Mỹ học Mác-Lênin và những vấn đề cập nhật

Thứ Năm, 11/05/2006, 08:00

Cống hiến quan trọng nhất của mỹ học Mácxít là sự gắn bó khăng khít của quá trình tiến bộ nghệ thuật với thực tiễn xã hội, với hoạt động của con người. Chủ nghĩa Mác, mỹ học Mácxít đã được vận dụng sáng tạo trong đời sống xã hội và đời sống văn nghệ ở nhiều nước.

Không phải vô cớ mà J.P.Sartre đã đánh giá cao chủ nghĩa Mác với câu nói nổi tiếng: “Chủ nghĩa Mác là khuynh hướng triết học, mà không có một triết thuyết nào có thể vượt qua được”. Jacgues Perrida chưa bao giờ là người Mácxít, nhưng ngày nay có kẻ vội vàng đại ngôn về sự cáo chung của chủ nghĩa Mác, ông viết cuốn “Quang phổ của Mác”, khuyến cáo rằng, cần phải quay lại với Mác. Bởi chính Mác và chủ nghĩa Mác đã xây dựng nên lịch sử thế kỷ XX... “Tôi không nói rằng, chúng ta chỉ là những người kế thừa Mác, nhưng chắc chắn rằng không ai có thể xóa được Mác khỏi cái gia sản văn hóa thế giới này” (lời giới thiệu của Didier Eribon trong bài viết “Mác - nhà tư tưởng của thế kỷ XXI”).

Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác được phát triển trong điều kiện Chiến tranh lạnh. Phần lớn những nhà tư tưởng ở cả hai phía còn có khoảng cách doãng rộng về thế giới quan, không hoàn toàn hiểu nhau và không hiểu hết đời sống xã hội của phía này hay phía kia, nên có những nhận định, diễn giải khác nhau về mỹ học Mácxít là đương nhiên. Lại nữa, trong nội bộ các nước XHCN trước đây, nhiều nhà lý luận thường lấy ý thức hệ làm chuẩn mực để thẩm định, đánh giá mọi hiện tượng nghệ thuật. Bây giờ là lúc những nhà lý luận cần có nhiều cách trả lại sự công bằng cho mỹ học Mácxít.

Ở nước ta, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối văn nghệ được tổng kết và truyền bá qua nhiều kỳ đại hội là một bộ phận của mỹ học Mác - Lênin được sáng tạo trong điều kiện Việt Nam. Văn kiện của hội nghị BCH TW lần thứ V (khóa VIII) được coi là văn bản triết học soi đường cho tiến trình văn nghệ những thập kỷ đầu thế kỷ XXI chính là nội dung mỹ học gồm 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản, vừa đảm bảo nguyên tắc vừa cởi mở trong điều kiện mới. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, sự khủng hoảng về lý luận văn nghệ là một sự thật, nhất là khi ở một bộ phận các nhà lý luận còn tư duy thiển cận, siêu hình, thiếu tính sáng tạo: Dùng ý thức hệ để đo đếm, quy chiếu những đặc trưng nghệ thuật, hiện tượng nghệ thuật; ít quan tâm, thậm chí buông lỏng việc khảo sát những yếu tố bản thể văn chương, nghệ thuật; chưa thật sự tôn trọng những phát hiện mới, những tài năng trẻ...

Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong phạm vi lý luận văn nghệ, tôi xin nêu hai kiến nghị. Một là, đưa việc nghiên cứu con người Việt Nam vào trung tâm dư luận xã hội với tư cách là hình mẫu bền vững của sáng tạo văn nghệ.

Người Việt Nam thông minh nhưng mới ở tính cá nhân, thiếu sự thông minh cộng đồng, người có trí tuệ lỗi lạc không nhiều. Người Việt Nam dù bất cứ ở đâu, thời điểm lịch sử nào đều yêu nước, ý thức tự cường dân tộc cao, nhưng những mặt phản diện đã ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách Việt Nam. Ý thức sâu sắc những mặt phản diện của con người Việt Nam chính là cơ hội để phát triển những tố chất tích cực, để hoàn thiện con người mới Việt Nam.

Mác - Ăngghen đã hơn một lần viết về mặt phản diện của dân tộc Đức. Lênin nói đến “thói Oblômốp là điển hình cuộc sống Nga tồn tại cho đến chế độ Xôviết”. Thói xấu này không chỉ ở nông dân mà còn ở trí thức, ở công nhân và cả ở những người cộng sản. Trong văn học Trung Quốc, Việt Nam đều có những mẫu người tiêu biểu cho tính cách phản diện như AQ trong truyện của Lỗ Tấn, Chí Phèo trong truyện của Nam Cao, Xuân tóc đỏ trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng...

Con người tồn tại trong nhiều quan hệ nhưng trước - sau con người là hiện tượng bí ẩn. Trước đây, chúng ta nghiên cứu con người trong thế biệt lập: Con người xã hội (giai cấp, thành phần xã hội, trình độ học vấn... ), còn con người sinh học (thể lực, chiều cao, trọng lượng, dục vọng, nhu cầu, sinh lý), con người tâm lý (vô thức, tiềm thức, siêu thức...), con người tâm linh (niềm tin, tôn giáo, tín ngưỡng...) chưa được khảo sát có sức thuyết phục.

Hai là, sức sống của một nền lý luận văn nghệ được thể hiện không chỉ ở những luận điểm tương đối bền vững mà nó nêu ra, mà còn tính đến những cuộc tranh luận để bảo vệ và phát triển nền văn nghệ đó. Kể từ khi Đảng nắm quyền lãnh đạo, nền văn nghệ ta trải qua ít nhất năm cuộc tranh luận. Đặc biệt, từ khi có đường lối đổi mới do Đảng đề xướng, nhiều sự kiện lịch sử, nhiều hiện tượng văn hóa, văn nghệ được thẩm định, đánh giá có phần công bằng, khách quan hơn, làm cho không khí học thuật cởi mở hơn, dân chủ và giao hòa hơn

Hồ Sĩ Vịnh
.
.