Đọc tiểu thuyết "Con chim joong bay từ A đến Z" của Đỗ Tiến Thụy, NXB Trẻ, 2017

Một ngụ ngôn hiện đại

Thứ Bảy, 21/10/2017, 08:13
Cuốn tiểu thuyết mới của Đỗ Tiến Thụy không đi theo cách kể thông thường là tác giả kể, người khác kể mà là "vật kể", vật hóa cách kể. Đây là cách kể của ngụ ngôn mượn lời kể của loài vật để gửi gắm một bài học giáo dục luân lý. Có hai nhân vật trong truyện kể lại các sự kiện là con "chim joong" và "khẩu súng đại liên". 


Một nguyên lý trong điểm nhìn trần thuật là chỉ kể những gì đã biết trong trường tri giác, con chim sống nơi núi rừng trong trường nhìn của nó sẽ kể lại không gian văn hóa núi rừng nơi đó, khẩu đại liên sẽ kể lại nơi nó từng đi qua để bắn.

Điểm kể song trùng dẫn tới hai không gian song trùng hiện lên trong tác phẩm là không gian văn hóa núi rừng Tây Nguyên và không gian chiến trận. Như vậy "người kể" là nhân vật trong truyện, cái được kể (nội dung kể) không quá xa so với thời điểm kể nên tạo ra cảm giác sự vật dường như còn mới mẻ, tươi nguyên.

Cách kể này quy định tiểu thuyết có rất nhiều những mảnh ghép tuân theo thủ pháp điện ảnh có hai "máy quay" tức hai điểm nhìn trên cứ săm soi, lật xới vào từng chi tiết. Các cảnh lần lượt hiện lên theo hồi ức của "người kể", khi thì vừa chủ quan vừa khách quan với điểm nhìn trần thuật là "con joong", một con vật nhưng có tình cảm, biết phân biệt, nhất là biết tái hiện ngôn từ (bắt chước).

Chủ quan ở chỗ con chim kể lại những gì nó biết, khách quan ở chỗ không thiên lệch vì ai. Nhưng "khẩu súng" kể thì điểm nhìn vô cảm giác, hoàn toàn khách quan. Nếu ngôi kể con chim đi theo xu hướng thế sự-đời tư, thì ngôi kể khẩu súng lại đi theo lối hiện thực lạnh lùng, tái hiện trung thực những trận chiến mà nó tham gia. Các ngôi kể này đã quy định tính chất đa thể loại, đa giọng, đa không gian… Đây là lối kể hiện đại, phức tạp nếu không làm chủ được dễ dẫn đến sự "lệch pha" giữa điểm nhìn kể và nội dung kể.

Ngôi kể "con joong" cho thấy một nội dung chính là xung đột khó dung hòa giữa ba thế hệ trong một gia đình với nhân vật Cụ Tướng là vị tướng đi qua chiến tranh rồi về hưu; vợ chồng ông Thứ trưởng và con trai. Cụ Tướng, theo đúng tác phong người lính đánh giặc năm nào, cực kỳ kiên quyết, thẳng thắn và liêm khiết rất mực. Ông con rể cũng là lính chuyển ngành nên hai cha con hợp nhau nhưng bà vợ ông, con đẻ Cụ Tướng lại khác hẳn, mưu mô, cơ hội, tham nhũng… Cậu "quý tử thiếu gia" đi học ở Mỹ về nên có một lối sống khác hẳn, thực dụng, ích kỷ.

Tính chất phức tạp về những mối quan hệ của các nhân vật trong một gia đình càng tăng cường thêm chất ngổn ngang, dở dang của tiểu thuyết. Cái chết của Cụ Tướng khá đột ngột nhưng logic với nội dung, Cụ Tướng thì kiên quyết chống lại tham nhũng trong khi con gái mình lại tổ chức cả một "đường dây" tham nhũng.

Đây là nhân vật mang tính lý tưởng tuyệt đối, khi còn sống thì chiến đấu với kẻ thù xâm lược, khi về hưu thì đấu tranh chống tiêu cực, đến khi chết cũng lấy ngay chính cái chết của mình để vạch trần bộ mặt ghê tởm của những kẻ đạo đức giả mà kỳ thực thật bẩn thỉu, đê tiện vì tiền…

"Con joong" từng sống nơi núi rừng (Tây Nguyên) nên tất nhiên trong cái nhìn yêu thương, quý trọng của nó có một mảng màu thiên nhiên và văn hóa Tây Nguyên. Khi thì bay theo cánh chim, khi lại men theo hồi ức của "con joong", tác phẩm có những trang viết nên thơ về không gian trập trùng, bạt ngàn cây lá và tái hiện những sắc thái lạ của tập quán, phong tục các tộc người.

Ngụ ngôn truyền thống thường có một điểm nhìn trần thuật đơn giản, toàn tri biết trước và biết hết, tác phẩm này chỉ mượn lối kể ngụ ngôn rồi đưa vào nhiều điểm nhìn để có nhiều không gian, nhiều bối cảnh, nhiều tình huống bất ngờ và khó đoán… để tạo ra một thế giới riêng bất định, khó lẫn.

Văn xuôi Việt Nam đương đại thật sự giàu có về hiện thực nội dung kể, ở quá khứ mấy chục năm chiến tranh, mà trên đời này có gì dữ dội, khốc liệt, đau đớn sinh ra quá nhiều cảnh đời éo le, cảnh người ngang trái như chiến tranh đâu…

Và ở hiện thực hôm nay đang ngổn ngang trong hành trình tìm đến những chân trời hy vọng mới. Nhưng nhìn vào các tác phẩm đã in vẫn thấy có cái gì đó còn giống nhau hoặc na ná giống nhau về cấu trúc, có một nguyên nhân là cách kể giống nhau. Cách kể quy định giọng điệu nên ít thấy có giọng riêng. Trong bối cảnh ấy những tìm tòi về cách kể là rất nên tôn trọng, khuyến khích, mà tiểu thuyết này của Đỗ Tiến Thụy là một ví dụ.

Nguyễn Thanh Tú
.
.