Nếu không còn mùa Thu

Thứ Hai, 17/10/2016, 09:45
Nay đã là đầu tháng chín ta, cứ như mọi năm thì Thu đã về trong hương cốm mới với chút gió heo may lành lạnh đủ để cho thiếu nữ choàng thêm cho mình một cái khăn mỏng để mà làm dáng làm duyên cùng nàng Thu yêu kiều và kín đáo. 


Vậy mà năm nay, đợi chờ mãi mà sao Thu chưa đến, những hàng cây trút lá theo mùa giờ này lá vẫn còn ngằn ngặt xanh, cây hoa sữa đầu phố như đang quá ngột ngạt vì thời tiết nên chưa bung nở được những chùm hoa như những chùm pháo sáng mang hương ướp đầy trời Thu mộng.

Bên những ngôi nhà cổ kính, hàng sấu thâm trầm trái vẫn còn non và xanh lắm và hình như cốm nữa, hương cốm mới cũng chả còn đằm lại trong cái gió heo may. Và rồi gió nữa, gió qua sông chưa mang màu hun hút nhớ, chưa mênh mênh mang mang bảng lảng như khói như sương trên những quãng sông mỗi khi chiều rụng, gió chưa là gió để vắng người sang những chuyến đò ngang.

Trên những tuyến phố dài hun hút, người người vẫn đang hơ hải, vội vàng chạy trời cho khỏi nắng. Đâu hết rồi cái nền nã, yêu kiều của mùa Thu với những chiếc xích lô mui trần, trên đó là những người bạn đến từ bốn phương thong thả, thanh thản ngắm trời Thu qua kẽ lá của những hàng cây. Đâu rồi những đôi tình nhân yêu nhau qua từng cái nắm tay ríu ran quanh hồ xanh soi bóng trời Thu?

Đã đầu tháng chín ta thế mà mùa Hạ tham lam vẫn đang bành trướng và o ép thời gian của nàng Thu mỏng mảnh. Trời đất có bốn mùa và con người phân chia thời gian từng mùa theo cơ học, đủ để một mùa có ba tháng trong một năm. Nghe Thu xưa vọng lại trong câu hát lời ru của bà, chuyện ngày xửa ngày xưa, xưa như cổ tích, khi mà con người đang sống hòa đồng, bình đẳng với thiên nhiên, cây cỏ và muông thú.

Con người biết ơn Mẹ đất, Mẹ nước, Mẹ thượng ngàn và Cha Biển Đông… con người biết vun trồng và chăm bón, con người biết sợ vì biết rằng luật đời có vay có trả, "ăn của rừng rưng rưng nước mắt" nên con người chưa truy sát và tận diệt thiên nhiên như bây giờ thì bốn mùa cũng hòa thuận sàng sẻ thời gian với nhau, cứ Xuân qua Hạ đến, Thu vãn Đông về.

Người xưa lấy nhịp điều hòa của các tiết trong năm để mà tính ngày tính tháng, người xưa có bốn mùa để mà biết ơn và để yêu nhau. Ai cũng chọn cho mình một mùa trong năm để mà thương mà nhớ, nhưng được lựa chọn nhiều nhất chắc vẫn là mùa Thu và mùa Xuân. Ai thích kín đáo, nền nã thiếu phụ một chút thì thường chọn mùa Thu, còn ai đang phơi phới sức Xuân, nồng nàn trong hơi thở, bung nở trong từng đường gân thớ thịt thì thường chọn lấy mùa Xuân để thể hiện và trải lòng.

Mùa Thu vàng như người đàn bà tiết hạnh mới một con, Gái một con không còn quá trẻ để ngỡ ngàng trong ánh mắt, ngập ngừng ở bờ môi. Gái một con và gái đã có gia đình, đã có một tình yêu viên mãn mà kết quả của tình yêu đó là đứa con bụ bẫm đầu lòng.

Gái mới một con nên chưa thể già để mà đành hanh và cáu cẳn như mùa Đông. Gái một con có cặp có đôi nên không phải người đứng bóng ế chồng để gay gắt như mùa Hạ. Thu quyến rũ và kín đáo của gái một con, của con nhà khuê các và gia giáo. Thu hiền dịu, nhường nhịn và bao dung.

Có phải vì quá hiền dịu, nhường nhịn và bao dung nên ngày nay Thu càng ngày càng bị thu hẹp về thời gian. Nếu đúng thời gian của Thu hình như chỉ còn có mỗi một tháng mười ta mà thôi. Sen tàn nhưng Hạ vẫn chưa chịu tắt nắng, bàn giao, Hạ cứ chùng chình câu giờ qua cả tháng chín ta.

Hạ có sự đanh đá và gay gắt của bà cô ế chồng lấn át cả nàng dâu Thu cô thế và kiệm lời. Đến khi Thu chưa kịp thay áo mới thì mùa Đông se sắt lại đon đả, hối hả nhận bàn giao. Bên Đông ép một tí, bên Đoài ép một tí, nàng Thu chỉ còn lại nhõn mỗi một tháng mười để mà yêu, ghét, buồn, vui.

Thu ngắn lại có phải vì Thu quá hiền dịu, nhường nhịn và bao dung hay do con người ngày nay không còn biết sợ, con người đã tàn phá hết rừng, moi cả xuống lòng đất mẹ để đào quặng và đầu độc biển trời. Đau đớn thay và buồn tủi thay, cả một dải biển miền Trung cá chết trắng tràn ngập bờ và chiều qua thả bộ lên Hồ Tây, trong mênh mang gió Tây Hồ không hề có một chút hương Thu mà là mùi xú uế của hàng tấn cá chết nổi nênh như những dấu trừ cho môi trường Thủ đô thân yêu của chúng ta và rồi hạn hán ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, còn mùa nước nổi ở Tây Nam bộ thì đã đi vào dĩ vãng. Không còn con nước nổi trôi theo dòng Cửu Long giang về tưới tắm và bồi đắp phù sa cho đồng bằng châu thổ. Cá linh cũng không còn theo được con nước mà về để mặc bông điên điển vẫn nở vàng rực đợi chờ ở bờ ao.

Thu thoắt đến rồi Thu sẽ thoắt đi, với tốc độ tàn phá môi trường sống của chúng ta như hiện nay, chỉ sợ đến một ngày nào đó sẽ không còn mùa Thu, còn mùa Xuân cũng chỉ còn lại trong ký ức của những người già. Nếu không còn mùa Thu thì thật là buồn lắm thay.

Nguyễn Thế Hùng
.
.