Một cuốn sách tôn vinh nghề Việt

Thứ Bảy, 27/05/2017, 08:03
Đọc "Hoa tay đất Việt - Tinh hoa nghề thủ công truyền thống" của Vũ Từ Trang, NXB Kim Đồng, 2017.


"Hoa tay đất Việt - Tinh hoa nghề thủ công truyền thống" là tập sách nghiên cứu, sưu tầm nhằm tôn vinh các ngành nghề truyền thống ở Việt Nam. Chỉ hơn 40 nghề được chọn lọc để giới thiệu trong sách nhưng đã giúp người đọc hiểu biết khá rõ về các nghề truyền thống, một phần hồn cốt dân tộc. Nhiều nghề nay vẫn còn đang thịnh hành, nhưng cũng không ít nghề nay chỉ còn trong kí ức.

Nội dung, tính chất các nghề được chia thành nhiều phần, như các sản phẩm gia dụng và xây dựng, các loại đồ ăn thức uống, hay các nghề về sản xuất thủ công mĩ nghệ… Có những nghề về ẩm thực đã quá quen thuộc, cho đến nay vẫn gần gũi với người dân như như nghề làm cốm, nghề làm giò chả, nghề làm bún, bánh giày, nghề làm bánh gai, làm tương, làm muối, kẹo dừa, mứt Tết.

Có những nghề thủ công mĩ nghệ tuy phát triển có chậm lại như làm tò he, làm tranh giấy điệp… nhưng cũng có những nghề mà nay không còn nhiều người biết đến như nghề làm cúc bạc, vòng bạc ở miền núi, nghề vẽ tranh trên kính, nghề làm vôi từ vỏ sò, vỏ hến, nghề làm đồ chơi bằng sắt tây, nghề làm gạch đá ong, nghề đúc đồng, nghề làm hoa giấy, đèn ông sao, nghề tiện gỗ, nghề làm vàng quỳ, bạc quỳ, nghề sơn son thếp vàng, nghề đóng cối xay lúa.

Bìa cuốn "Hoa tay đất Việt - Tinh hoa nghề thủ công truyền thống" của nhà thơ Vũ Từ Trang.

Rồi còn các nghề xưa nay người Việt rất quen thuộc, là vật dụng sinh hoạt gia đình như gốm, đồ tre gia dụng, làm giầy dép, làm guốc… Lại cả các nghề đòi hỏi nhiều công sức như nghề chạm khắc đá, nghề đúc đồng, nghề làm ngói âm dương…

Tuy chưa thật đầy đủ nhưng qua cuốn sách, tác giả đã cho thấy, ông cha ta từ bao đời nay đã có một bề dày lịch sử tạo dựng nên hầu hết những nghề đầy tinh tế và tài hoa trên các nguyên vật liệu chỉ có trên đất nước. Và có cả những nghề, công cụ không phải là yếu tố quyết định mà muốn làm ra những sản phẩm giá trị, rất cần sự khéo léo, hay mắt và óc sáng tạo. Như nghề làm đồ tre gia dụng chẳng hạn mà suốt nhiều đời người Việt ở nông thôn ta luôn gắn bó, như tấm giại tre, chiếc giường tre, chõng tre, bàn ghế tre, cái chạn bát tre… một thời từng rất thịnh hành.

Vậy mà, như trong một bài viết, nói về sự thay đổi trong cuộc sống, tác giả đã ngậm ngùi tâm sự: "Cuộc sống đổi thay, khi xóm làng dần vắng bóng các nếp nhà tranh, nghề làm đồ tre dần bị lép vế. Giường mô-đéc, tủ búp phê, xa lông đệm mút dần thay thế. Cuộc sống cuộn chảy, người nông dân không còn phút thảnh thơi ngả lưng chõng tre ngắm trăng nữa. Ở các phiên chợ huyện khu bày bán đồ tre bị co hẹp lại. Các tốp thợ đóng đồ tre dần giải nghề hoặc chuyển nghề khác. Chẳng biết đấy là dấu hiệu buồn hay vui".     

Như trên đã nói, đây là cuốn sách giới thiệu những tinh hoa nghề truyền thống Việt đã được tác giả giới thiệu một cách khá tỉ mỉ, giúp những người hôm nay, nhất là giới trẻ hiểu được một cách kĩ càng với từng nghề, mà tra cứu trên Google hay tìm trong từ điển cũng không có được những thông tin đầy đủ như vậy.

Tác giả Vũ Từ Trang vốn sinh trưởng từ một làng nghề, lại đã từng rất nhiều năm làm phóng viên của Báo Tiểu thủ công nghiệp Việt Nam, may mắn có được những chuyến đi dài đến hầu hết những nơi vốn được coi là những cái nôi nghề cổ nên có dịp tìm hiểu kĩ về các ngành nghề truyền thống Việt. 

Với niềm say mê và lòng trân trọng những giá trị truyền thống nên mỗi khi về các làng nghề, anh thường rất cẩn trọng hỏi han, ghi chép, sau đó còn tra cứu, tham khảo thêm qua sách báo và kì công tìm hiểu, so sánh, tìm ra những nét độc đáo trong từng sản phẩm Việt nên những bài viết không chỉ tỉ mỉ, kĩ càng, chi tiết mà còn rất cập nhật thông tin khi anh so sánh nếp sống xã hội xưa với cuộc sống hôm nay, tâm lí của người tiêu dùng mỗi thời cùng những sản phẩm công nghiệp mà thời đại văn minh đã đem lại.

Một điều cũng cần nói, Vũ Từ Trang vốn là một nhà thơ nên các bài viết luôn được thể hiện bằng một văn phong nhẹ nhàng, tinh tế như được anh thổi hồn mình vào từng câu chữ, truyền cho bạn đọc, nhất là những người trong nghề, những cảm hứng thêm hiểu biết để rồi ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống dân tộc. Nhiều đoạn cảm giác như một bài thơ, như một bút kí văn học…

Cuốn sách cần thiết không chỉ cho các em nhỏ mà còn cả với người lớn tuổi, dù ở nông thôn hay thành thị.

Huy Thắng
.
.