Một tác phẩm nghiên cứu "đầu voi đuôi chuột"

Thứ Năm, 15/01/2015, 08:00
Sách "Tìm hiểu về Giáo dục và Khoa cử thời xưa" của tác giả Trịnh Hoành vừa được Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành vào cuối năm 2014. Tổng cộng gần 400 trang in khổ lớn (16 x 24), bề ngoài thì đây quả là một công trình biên khảo khá dày dặn, nhưng bố cục cuốn sách lại không phù hợp với nội dung của tác phẩm.

Ở Phần Một, chương 1 - Tình hình văn học và văn cử thời phong kiến ở nước ta, trang 7 tác giả viết: "Năm 207 TCN, Nam Việt Vương Triệu Đà chiếm Âu Lạc mở đầu thời kỳ đô hộ nước ta của các tập đoàn phong kiến phương Bắc (Trung Quốc)". Thực tế năm 207 TCN, Thục Phán mới lên ngôi vua, thay thế vua Hùng, đặt lại tên nước là Âu Lạc; cũng vào thời gian này Triệu Đà bắt đầu xưng hùng ở vùng Nam Trung Quốc nhân cơ hội nhà Tần vừa sụp đổ, nên chưa thể thôn tính Âu Lạc. Ở trang 8 - 9, tác giả viết: "Nhà Triệu cũng như các triều đại đế quốc phong kiến khác khi đô hộ nước ta đã phải chọn một số người Việt (chủ yếu là tầng lớp hào trưởng ở địa phương) để giúp họ trong bộ máy cai trị. Để sai phái được những quan lại người Việt này, điều tất yếu là họ phải mở trường dạy tiếng Hán… Có thể nói bắt đầu từ thời thuộc Triệu ở nước ta mới có trường học và việc học đầu tiên của học trò người Việt là học văn tự Hán, viết được chữ Hán, giúp việc cho chính quyền đô hộ". Không rõ tác giả đã dựa vào nguồn sử liệu nào để nhận định như vậy. Sự thực Nho giáo được truyền bá vào nước ta thời kỳ Bắc thuộc thông qua các trường học dạy chữ Hán, gồm 3 thời kỳ: Tây Hán và Đông Hán (111 TCN - 39), Đông Hán - Tam Quốc - Tấn - Nam Bắc Triều (43-544), Tùy - Đường - Ngũ Đại (603-939).

Ở trang 21, tác giả nhận định: "Các vua Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành đều là những bậc võ quan, nhờ dẹp nội loạn mà lên nắm quyền bính trị quốc". Nhận định kiểu "vơ vào" thế này thật không ổn. Chỉ có Ngô Quyền và Lê Hoàn (Đại Hành) xuất thân võ quan, chứ Đinh Bộ Lĩnh chỉ là một người dân đứng lên dẹp nội loạn, định yên đất nước; và họ Đinh chính là nhờ dẹp nội loạn mà lên nắm quyền trị quốc (năm 968), còn hai vị kia thì: Ngô Quyền tiêu diệt quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938), chấm dứt hoàn toàn thời kỳ Bắc thuộc và lên ngôi vua; Lê Hoàn được triều thần tôn làm vua sau khi hai cha con vua Đinh (Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn) bị tên hoạn quan Đỗ Thích giết hại (cuối năm 979).

Bìa cuốn “Tìm hiểu về giáo dục và khoa cử thời xưa”.

Trong quá trình viết sách, tác giả cũng vấp quá nhiều sai sót về lỗi kiến thức phổ thông như: "Đến năm 1825 vua Minh Mạng lại định cứ 3 năm một kỳ vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu…", "Thi Hương trúng cả bốn kỳ gọi là cử nhân (từ năm 1832, trước đó vẫn gọi là Hương cống như nhà Lê)…", "Thi Hội được mở 3 kỳ đầu tiên vào năm 1832 đời vua Minh Mạng…" (tr.65) v.v… Dưới thời phong kiến, thi Hương, thi Hội không thể gọi "Kỳ" mà phải gọi là "Khoa" mới chính xác về thuật ngữ, vì mỗi khoa thi có đến 4 kỳ (4 đợt hoặc 4 trường); năm 1828 vua Minh Mạng định lại tên gọi các học vị: Hương Cống đổi tên là Cử nhân, Sinh đồ đổi tên là Tú tài chứ không phải là năm 1832; khoa thi Hội đầu tiên của triều Nguyễn được tổ chức vào năm 1822 chứ không phải vào năm 1832….

Ở Phần Hai, chương 1, tác giả viết về tiểu sử một số nhà khoa bảng tiểu biểu thời phong kiến từ thời Lý ở thế kỷ XI đến nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX, tư liệu cũ, chưa kể là tác giả còn đưa thêm các giai thoại vào trong quá trình viết. Sai sót thì khá nhiều: "Các cuộc kháng Pháp vẫn nổ ra khắp nơi (như khởi nghĩa Võ Duy Dương ở Đồng Tháp Mười, khởi nghĩa Đoàn Trưng và Đoàn Trực, khởi nghĩa Trương Huệ tại Tây Ninh)" (tr.268)… Thật ra Đoàn Trưng và Đoàn Trực vào năm 1866 tổ chức dân phu nổi dậy ở Huế để làm cuộc chính biến cung đình, đưa Hồng Bảo lên thay vua Tự Đức nhưng bị thất bại, chứ đâu có kháng chiến chống Pháp. Trang 269, với sự cảm nhận văn học một cách ngô nghê, tác giả cho rằng trong bài "Thơ điếu Phan Thanh Giản" của Nguyễn Đình Chiểu có nội dung mỉa mai, phê phán: "Bài Thơ điếu đã mỉa mai Phan Thanh Giản không làm tròn bổn phận của một quan đại thần trước phận sự của đất nước và cũng không còn sạch thân (khiết thân) khi ông đã nộp thành trì cho giặc, đồng thời chê trách ông không còn chữ tiết, chữ trung với triều đình, nên cái chết của ông không phải chết vì nghĩa (tựu nghĩa) mà là cái chết của "một kẻ phản thần đáng tội chết". Ở trang 277-285, tác giả viết về Nguyễn Khuyến với tiếp nối sự sai sót phổ thông: "Ông đã đỗ giải nguyên ở 3 kỳ thi (Hương, Hội, Đình)…", "Đỗ Hoàng Giáp, Nguyễn Khuyến được triều đình vua Nguyễn Tự Đức (1847-1883) bổ nhiệm chức "Hàn lâm trực học sĩ", là một chức quan lo việc biên soạn từ hàn, thảo văn thư sắc mệnh cho vua. Về sau ông được thăng chức Bố chính (lo việc thuế khóa) tại tỉnh Quảng Ngãi" (tr.278), "Đau xót trước cảnh nước mất nhà tan, trước nạn xâm lăng của thực dân Pháp nhưng bất lực trước thời cuộc nên cuối năm 1884 tuy chính quyền mới do thực dân Pháp điều khiển định cử Nguyễn Khuyến giữ chức Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên, ông đã mượn cớ đau mắt nặng cáo quan về ở ẩn" (tr.279). Chẳng lẽ tác  giả không biết chỉ đỗ đầu thi Hương mới gọi là Giải nguyên, còn đỗ đầu thi Hội gọi là Hội nguyên, đỗ đầu thi Đình gọi là Đình nguyên chứ không có "đỗ giải nguyên ở 3 kỳ thi", còn "Hàn lâm trực học sĩ" là phẩm hàm chứ không phải chức vụ? Năm 1883 Nguyễn Khuyến được quan đại thần Nguyễn Hữu Độ đề cử giữ chức Quyền Tổng đốc Sơn Tây vừa bị Pháp đánh chiếm nhưng ông từ chối và xin về hưu trong năm đó chứ không phải đến năm 1884.

Tác giả viết về Phan Bội Châu: "Năm 1897 ông vào dạy học tại xã An Hòa kinh đô Huế, đã tìm được các bạn tâm chí Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Thượng Hiền (Hoàng Giáp năm 1892)…Từ đây ông tìm vào Thăng Bình tỉnh Quảng Nam tìm gặp Nguyễn Hàm là lãnh tụ Cần Vương trước đây" (tr.306). Trên thực tế, năm 1897 sau khi bị cái án "mang sách vào trường thi, cấm suốt đời không được đi thi", Phan Bội Châu đã vào dạy học ở Huế. Nhờ sự giới thiệu của người bạn thân đồng hương là Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn mà Phan đã gặp gỡ, kết thân được với các nhà khoa bảng, trí thức danh tiếng tại kinh đô như Nguyễn Thượng Hiền, Khiếu Năng Tĩnh… Các vị này đã vận động vua Thành Thái hủy bỏ bản án, nhờ đó Phan đã trở về và thi đậu Thủ khoa cử nhân tại Nghệ An năm 1900. Phải đến năm 1903 - 1904 khi Phan lấy cớ vào học Quốc tử giám để chờ thi Hội, thì Phan mới vào Quảng Nam gặp gỡ Nguyễn Hàm để bàn việc cứu nước.

Ở trang 308, tác giả viết: "Năm 1868 Thiên hoàng Mục Nhân (hiệu Minh Trị, 1868-?) đã đưa ra cải cách duy tân nhằm đưa Nhật Bản trở thành "nước giàu quân mạnh" bằng hàng loạt biện pháp cách mạng Tư sản để phát triển Tư bản Chủ nghĩa". Sự thật Duy Tân Minh Trị là một cuộc cải cách ôn hòa do các chính khách, trí thức tiến bộ thực hiện dưới sự chủ trì của Thiên hoàng Minh Trị chứ không phải là "biện pháp cách mạng" như tác giả nhận định. Tiếp theo: "Giao Hà Dương Nhân và Đặng Tử Vũ theo đường Thái Lan về Nam Kỳ tìm cách ám sát thống đốc Nam Kỳ. Lại giao cho Bùi Chính Lộ cũng theo đường Thái Lan về Trung Kỳ ám sát Khâm sứ Pháp ở Huế", "Nguyễn Hải Thần đem lựu đạn ném vào một hiệu ăn Tây ở Hà Nội" v.v… Trong hồi ký "Tự Phán" của Phan Bội Châu và các sách lịch sử Việt Nam xuất bản từ trước đến nay đều ghi rõ là tổ chức Việt Nam Quang phục hội giao cho Đặng Tử Vũ và Hà Dương Nhân về miền Trung để ám sát viên Khâm sứ Trung Kỳ, còn Bùi Chính Lộ về miền Nam để ám sát viên Thống đốc Nam Kỳ. Việc ném tạc đạn vào khách sạn Gà Trống Vàng ở Hà Nội để giết mấy viên sĩ quan Pháp là do hai ông Nguyễn Khắc Cần và Nguyễn Văn Túy thực hiện chứ không phải Nguyễn Hải Thần…

Ở chương 2: Danh sách những người đỗ Tiến sĩ, tác giả liệt kê danh sách các vị đỗ đạt từ thời nhà Lý đến thời nhà Nguyễn. Thời Lý ở nước ta chưa có danh xưng học vị Tiến sĩ, mãi đến thời Trần mới có danh hiệu Thái Học Sinh (về sau đổi gọi là Tiến sĩ), vì vậy gọi những vị đỗ đạt thời Lý là Tiến sĩ thì thật là khiên cưỡng. Thứ hai: Việc sắp xếp danh sách các tiến sĩ quá vắn tắt và lộn xộn, trong khi các sách ghi chép về khoa bảng, tiêu biểu như "Quốc Triều Khoa Bảng Lục" của Cao Xuân Dục (1847 - 1923) đã sắp xếp thứ tự các khoa thi, danh sách người thi đỗ rất khoa học, rõ.

Tuy nội dung là tìm hiểu về giáo dục và khoa cử nhưng phần quan trọng này lại chiếm một dung lượng nhỏ bé. Ngược lại những phần giai thoại và tiểu sử nhân vật là phần phụ lại chiếm quá nhiều số trang. Nội dung và bố cục, trình bày ở trong tình trạng "đầu voi, đuôi chuột", thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của tác giả. Thật  đáng tiếc…

Phú Trường
.
.