Lý ra đằng lý, tình mới vẹn tình

Thứ Năm, 11/01/2018, 09:30
Mối quan hệ nhạc sỹ - ca sỹ trên thị trường âm nhạc trước hết phải được đặt từ nền tảng của quan hệ hợp tác, trao đổi dịch vụ mang tính dân sự. Trong mối quan hệ đó, thỏa thuận đạt được phải thỏa mãn cả hai phía, chứ không thể chỉ vì một phía mà bỏ qua quyền lợi của phía còn lại...


Khi nhạc sỹ Phú Quang lên tiếng "tố" ca sỹ hải ngoại Ngọc Anh (trước đây ở nhóm 3A Hà Nội) "vô ơn" khi hét giá cát sê tham gia chương trình đêm nhạc Phú Quang tới 10.000 USD, hẳn không ít người sẽ đồng cảm với ông và có cái nhìn thiếu thiện cảm với Ngọc Anh. 

Đặc biệt, khi nhạc sĩ Phú Quang tiếp tục dẫn chứng rằng các ngôi sao như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm chỉ lấy 1.000 đến 1.500 USD và kể công rằng, nhờ ông "moi Ngọc Anh ra từ 3A và lăng xê 1 năm mới có vị trí như thế này" (lời nhạc sỹ Phú Quang trả lời báo chí), chắc số người giận Ngọc Anh còn nhiều hơn. Nhưng thực tế, Ngọc Anh có đáng giận đến thế không và Phú Quang có nên được đồng cảm như vậy không?

Một ca sỹ hải ngoại nổi tiếng, cũng xuất thân từ Hà Nội, có tên tuổi lẫy lừng cũng ở tầm vóc Đàm Vĩnh Hưng và Mỹ Tâm đã chia sẻ rằng: "Thực tế, nếu chú Quang cả đời chưa làm liveshow lần nào và đây là lần đầu tiên, thậm chí duy nhất chú làm liveshow thì đúng là chuyện đòi hỏi cát sê là điều không nên, bởi ca sỹ cần tri ân người nhạc sỹ đã sáng tác nhiều ca khúc hay cho mình biểu diễn. Nhưng đằng này lại khác. Chú Quang năm nào chẳng tổ chức 2 show và show nào cũng có lãi. Chú có lãi mà chú không trả tiền cho ca sỹ xứng đáng thì cũng phải xem lại cách tổ chức của chú là như thế nào, và nguyên do phản ứng của ca sỹ là ra sao".

Chia sẻ đó, nếu so sánh lại với rất nhiều lần trước đây Ngọc Anh đã tham gia chương trình của nhạc sỹ Phú Quang mà không hề có chuyện báo giá 10.000 USD như hôm nay hoàn toàn có thể cho phép chúng ta đặt ra câu hỏi rằng "phải chăng, nhạc sỹ Phú Quang dùng cái tình để khiến ca sỹ phải nể nang mà hát cho ông và sau đó, khi ông thu được lợi nhuận lớn, ca sỹ nhận ra điều đó nên họ muốn cuộc chơi sòng phẳng hơn?".

Dù yêu thích nhạc của Phú Quang đến mấy, chúng ta không thể chạy trốn khỏi sự thực rằng mỗi năm hai lần, nhạc sỹ Phú Quang đều tổ chức đêm nhạc riêng của mình, vào khoảng dịp 8-3 và 20-10. Các chương trình của ông giá vé rất cao, và luôn bán hết sạch vé. Rõ ràng, đó là những thương vụ thành công mà những người góp phần tạo ra sản phẩm cho thương vụ ấy là các ca sỹ. Vậy thì việc các ca sỹ không được nhận cát sê đúng theo cái lý (tức là đúng giá trị thị trường của họ) mà phải hát vì tình nghĩa rõ ràng là một việc không hợp lẽ chút nào.

Hơn nữa, suy cho cùng, việc ca sỹ biết ơn nhạc sỹ sáng tác là chuyện hiển nhiên nhưng ở chiều ngược lại, người nhạc sỹ cũng cần tri ân ca sỹ. Khát vọng lớn nhất của nhạc sỹ là tác phẩm mình viết ra được vang lên, bởi những người hát rất hay, rất nổi tiếng. Vậy thì ở chiều tình cảm này, rõ ràng Phú Quang cũng cần tri ân những ca sỹ đã làm sáng giá ca khúc của mình.

Mối quan hệ nhạc sỹ - ca sỹ trên thị trường âm nhạc trước hết phải được đặt từ nền tảng của quan hệ hợp tác, trao đổi dịch vụ mang tính dân sự. Trong mối quan hệ đó, thỏa thuận đạt được phải thỏa mãn cả hai phía, chứ không thể chỉ vì một phía mà bỏ qua quyền lợi của phía còn lại. Xây dựng quan hệ làm việc mà cứ chỉ dựa trên cái tình, ắt sẽ khó có thể bền chặt khi mà cái lý mới là thứ tạo nên tính chuyên nghiệp cho một ngành công nghiệp.

Thế nên, chuyện của Phú Quang và Ngọc Anh, đừng vội trách Ngọc Anh. 10.000 USD để từ Mỹ về Việt Nam biểu diễn không phải là cái giá quá đắt. Lý phải ra đằng lý cái đã, rồi tình mới vẹn được tình.
Văn Đoàn
.
.