Một cuốn sách không xứng tầm nhân vật

Thứ Bảy, 17/10/2015, 08:00
Sách "Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX" do PGS.TS Ngô Văn Minh biên soạn, được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành. Cuốn sách viết về sự nghiệp cách mạng của chí sĩ Lê Cơ, một nhà nho yêu nước ở Quảng Nam đã tham gia phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng vào đầu thế kỷ XX.
Viết về một nhân vật có tầm vóc, đóng vai trò quan trọng trong trào lưu "vận động đổi mới" ở nước ta vào những năm đầu thế kỷ trước, nhưng rất tiếc do tác giả thiếu "tầm" nên cuốn sách chưa đạt đến độ tương xứng với nhân vật lịch sử được phản ánh.

Thứ nhất, điều dễ nhận thấy khi đọc tác phẩm là tác giả thích "khoe" kiến thức; chỉ hơn 200 trang sách nhưng tác giả nói dông dài về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới gần cả 100 trang (từ trang 35 đến 133). Nhưng những kiến thức lịch sử này quá cũ, không đầy đủ. Trong khi đó, nhân vật lịch sử Lê Cơ với biết bao điều cần phải khai thác, phục dựng thì tác giả viết rất mờ nhạt. Bởi vậy, cuốn sách không hẳn là tác phẩm nghiên cứu về nhân vật lịch sử Lê Cơ hoặc về lịch sử Việt Nam thời kỳ cận đại - một cách viết nửa nạc nửa mỡ, dông dài.

Bìa cuốn sách “Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX”.

Thứ hai, chỉ hơn 200 trang in mà tác giả mắc khá nhiều lỗi về kiến thức lịch sử ở mức sơ đẳng của bậc phổ thông. Ở trang 25, tác giả viết về một vụ kiện cáo trong thi cử để qua đó đề cao tính cách hay "cãi" của dân xứ Quảng: "Học trò Quảng Nam trong khoa thi Hương năm Giáp Ngọ (1894) kiện việc chấm thi bất công, cùng nhau kéo đến tỉnh yêu cầu quan tỉnh xóa bỏ kết quả kỳ thi sát hạch, họ còn làm thơ dán trên cây mù u đầu đường chế giễu, buộc quan tỉnh phải điều đình duyệt lại quyển thi, lấy đỗ thêm được mấy người học giỏi bị đánh trượt và buộc phải đánh hỏng mấy trường hợp làm bài thi yếu".

Không hiểu lịch sử khoa cử thời phong kiến, tác giả đã "lộn đầu ra đuôi". Nếu năm nay triều đình tổ chức khoa thi Hương thì năm trước đó ở các tỉnh, viên học quan phụ trách giáo dục (Đốc học) đã cùng học quan phủ, huyện (Giáo thụ, Huấn đạo) cho tổ chức kỳ thi khảo hạch nhằm mục đích kiểm tra chất lượng, để chọn những khoá sinh đủ tiêu chuẩn cho đi thi Hương năm sau. Nếu học trò Quảng Nam không bằng lòng kết quả kỳ khảo hạch tại tỉnh nhà thì ngay trong năm 1893 là năm có kỳ khảo hạch đã phải kiện quan trường bất công, chứ làm gì để đến năm 1894 ra kinh đô Huế thi Hương rồi trở về Quảng Nam kiện tụng. Hơn nữa người được đi thi Hương thì tất nhiên đã đỗ kỳ khảo hạch tại tỉnh nhà năm trước rồi, còn kiện tụng gì nữa (?)

Có lẽ tác giả là người Quảng Nam nên khi viết về cuộc chống Pháp tại Đà Nẵng năm 1858 đã phóng bút thật "hào phóng" để đề cao tinh thần yêu quê hương của "người quê ta": "Những quan lại Quảng Nam đang công cán tại các miền đất nước cũng dâng sớ xin được về quê mộ quân đánh giặc" (tr.29). Không biết nhận định này tác giả dựa vào nguồn tư liệu nào mà không thấy chú dẫn, những người "về quê mộ quân đánh giặc" là ai cũng không thấy liệt kê danh sách. Kiểu "nói vo" mà không có tư liệu như thế chiếm khá nhiều trong cuốn sách này.

Thích khoe kiến thức, nhưng khổ nỗi tác giả lại mắc những kiến thức sơ đẳng, thể hiện qua trang viết: "Ở Xiêm (Thái Lan), sau khi buộc phải ký những điều ước bất bình đẳng rồi trở thành nửa thuộc địa của Anh và Pháp…".

Có lẽ PGS.TS Ngô Văn Minh là người duy nhất cho rằng Thái Lan là nửa thuộc địa của Anh và Pháp. Tất nhiên là viết "khơi khơi" chứ không có một tài liệu nào để chứng minh cả. Không cần tham khảo những sách nghiên cứu học thuật cao xa, tác giả chỉ cần xem lại sách giáo khoa dành cho học sinh phổ thông: "Ra - ma V đặc biệt quan tâm đến hoạt động ngoại giao. Nhờ chính sách ngoại giao mềm dẻo, nước Xiêm vừa lợi dụng vị trí nước "đệm" giữa hai thế lực đế quốc Anh - Pháp, vừa cắt nhượng một số vùng đất phụ thuộc (vốn là lãnh thổ của Cam-pu-chia, Lào và Mã Lai) để giữ gìn chủ quyền của đất nước. Nhờ vậy, Xiêm không bị biến thành thuộc địa như các nước trong khu vực, mà vẫn giữ được độc lập, mặc dù chịu nhiều lệ thuộc về chính trị, kinh tế vào Anh và Pháp" (SGK Lịch sử lớp 11, NXB Giáo dục, 2014, tr.25). Có lẽ PGS.TS Ngô Văn Minh đã hiểu rằng "chịu nhiều lệ thuộc" có nghĩa là "nửa thuộc địa" chăng (?)

Tác giả tiếp tục phóng bút: "Lịch sử cho thấy, sự thiết lập của vương triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam diễn ra không phải bằng công lao của vị vua đầu tiên trong kháng chiến chống ngoại xâm như các triều Lý, Lê hay vương triều Tây Sơn…" (tr.37). Theo sử sách thì triều Lý ở thế kỷ XI với vị vua đầu tiên là Lý Công Uẩn (Thái Tổ) do triều thần nhà Tiền Lê tôn lên khi vua Lê Long Đĩnh qua đời (năm 1009) chứ không phải trải qua kháng chiến chống ngoại xâm.

Ở trang 42, tác giả đã đặt ra câu hỏi và tự giải đáp nghe thật ngô nghê: "Tại sao cũng cùng một kẻ thù nhưng tại mặt trận Đà Nẵng thì chiến thắng, còn tại các tỉnh trong Nam và ngoài Bắc thì quân đội triều đình lại liên tiếp thua quân Pháp? Câu trả lời không thể nào khác là, với chiến trận tại Đà Nẵng, Triều đình Huế biết kiên quyết tổ chức quân dân chiến đấu nên giành được thắng lợi. Nhưng về sau vì không còn trông cậy, tin tưởng vào sức chiến đấu của toàn dân, không kiên quyết tổ chức chiến đấu đến cùng … và cuối cùng mất hẳn chủ quyền dân tộc vào tay quân xâm lược".

Tượng chí sĩ Lê Cơ tại khu di tích Trường tân học Phú Lâm, Quảng Nam.

Thực tế, ở Đà Nẵng, Pháp thực hiện chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" nhưng vấp phải kế hoạch phòng thủ "liên trì" của quân đội nhà Nguyễn do Nguyễn Tri Phương chỉ huy nên chúng bị sa lầy (kéo dài thời gian đánh nhau, lương thực cạn, quân lính bệnh tật do thời tiết…) vì vậy phải rút; còn ở Nam Kỳ chúng thực hiện kế hoạch đánh lâu dài kiểu "tằm ăn lá dâu" hoặc "vết dầu loang" thì chiến lược nghiêng về cố thủ của quân đội triều đình tất nhiên phải phá sản, vì "trường kỳ đánh nhau" thì quân đội nhà Nguyễn với vũ khí thô sơ, phương tiện thiếu thốn không thể nào địch nổi về lâu về dài với hoả lực, tiềm lực của quân viễn chinh Pháp…

Tác giả viết về phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX: "Lãnh đạo phong trào Cần Vương không phải là giai cấp phong kiến mà chủ yếu là do sĩ phu (nhà nho) và văn thân (những nhà khoa bảng) phát động và lãnh đạo…" (tr.43). Xin thưa, phát động phong trào Cần Vương là vua Hàm Nghi và nhóm quan lại cao cấp thuộc nhóm "chủ chiến" của triều đình như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, … Như vậy không phải là giai cấp phong kiến thì họ là gì? Còn những văn thân, sĩ phu chỉ lãnh đạo ở phạm vi các địa phương theo sự chỉ đạo chung của nhóm lãnh đạo cao nhất, lấy vua Hàm Nghi làm người đứng đầu trên danh nghĩa.

Có đoạn tác giả viết rất tuỳ tiện, bất chấp sự thật: "Tuy Phan Châu Trinh có ra làm một chức quan ở bộ Lễ nhưng chỉ trong một năm đã từ quan để đi vận động cứu nước theo chủ thuyết của mình, và Trần Quý Cáp có làm chức đốc học, còn lại phần lớn là những người hoặc thi đỗ vào hàng đại khoa (tiến sĩ, phó bảng) nhưng không ra làm quan…" (tr.54). Sự thật là Phan Châu Trinh ra nhận chức Thừa biện Bộ Lễ tại Huế được 2 năm thì từ quan (từ năm 1903 đến năm 1905).  Tác giả đã tự tiện xén bớt của ông một năm làm quan; còn Trần Quý Cáp chỉ mới là quan Giáo thụ (phụ trách ngành giáo dục một phủ) ở Thăng Bình (Quảng Nam) và sau đó đổi vào Diên Khánh (Khánh Hoà) rồi bị tử hình trong vụ kháng thuế của nhân dân Trung Kỳ năm 1908, chứ ông chưa bao giờ giữ chức Đốc học (phụ trách ngành giáo dục một tỉnh). Tác giả Ngô Văn Minh ở thế kỷ XXI đã tự tiện "thăng chức" cho Trần Quý Cáp ở đầu thế kỷ XX (!?). 

Thứ ba, tác giả không biết ngoại ngữ (Anh, Pháp…), đặc biệt nghiên cứu giai đoạn lịch sử Việt Nam thời kỳ cận đại rất cần tiếng Pháp, vì có rất nhiều tài liệu của chính quyền thực dân còn lưu trữ cho đến ngày nay. Những tài liệu này giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về nhân vật Lê Cơ và các nhân vật lịch sử cùng thời trong phong trào Duy Tân.

Ở đây, tác giả chỉ loanh quanh "nghiên cứu xào nấu" những cuốn sách lịch sử của các sử gia Việt Nam đã quá quen thuộc, cũ kỹ và chỉ có tham khảo thêm vài cuốn sách nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt như "Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa" của Yoshiharu Tsuboi hoặc một ít tài liệu của bà Lê Thị Kinh (tức bà Phan Thị Minh - cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh) sưu tầm từ văn khố nước Pháp (cũng đã được dịch sang tiếng Việt)... Vì vậy cách viết của tác giả chẳng có khám phá, phát hiện điều gì mới mẻ.

Trần Thị Vân Anh
.
.