Lý luận văn học, nghệ thuật phải xuất phát từ đời sống văn nghệ

Thứ Ba, 08/03/2005, 07:59

“Phải là một nền lý luận vừa giữ vững định hướng, vừa phong phú, hàm chứa được những tinh hoa trong nước và thế giới, thì mới đủ sức giải quyết những vấn đề văn học trước mắt trong bối cảnh hiện nay". Đó là ý kiến của GS. Phương Lựu tại Hội nghị Lý luận văn học, nghệ thuật tổ chức tại Hà Nội ngày 14 và 15/1/2005.

Hội nghị do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức nhằm triển khai, cụ thể hóa một bước Kết luận của Hội nghị TW10 (khoá IX) về văn hóa, văn học nghệ thuật. Ngoài các thành viên của Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TW, Hội nghị có sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu văn học, nghệ thuật. Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã chủ trì Hội nghị.

1. Lý luận văn nghệ chỉ có ý nghĩa khi nó soi sáng và có ích cho sáng tác

Báo cáo đề dẫn “Xây dựng nền Lý luận văn nghệ phong phú, khoa học, đáp ứng nhu cầu xây dựng nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã chỉ rõ vai trò của lý luận văn nghệ trong đời sống hiện nay. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác lý luận nói chung và lý luận văn học, nghệ thuật nói riêng. Lý luận Mácxít và tư tưởng Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng làm cho đời sống văn nghệ nước ta, đạt được những thành tựu trong văn học, nghệ thuật. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống văn nghệ đã có những biến đổi, một số quan điểm lý luận văn học, nghệ thuật những năm trước đây đã bộc lộ sự sơ lược, cứng nhắc… làm hạn chế sức sáng tạo của văn nghệ sĩ không còn thích ứng với tình hình phát triển của văn học, nghệ thuật.

Nhiều ý kiến tham luận, trao đổi cho rằng: nền lý luận văn nghệ của chúng ta còn nghèo nàn, chậm bắt kịp những đòi hỏi mới. Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh cho rằng: “Khi mà trên bình diện sáng tác và nghiên cứu văn học, chủ nghĩa hình thức và thực dụng đang khuynh loát nhiều quan niệm và chuẩn mực quen thuộc thì lý luận văn học càng phải có tiếng nói có tính nguyên tắc và sức thuyết phục cao về một loạt vấn đề then chốt như: giá trị và ý nghĩa của văn học, mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, sáng tạo và tiếp nhận…”.

Thực tiễn văn học nước nhà vừa là chỗ đi vừa là nơi đến của lý luận văn học chúng ta. Lý luận văn học chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó soi sáng và có ích cho sáng tác và tiếp nhận văn học.

GS Mai Quốc Liên khẳng định: “Chúng ta phải kiên định giữ vững ngọn cờ, “không chịu lùi một phân”, phải biết chủ động, thông minh, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, làm một cuộc tổng hợp văn hóa và lý luận mới, thích hợp với thời đại…".

Về lý luận sân khấu, GS.TS.NSND. Đình Quang cho rằng: "Công tác nghiên cứu, lý luận sân khấu ở ta ra đời muộn … Không những muộn mà còn yếu ớt". Về lý luận mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng, ba cái cần nhất của công tác lý luận mỹ thuật là: học thuật, giáo dục nghệ thuật, chuyên nghiệp hóa. Còn Phan Cẩm Thượng nhận xét: “Từ hồi đổi mới đến nay, sáng tác nghệ thuật đã được cởi mở rất nhiều. Nhưng tự do không bao giờ đủ đối với nghệ sĩ và vấn đề không phải chỉ là mở rộng tự do mà là khắc phục tình trạng thiếu thiết chế hành nghề, khi nghệ thuật đang chuyển dần sang chuyên nghiệp” trong xu thế hội nhập".

Bàn về chất lượng âm nhạc của các tác giả trẻ, GS. Vũ Tự Lân đánh giá: "Cái thiếu của một số người sáng tác trẻ hiện nay là: “thiếu vốn sống, thiếu vốn hiểu biết về âm nhạc dân gian - dân tộc truyền thống Việt Nam”.

Về tình trạng lý luận, phê bình điện ảnh trên báo chí, NSND, đạo diễn Hải Ninh có nhận xét: "Thực trạng công tác lý luận, phê bình đang bị thao túng bởi các cây bút nghiệp dư, các nhà báo trẻ mới ra trường… Điều quan trọng nhất với một tác phẩm nghệ thuật là cần có nhận xét, phân tích sâu sắc các lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp, những đặc thù của ngôn ngữ điện ảnh có tính chất lý luận, phê bình thì họ lại rất thiếu".

Về tình hình lý luận kiến trúc, GS Hoàng Đạo Kính tổng kết là non nớt, thiếu tính cơ bản hàn lâm và thiếu độ cập nhập xã hội. Công tác nghiên cứu lý luận nghệ thuật nhiếp ảnh, múa trong cách nhìn nhận, đánh giá của các nhà chuyên môn cũng còn chậm, yếu và gặp nhiều khó khăn, chủ yếu về mặt đội ngũ và công tác đào tạo…--PageBreak--

2. Giải pháp nào cho công tác lý luận văn nghệ phát triển?            

Để tháo gỡ tình trạng trì trệ của lý luận văn học nghệ thuật hiện nay, theo ý kiến của GS Trần Đình Sử cần phải xác định “các vùng”, “các trọng điểm” để tháo gỡ. Cái thiếu của lý luận văn học là xác định cho đúng đối tượng phản ánh của văn học, nghệ thuật; giải quyết cho được mối quan hệ giữa dân tộc và hiện đại. Theo nhà văn Từ Sơn, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của công tác lý luận chính là “sự xa rời đời sống xã hội, đời sống sáng tác của những người làm công tác lý luận, phê bình: Lý luận có vai trò là “bà đỡ” cho những tài năng và vai trò “người đào huyệt” chôn vùi những cái gì của văn học, nghệ thuật không có giá trị”.

Theo GS. Phong Lê, thực trạng của đời sống lý luận văn học hiện nay rất “ngổn ngang”, “tụt hậu". Một trong những giải pháp hàng đầu là tìm cho được những “thầy giỏi”, những “chuyên gia” trong lĩnh vực lý luận, chăm lo cho đội ngũ này.

Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Chủ tịch Hội đồng lý luận - phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã kết luận: Báo cáo đề dẫn và các ý kiến tham luận, trao đổi bước đầu đã làm sáng tỏ một số vấn đề. Mặc dù mỗi đồng chí có những lý giải khác nhau, nhưng khá gần gũi nhau về quan niệm, kể cả những vấn đề lớn, gai góc, phức tạp vì chúng ta có chỗ đứng chung là quan điểm mỹ học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở thực tiễn của đời sống văn nghệ nước ta.

Cùng với đổi mới đất nước, công tác lý luận văn học, nghệ thuật đã có những đổi mới, có nhiều thành công trong việc nghiên cứu, dịch thuật, đánh giá lại các di sản văn học, nghệ thuật của cha ông ta, tiếp thu những giá trị mới của lý luận văn học, nghệ thuật thế giới.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc, có trách nhiệm thì công tác lý luận văn học, nghệ thuật những năm qua còn nhiều yếu kém, khuyết điểm. Lý luận văn học, nghệ thuật nhiều lúc không theo kịp với đời sống sáng tác, xa rời thực tế đất nước. Trong quá trình đổi mới còn chậm trễ, lúng túng -  chưa đáp ứng với đời sống văn nghệ. Chưa tạo ra được hệ thống tư duy lý luận đủ sức mở đường cho sáng tác, nghiên cứu, biểu diễn và phổ cập nghệ thuật,  đảm bảo tính dân tộc - hiện đại - nhân văn.

Những khuyết điểm nói trên có nguyên nhân sâu xa là đời sống văn nghệ vốn phức tạp. Đối tượng của nó là tác phẩm văn học, nghệ thuật, là con người văn nghệ sĩ không như các bộ môn khoa học khác. Cái hay, cái đẹp của văn học nghệ thuật có những bí ẩn riêng, mà nếu chỉ nhìn bằng con mắt khoa học đơn thuần sẽ không khám phá ra hết vẻ đẹp của nó. Do đó đánh giá đúng giá trị nghệ thuật của tác phẩm là hoạt động phức tạp, đòi hỏi bên cạnh trí tuệ của nhà lý luận còn có tâm hồn nghệ sĩ. Đồng chí Lê Duẩn đã từng nhấn mạnh: “Quy luật của văn học nghệ thuật là quy luật của tình cảm”. Nghiên cứu di sản tư tưởng của Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh chúng ta càng thấm thía điều này.

Lý luận văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới cần được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tích hợp với những tư tưởng của thời đại mới, với thực tiễn của đời sống văn nghệ. Những thành công cũng như khó khăn, phức tạp hiện nay của đời sống văn nghệ cả về sáng tác, biểu diễn lý luận, phê bình đều là sự báo hiệu cho nhu cầu đổi mới của đời sống văn nghệ nước ta. Những hiện tượng mới của đời sống văn nghệ cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, bằng nhiều phương pháp khác nhau để thẩm định đầy đủ các giá trị.

Công tác lý luận văn học, nghệ thuật hiện nay cần tập trung vào những vấn đề cốt lõi, căn bản nhất, từ thực tiễn đời sống văn nghệ như vấn đề khám phá và nâng cao tâm hồn con người Việt Nam hiện tại, nghệ thuật trong điều kiện cơ chế thị trường. Có vậy công tác lý luận mới đạt hiệu quả nhanh, thiết thực.

Đảng và Nhà nước có trách nhiệm chăm lo công tác lý luận văn nghệ, tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy tự do tư tưởng, chủ động sáng tạo, đề xuất những kiến giải lý luận. Đồng thời, chú trọng tới việc đào tạo đội ngũ, tăng cường thông tin thông qua dịch thuật, mở rộng nghiên cứu các đề tài khoa học

Đỗ Kim Cuông
.
.