua.

Tôi tin với Đoàn Ngọc Thu là vậy. Thế nên khi thưởng thức poem video Bão ở một hình thức cách tân mới bằng hình ảnh, bằng âm thanh, bằng diễn xuất thì có người ngơ ngác với câu hỏi bão đã tan chưa, ta đã trốn bão bình an chưa hay cơn bão mới chỉ bắt đầu đến. Mọi thông điệp trong Bão đều là thông điệp mở không có câu trả lời chuẩn xác. Chạy vào tâm bão hay trốn về từ tâm bão thì đều là bão bủa vây mất rồi.

Nói một cách khác, từ Bão của chính tác giả Đoàn Ngọc Thu, khi bước sang một hình thức poem video thì hình tượng cơn bão đó đã chuyển thể sang một trường liên tưởng khác. Nó không còn của riêng chị, hay cá biệt một ai. Nó là những cơn bão lòng, những cơn bão trong tâm hồn người phụ nữ. Nó đã mang gương mặt những cơn giông bão trong biết bao số phận đa đoan của những người đàn bà trước cánh cửa hôn nhân, tình yêu. Trọn vẹn bài thơ Bão của tác giả Đoàn Ngọc Thu như sau:

Anh mang giông bão đập vào cánh cửa bình yên của em
Khuôn mặt mệt mỏi và buồn bã
"khép cửa, đón anh vào đi,
bão giông ở lại phía sau rồi…"

Em đốt lò lên và nướng lại bánh mì
Bật bản sonat ánh trăng của Bet và tin
Bão giông ở ngoài cánh cửa

Nhưng không chỉ gào thét ngoài kia
Gió và sự nghiệt ngã của số phận sộc vào
Lôi cả hai ta vào vùng tâm bão

Không còn bình yên nữa đâu
Và mình em ngơ ngác trong giông tố.

3. Có nhiều khán giả khi xem xong bản poem video Bão của Đoàn Ngọc Thu mang chút cảm giác tiếc nuối vì Bão mà họ vừa được xem khác với bão họ đã đọc. Thậm chí có những thắc mắc, những đòi hỏi không hề nhẹ về hình ảnh, diễn xuất, âm thanh trong và giọng đọc của chính tác giả trong poem video Bão không đủ mạnh, chưa tinh lọc, chưa đắc địa gây ấn tượng mạnh cho người xem.

Có lẽ đây là điều mà các nhà sản xuất cũng cần suy nghĩ thêm, rút thêm cho mình nhiều kinh nghiệm quý báu khi tiếp tục làm poem video. Tuy nhiên ở một hình thức thể hiện thơ, mang thơ đến công chúng rộng rãi, thuyết phục công chúng bằng cách đưa thơ vào một bản poem video quá mới mẻ này thì vạn sự khởi đầu nan. Điều quan trọng nhất, đáng ngưỡng mộ nhất là thái độ, sự tôn trọng và sự đầu tư không tiếc công, không tiếc của để tôn vinh thơ, đưa thơ đến với đại bộ phận công chúng theo một cách hoàn hảo nhất, trân trọng nhất.

Làm được như Đoàn Ngọc Thu không phải là nhiều, nếu không nói rằng trước nay mới chỉ mình chị là người duy nhất đi tiên phong. Trước đây, những người yêu thơ cũng mới chỉ được thưởng thức những buổi đọc thơ, hay mấy năm lại đây là sân khấu thơ ở ngày thơ Việt Nam trong dịp Tết Nguyên tiêu ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ngoài ra cũng có một số nhà thơ nổi tiếng đã tổ chức những đêm trình diễn thơ, đọc thơ rất sang trọng, hoành tráng với chi phí về nghệ thuật và tiền bạc khá lớn thể hiện sự tôn vinh thơ ca. Nhà văn Hữu Ước, nhà thơ Hồng Thanh Quang là những nhà văn, nhà thơ đã tổ chức thành công những đêm thơ nhạc như thế.

Sự cách tân trong các hình thức phổ biến thơ, trình diễn thơ, đưa thơ tới công chúng với một tâm thế tôn vinh thơ, trân trọng thi ca là hoạt động cống hiến vì nghệ thuật của các nhà văn nhà thơ hiện nay mà trong đó Đoàn Ngọc Thu là trường hợp rất đáng để chúng ta hoan nghênh ủng hộ và trân trọng.

Mặc dù với cương vị là Phó tổng biên tập của một tờ báo điện tử ở Thông tấn xã Việt Nam, ngoài công việc vô cùng bận rộn, chị còn là một bà mẹ đông con với bao nhiêu thương lo vất vả.  Thế nhưng với tư cách là nhà thơ, chị vẫn dành thời gian để ấp ủ những dự án mới, những hoạt động nghệ thuật bổ ích.

Sắp tới Đoàn Ngọc Thu chia sẻ chị sẽ cho ra mắt dự án tập hợp những bài thơ viết về chiến tranh in thành tập và cùng đối tác mang đến tặng cho những người lính trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là lính đảo Trường Sa. Đoàn Ngọc Thu tâm sự rằng, chị muốn góp một chút nhỏ lòng yêu nước, yêu quê hương Tổ quốc hôm nay.

Dương Lê Khánh Thy
.
.