Mấy ghi nhận từ thơ Đường

Thứ Bảy, 04/05/2019, 08:11
Thơ Đường là một thứ thơ rất cô đọng, thâm thúy và rất hay dùng điển cố. Đó là chưa kể những đắc điểm khác. Vì vậy mà đọc nó, muốn hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu sâu những gì nó đề cập, phải biết nhiều thứ. Nếu chỉ đọc thuần túy trên văn bản, nhiều khi không hiểu hoặc hiểu sai cả bài thơ...


1.Thơ cổ kim, Đông Tây có một đặc điểm chung: viết về tình mẹ con thì rất nhiều, viết về tình cha con thì rất ít (ta chưa bàn ở đây nguyên do của hiện tượng "trọng nữ khinh nam" này).

Tôi thấy trong thơ Đường có một bài vô cùng xúc động viết về cha con, được tương truyền là của nhà thơ Cố Huống (727-816) qua một giai thoại (Cố Huống đỗ tiến sĩ đời vua Đường Túc Tông, nhưng bất đắc chí về đường công danh, thường đả kích những kẻ quyền thế và chế độ phong kiến).

Chuyện kể rằng: Những năm tuổi đã cao, Cố Huống mới sinh được một mụn con trai, nhưng đứa bé bị bệnh chết. Ông đau xót trong một bài tứ tuyệt:

Lão nhân táng ai tử
Nhật mộ khấp thành huyết
Lão nhân niên thất thập
Bất tác đa thời biệt

(Người già đi chôn đứa con yêu quý.

Chiều tà, khóc ra máu.
Người già tuổi bẩy mươi,

Thời gian xa con không còn lâu nữa!).

Bản dịch thơ của Hồng Diệu:

Ông lão chôn đứa con yêu,
Máu hòa nước mắt một chiều đầy vơi.
Ông lão tuổi đã bảy mươi
Ngày gặp con ở cuối trời không xa!

Tôi đã tìm suốt, không thấy bài này ở nhiều tập "Đường thi" của Trung Quốc - kể cả hai bộ sách gần nhất, được làm rất công phu mà sinh viên Bàng Tạ Cẩn Nhất và các bạn của cô ở Vân Nam và Bắc Kinh đã rất nhiệt tình gửi sang Hà Nội tặng tôi; đó là "Đường thi tam bách thủ" (Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, Bắc Kinh, 2015) và "Toàn Đường thi", bốn tập (Thiên Tân cổ tịch xuất bản xã, 2014).

Nếu những câu thơ trên đây đúng là thơ Cố Huống, mà không bộ "Đường thi" nào chọn (dù đã chọn những bài thơ khác của nhà thơ này) thì đó là điều rất đáng tiếc. Còn nếu chúng là thơ của ai chăng nữa thì tác giả nào đó đời Đường cũng đã để lại một bài thơ tuyệt hay và quý hiếm.

2.Thơ Đường là một thứ thơ rất cô đọng, thâm thúy và rất hay dùng điển cố. Đó là chưa kể những đắc điểm khác. Vì vậy mà đọc nó, muốn hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu sâu những gì nó đề cập, phải biết nhiều thứ. Nếu chỉ đọc thuần túy trên văn bản, nhiều khi không hiểu hoặc hiểu sai cả bài thơ.

Tôi bỗng nhớ đến bài tứ tuyệt rất hay của nhà thơ nổi tiếng Đỗ Mục: "Ký Dương Châu Hàn Sước phán quan".

Phiên âm:

Thanh sơn ẩn ẩn thủy thiều thiều
Thu tận Giang Nam thảo mộc điêu
Nhị thập tứ kiều minh nguyệt dạ
Ngọc nhân hà xứ giáo xuy tiêu

(Câu đầu có bản chép: Thanh sơn ẩn ẩn thủy dao dao)

Tôi đã từng thấy bài thơ này được chép trên những chiếc bình gốm rất đẹp.

Dịch xuôi (chỉ căn cứ vào câu chữ có trong bài thơ):

Gửi ông Hàn Sước, phán quan Dương Châu
Núi xanh ẩn hiện, nước sông xa xa.
Cuối thu, cỏ cây Giang Nam xơ xác.
Trăng sáng trên cầu Hai mươi bốn
Người ngọc bây giờ dạy thổi sáo ở đâu?

Khá nhiều điều "mờ nhòe" trong bốn câu thơ mà ta cần biết. Trước hết là ông phán quan Hàn Sước. (Phán quan là một chức dưới quyền Tiết độ sứ). Đây là bạn thân của nhà thơ Đỗ Mục. Hai người có thời làm quan với nhau ở Dương Châu, huyện Giang Đô, tỉnh Giang Tô (vùng Giang Nam). Lại nữa, Dương Châu có một cây cầu tên là cầu Hồng Dược, ở ngoại thành, phía Tây.

Tương truyền ngày trước, có lần 24 cô gái thổi sáo ở đây trong một đêm trăng nên người đời đặt cho nó cái tên "cầu 24". Còn "Ngọc nhân" (người ngọc) ở câu cuối là ai? Rất dễ nghĩ đó là cô gái xinh đẹp. Nhưng theo tôi, trong bài thơ này "ngọc nhân" lại là ông phán quan Hàn Sước, với nghĩa "người ngọc" là người sang trọng, quyền quý, mà đặt vào văn cảnh bài thơ có thể gọi là "ông bạn vàng". Mặt khác, Đỗ Mục lại là nhà thơ phóng túng, đa tình nên cả bài thơ, theo ý riêng tôi sẽ được diễn giải như sau:

Núi mờ mờ, sông xa xa/ Cuối thu, đất Giang Nam cỏ cây xơ xác, điêu tàn/ Đêm đến, trắng sáng rực trên cầu 24/ Làm nhớ đến các cô gái thổi sáo ngày trước. "Ông bạn vàng" của tôi lúc này đang dạy thổi sáo ở đâu vậy (đang vui vẻ, chơi bời với người đẹp ở đâu vậy?).

Bản dịch thơ của Hồng Diệu:

Gửi ông bạn Hàn Sước, phán quan Dương Châu
Sông trắng xa, núi xanh xa.
Giang Nam thu muộn, cỏ hoa âu sầu.
Trăng soi Hồng Dược sáng cầu
Bác dạy thổi sáo ở đâu bây giờ?

Nhìn chung, chỉ đọc bản dịch thơ thì khó hiểu hết một bài thơ chữ Hán. Theo quan niệm của tôi, bản dịch thơ này cũng như bản dịch thơ của một bài thơ Đường hay một bài thơ chữ Hán nào khác, chỉ là một phần trong cả một "hệ thống" để tìm hiểu và thưởng thức những bài thơ ấy.

Phong cảnh trong thơ đường.

"Hệ thống" này, tôi cho có năm phần: nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch xuôi (còn gọi là dịch nghĩa), dịch thơ, và một phần từ điển. Muốn hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu sâu một bài thơ Đường hay một bài thơ chữ Hán nào khác, không thể thiếu phần nào trong năm phần ấy. (Riêng từ điển, nếu không có thì cũng cần dành chỗ để giải thích các điển cố, tên người, tên đất, các từ khó...).

Nhà thơ Khương Hữu Dụng (1907-2005) là một trong những chuyên gia dịch thơ Đường. Trong quyển "Khương Hữu Dụng tuyển tập - phần thơ dịch" dày gần 1.500 trang, Nhà xuất bản Văn học, 2007, ông có đến gần 500 bản dịch các bài thơ Đường, chưa tính những bài thơ Tống và thơ chữ Hán của các tác giả Việt Nam, cũng như thơ dịch từ tiếng Pháp. Vì dịch nhiều như vậy nên chắc là để sách đỡ dày, chỉ thấy sử dụng ba phần: nguyên văn chữ Hán, phiên âm và dịch thơ; trong khi dịch xuôi và từ điển (hoặc phần giải thích tên đất, tên người... như đã nói trên, cũng rất cần thiết) đã không có. Trong quyển sách này, bài thơ "Ký Dương Châu..." trên đây của nhà thơ Đỗ Mục đã được nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch như sau:

Non xanh dờn dợn nước xa xa
Thu khắp Giang Nam cỏ chửa già
Đêm sáng trăn cầu Hăm bốn nhịp
Tiếng tiêu người ngọc chốn nào đâu?

Khảo sát từ ngữ trong từng câu thơ của bản dịch này, so với nguyên văn và kết hợp tư liệu đã dẫn ở trên, có thể thấy, câu nào cũng chưa đạt. Già Khương có những bản dịch hay nhưng bản dịch này thì hỏng hoàn toàn, hỏng đến làm cho tôi ngạc nhiên! Đặc biệt, vì không tìm hiểu truyền thuyết về lai lịch cây cầu, nên câu thứ ba, dịch giả mới viết "cầu hăm bốn nhịp"! Không biết, ở thế kỷ XXI này, trên thế giới đã có nước nào xây cầu hăm bốn nhịp (hoặc nhiều hơn nữa) hay chưa, chứ cách đây mười thế kỷ, là lúc nhà thơ Đỗ Mục viết bài "Ký Dương Châu..." nói trên, chắc chắn ở Trung Quốc không có cây cầu nào "hăm bốn nhịp"!

Tôi đã từng đến Giang Tô và nhiều nơi của vùng Giang Nam, là những địa danh liên quan đến bài "Ký Dương Châu...", cũng chẳng thấy chỗ nào có cầu hăm bốn nhịp.

Tôi lại đọc thấy mấy bản dịch khác, có người dịch là "24 cây cầu". Cũng không đúng!

Thế mới biết, hiểu và dịch thơ Đường khó thế nào - mặc dù không phải tất cả các bài thơ Đường đều khó như bài "Ký Dương Châu Hàn Sước phán quan".

Hồng Diệu
.
.