Ngắn mà không ngắn

Thứ Hai, 17/12/2012, 08:00
Nhân đọc "101 truyện 100 chữ" của Nguyễn Thị Hậu, NXB Hội nhà văn, 2012

Có những tác phẩm mà bất cứ bài phê bình nào cũng cần nhiều… chữ hơn bản thân tác phẩm được đề cập. Đó là khi ta nói về thể loại truyện cực ngắn, những tác phẩm hoàn chỉnh mang dung lượng nhiều khi không đến 100 chữ.  Loại truyện này xuất hiện từ lâu với nhiều tên tuổi lừng danh trên thế giới như Luis Borges (Argentina), Yasunari Kawabata (Nhật Bản), Ernest Hemingway (Mỹ), Lỗ Tấn (Trung Quốc)... mang lại nhiều thú vị cho bạn đọc.

Trong nhiều năm gần đây, tác giả Nguyễn Thị Hậu đã khá miệt mài chọn thể loại truyện cực ngắn làm phương tiện tiếp cận văn chương. Trong vai trò một tiến sĩ khảo cổ học, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhưng "duyên nghiệp" với văn chương của Nguyễn Thị Hậu cũng đã khá đầy đặn. Chị đã xuất bản: "Đi và tìm trong đất" (ký và tản văn, 2008); "Quay qua và quay lại" (tản văn, 2010); "Buổi trưa trong quán cà phê" (tản văn, 2012). Gần đây, chị lại đem đến cho công chúng văn nghệ một ngỡ ngàng thú vị khi cho ra mắt cuốn "101 truyện 100 chữ" - tập truyện cực ngắn do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Tác giả Nguyễn Thị Hậu cho biết, chị viết ngắn vì… không thể viết dài: "Công việc của nhà khảo cổ học tạo cho tôi thói quen viết ngắn và chính xác".

Và Nguyễn Thị Hậu, trả lời phỏng vấn Vũ Trà My trên Yahoo Văn hóa Việt ngày 24/1/2011, cho biết quan niệm về truyện cực ngắn của mình: "Theo tôi, truyện thật ngắn như khoảnh khắc trong cuộc sống, có khi là ánh chớp lóe lên trước cơn giông, có khi là cơn mưa bất chợt giữa ngày hè oi bức, có khi là cú vấp trên đường… Người viết luôn quan sát nắm bắt được những phút giây bất chợt ấy một cách tỉnh táo, nhưng lại cảm nhận bằng trực giác, từ trái tim, sự "đe dọa" ẩn trong ánh chớp, sự nhẹ nhõm sau cơn mưa, cả cảm giác choáng vì đau của cú vấp ngã… Sự chính xác thì thường ngắn gọn. Trong truyện thật ngắn các chi tiết làm nên "thắt nút" còn cảm xúc là "mở nút".

Nếu chọn tiêu chí cho truyện cực ngắn là "đọc nhanh, thấm lâu" thì trong tập này, những truyện như "Nghề nghiệp", "Vua và Hoàng hậu", "Khoảnh khắc và mãi mãi", "Thi sĩ", "Lô cốt"… làm cho người đọc lúc khép lại quyển truyện luôn có được nụ cười ý vị trên môi. Đây là truyện "Thi sĩ":

"Vợ đi vắng, thi sĩ ở nhà trông con gái nhỏ. Nó bú bình xong rồi buồn ngủ, ọ ẹ, khóc ré lên. Thi sĩ vụng về dỗ nhưng nó không nín. Nó đã quen nghe tiếng mẹ ru nhè nhẹ…

Lúng túng, thi sĩ bèn đọc thơ. Chàng đọc mấy bài thơ mới sáng tác đêm qua. Cô nhỏ nín bặt rồi khóc lớn hơn. Thi sĩ lại đọc, giống như đang trình diễn trong Ngày Thơ.

Bỗng dưng cô nhỏ mở miệng gào lên: "Xin lỗi, chịu hổng nổi!!!".

Cái khó nhất là khi gom lại 101 truyện cực ngắn, truyện nào cũng phải khác nhau và có độ nén cực mạnh làm mọi người bất ngờ. Dường như tác giả Nguyễn Thị Hậu đã làm được điều đó với "101 truyện 100 chữ". Tuy nhiên, đâu đó trong tập truyện vẫn còn nhiều đoạn trùng ý, lặp tứ khiến người đọc thấy tiếc, hụt hẫng.

Thêm một điểm nữa, tác phẩm của Nguyễn Thị Hậu không có sự thuần nhất, đặc trưng vùng miền trong hệ thống ngôn ngữ - yếu tố từng tạo nên thế mạnh ở nhiều tác giả khác. Quê An Giang, sinh tại Hà Nội, hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, ngôn ngữ biểu đạt, sáng tạo trong tác phẩm của chị là sự giao thoa của tiếng Việt cả ba miền. Nhưng với truyện cực ngắn, chính sự không thuần nhất này lại giúp tác phẩm phá vỡ được rào cản dị biệt của đặc trưng văn hóa vùng miền, đưa những câu chuyện ở dạng ý tưởng (idea) đến được với nhiều tầng lớp công chúng.

Theo nhận xét của một nhà phê bình văn học: "chính người đọc mới là kẻ hoàn tất tác phẩm. Cũng giống như Thơ, ở truyện cực ngắn, tác giả chỉ phát ra một số gợi ý để người đọc, chính người đọc mới là kẻ hoàn tất tác phẩm".

Cũng có thể nói như vậy khi đề cập đến cuốn sách mới của tác giả Nguyễn Thị Hậu

Trần Hữu Dũng
.
.