Một mình tìm đến tận mình

Chủ Nhật, 09/10/2016, 08:08
Nhân đọc tập thơ “Một mình” của nhà thơ Hữu Ước.


Một là con số bắt đầu của dãy số tự nhiên. Là khởi phát. Là căn duyên.

Mình là chính danh bản ngã giữa hằng hà sa số phận người đã, đang và sẽ xuất hiện trên cõi đời này.

Giáp nối lại “Một mình” chính là lời tuyên cáo độc tôn, bản ngã quy chiếu, trải nghiệm để rồi lắng lại thành thơ: "Lòng người muôn thuở chỉ say nghĩa tình", ngân lên từ câu kết bài: Thơ viếng Cụ Tổ, mở đầu tập thơ “Một mình” của nhà văn, nhà thơ Hữu Ước.

Cuộc sống thời hiện đại với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, trái đất có lúc ngỡ thu trong lòng bàn tay, mối quan hệ giữa ông bà, cha con ngay trong một gia đình, đôi khi cũng bung nở khác lẽ thường tình, nữa là cách đối nhân xử thế giữa người với người ngoài xã hội, dẫn đến cách nhìn nhận giá trị vật chất, phi vật chất cũng thay đổi, chả thế mà tác giả Hữu Ước đã lấy câu nói của con gái làm đề dẫn: "Tài sản lớn nhất của bố là sự cô đơn…", như một đường hướng cho cả tập thơ, hơn cả cái gật đầu thừa nhận của đấng sinh thành.

Bìa tập thơ mới của Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước.

Chấp nhận để rồi tự mình tìm ra cách ứng xử giữa đám đông xu thời, ưa thụ hưởng, là khởi phát và cũng là căn duyên để tác giả Hữu Ước khẳng định cái tôi đầy bản lĩnh. Lấy bài thơ “Một mình” và cũng là tên cho toàn tập làm ví dụ. Sau những liệt kê tâm trạng đơn thương, độc mã: "Một mình/ Một mình/ Lại một mình…" giữa những "…

Câu chuyện làm quà/ Nụ cười nhạt/ Cái gật đầu vô nghĩa/ Người đến với người…" nhận ra: "Thời gian cũ kiếp người cũng cũ", như một thách thức với mọi sự nhàm chán thì Hữu Ước đã gặp thơ: "Một mình nốt nhạc buồn rơi/ Một mình ta với đơn côi một mình".

Đọc lên buồn đến não ruột, thương cho kiếp người quá mẫn cảm, luôn không bằng lòng với thói đời: "Mặt đất hẹp, miếng ăn chật chội". Dư âm của nỗi buồn này ta còn gặp ở nhiều bài thơ khác trong tập, song gần hơn về hình tượng thơ có sức lay động lòng người là bài Nốt trầm: "Nhưng tất cả sẽ lắng lại/ Sau những nốt trầm/ Của tiếng lá rơi".

Như đã nói ở trên, tác giả Hữu Ước luôn lấy cái tình làm trọng, để bộc lộ cái nhìn và cách hành xử của mình - một tư thế công dân -  nói dân dã là có vai có vế trong xã hội, thảng lúc hào quang ấy làm nhòa vẻ hồn nhiên, khiến anh võ đoán: "Người nay uống rượu chai, rượu ly/ Bàn tay không quệt ngang mồm/ Nhưng vẫn khóc cười lơ ngơ/ Người đời không hiểu họ khôn thế nào?…" (Rượu); nhưng may mắn sao không làm mất đi sự chân thành khi anh đến với thơ, điều cốt tử để tìm được sự đồng cảm nơi bạn đọc, trong cái thời nhiều phương thức thụ hưởng giá trị tinh thần cạnh tranh quyết liệt.

Ấy là lúc anh da diết nhớ thương người vợ cùng mình qua bao nếm trải đắng cay sớm quá cố. Ngược dòng thi ca, chúng ta thấy ở bài thơ “Khóc vợ” của nhà thơ Nguyễn Khuyến là sự xót xa, pha chút tủi hờn: "Bà đi đâu vội mấy để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, quần buông lá tọa, gật gù tay đũa tay chén, lấy ai kể lể chuyện trăm năm", thì với tác giả Hữu Ước cũng đứt từng khúc ruột trong bài “Hai tết em không về”: "Từ ngày em không về ngôi nhà linh thiêng/ Anh tập dần phần đời đơn lẻ/ Giọt đau/ Giọt buồn/ Giọt đắng/ Giọt cay/ Nước mắt trộn cơm canh, anh vừa lùa vừa húp/ Nhưng vẫn phải nói cười/ Như giọt nước qua bao mùa giông bão/ Bây giờ anh mới hiểu/ Một ngày là cả trăm năm", nhưng có gì đấy trớ trêu, đắng đót vì: Nhưng vẫn phải nói cười.

Nhưng trên hết là một thái độ sống trân trọng, chiu chắt những nét đẹp của cuộc đời thường nhật, cảm thương sẻ chia với bậc đàn anh, bè bạn, đau đáu với thế thái nhân tình thời hiện đại… được tác giả gửi gắm kín đáo qua các hình tượng, âm thanh, ngôn từ đầy ám ảnh; được biết tác giả Hữu Ước còn "tả xung hữu đột" trong nhiều lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, thế nên nhiều bài thơ trong tập đọc lên nhạc điệu cứ bật ra: Tiếng đêm, Ngày xuân nghe tiếng chuông chùa,  Tiếng mõ, Chim bìm bịp… đấy là Tiếng đêm/ Ông già mù tẩm quất/ Khàn giọng mời chào… để rồi cao tay chưng cất thành thơ: Vọng từ rất xa/ Tôi mong hoa quỳnh nở/ Cho tiếng đêm bớt buồn…, (Tiếng đêm); 

Người chắp bút viết đến đây mạo muội mà rằng, trong cõi phù du này, nào ai nghe tiếng hoa quỳnh nở, xin được mùa đồng vọng sẻ san; ấy là chưa kể tính kịch trong thơ Hữu Ước  có thắt nút mở nút, dù rằng lộ bàn tay sắp đặt, song vẫn đem đến cho người đọc khoái cảm thẩm mỹ riêng (Chuyện kể về người đàn ông). 

Từ “Một mình” đến chiêm nghiệm nhiều mình để trở về cái tôi đầy bản ngã, luôn biết lượng thứ lòng người, thấu cảm muôn mặt người đời, mà tác giả đã chọn hình tượng người đàn ông để bộc lộ chính kiến của mình, có phản trắc, có kiêu ngạo, yếu hèn… song chốt lại vẫn là: … "Người đàn ông mạnh mẽ/ Đi giữa cuộc đời như đang đi trên giáo gươm" (chuyện kể về người đàn ông) để cuộc đời này mãi tồn tại, còn đáng tin và đáng sống vì có những bờ vai mạnh mẽ.

Viết đến đây, kẻ chắp bút này sực nhớ đến nhạc phẩm “Một mình” của cố nhạc sỹ Thanh Tùng, lời ca từ có câu: "Bao đêm tôi đã một mình nhớ em/ Đêm nay tôi lại một mình nhớ em", đấy là lời thủ thỉ ân tình với người vợ quá cố về nỗi cô đơn, nhưng với tác giả Hữu Ước trong thi phẩm “Một Mình” là tâm trạng: Đi đâu, về đâu/ Thế giới rộng dài/ Vũ trụ bao la/ Ai đến với ta/ Và ai tìm ta... nghi hoặc đấy nghĩa là còn hy vọng.

Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng không thể so sánh, phương châm trong sáng tạo nghệ thuật là: đi đến tận cùng cái bi sẽ là hài, đi đến tận cùng cái tôi sẽ là ta. Một mình tìm đến tận mình của Hữu Ước là như thế!

Hà Nội, ngày 25-9-2016

Đoàn Thị Lam Luyến
.
.