Ngôi sao và người lái đò (thơ Thanh Thảo)

Thứ Hai, 15/10/2012, 08:00
Đọc thơ ta những năm chống Mỹ (ngay cả ở những tác phẩm tương đối tiêu biểu của các tác giả trẻ như Lê Anh Xuân, Bùi Minh Quốc, Thu Bồn, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Thanh Thảo…), ta nhận thấy có một đặc điểm nổi bật, là chúng rất giàu sức khái quát. Tất nhiên, trong thơ, muốn khái quát được, nhất là khái quát thành những vấn đề lớn mang tính thời cuộc, thật không phải là một việc đơn giản.

Lúc ấy gần tàn đêm
Chúng tôi lần lượt lên xuồng
Sao Mai vừa mọc
Như một ngọn đèn xanh. 

Đều và êm
Mái chèo khuấy nước
Ngôi sao lóng lánh dù ở rất xa
Còn người lái đò chưa ai nhìn rõ mặt. 

Chỉ thấy tay anh vung mạnh bơi chèo
Con đò xuyên ngang bóng tối
Góc trời - Sao Mai chói lói… 

Đó là hai người bạn thân
Cần cù, ít nói
Mà chúng tôi gặp bao lần
Qua những dòng sông kháng chiến. 

Mỗi người mang một ánh sáng riêng:
Sao Mai là ngọn đèn xanh
Và người lái đò chưa ai nhìn rõ mặt.
 

Đọc thơ ta những năm chống Mỹ (ngay cả ở những tác phẩm tương đối tiêu biểu của các tác giả trẻ như Lê Anh Xuân, Bùi Minh Quốc, Thu Bồn, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Thanh Thảo…), ta nhận thấy có một đặc điểm nổi bật, là chúng rất giàu sức khái quát. Tất nhiên, trong thơ, muốn khái quát được, nhất là khái quát thành những vấn đề lớn mang tính thời cuộc, thật không phải là một việc đơn giản. Nhiều bài thơ chỉ vì "ăn non" hiện thực, lạm dụng sức nhân tạo, mà thành khái quát gượng, khiến trong tiếp nhận của người đọc, chúng cứ vỡ tan như bong bóng xà phòng. Bài thơ nói tới sau đây của Thanh Thảo là bài thơ tuy triết lý, song triết lý phần nhiều không phải bằng lời mà triết lý thông qua hình tượng. Hình tượng ấy lại nằm trong môi trường sự sống, gắn với những việc đời… Đọc bài thơ, ta có thể xúc cảm với những con người cụ thể (ở đây là người lái đò và việc làm âm thầm lặng lẽ của mình); đồng thời cũng xúc cảm hơn khi thấy ra cái cặp hình tượng được nhấn đi nhấn lại đến thành ấn tượng ở bài thơ, là "ngôi sao" và "người lái đò", thực chất mang ý nghĩa tượng trưng cho một bên: "Ánh sáng chỉ đường" và một bên: "Người đưa đường", hai nhân tố góp phần thúc đẩy tiến trình giành lại hòa bình, giải phóng dân tộc.

Cái hay trong sự liên tưởng của Thanh Thảo khi anh ví Sao Mai mọc "như ngọn đèn xanh" là ở chỗ, ngọn đèn xanh xuất hiện là dấu hiệu của sự an toàn, tín hiệu bình yên. "Ngôi sao ấy lặn, hóa bình minh" (thơ Tố Hữu); "Ngôi sao đến được với bình minh" (thơ Phạm Quốc Ca). Nhân nói về ngọn đèn, tôi chợt nhớ tới một ý thơ của Tagor (thi hào Ấn Độ): "Hãy cám ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó, nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm".

Ta xin cảm ơn ngọn đèn ngay từ trong tranh tối tranh sáng, đã soi rọi cho ta con đường giành lại hòa bình, nhưng cũng xin ngàn lần cảm ơn những con người "chưa ai nhìn rõ mặt" ấy, những con người đã âm thầm đem sức vóc và tính mệnh của mình mà nuôi dưỡng, gìn giữ cho ngọn đèn ấy soi sáng trên khắp mọi miền của Tổ quốc, trong suốt những tháng năm gian lao kháng chiến

Mạnh Hiền (chọn và bình)
.
.