Lòng dũng cảm

Thứ Năm, 10/09/2015, 08:00
Ít hôm gần đây, báo chí và dư luận đang "sôi sùng sục" vì chuyện một cuốn sách dạy về kỹ năng sống cho học sinh tiểu học có bài học rèn luyện lòng dũng cảm bằng cách cho học sinh đi chân trần trên mảnh thủy tinh vỡ. Rồi các nhà giáo dục vào cuộc, người bảo đi như thế nguy hiểm, người bảo không sao, người lại nói là không cần thiết…vv

Cái cụm từ "kỹ năng sống" hiện nay xuất hiện tương đối nhiều. Và đối tượng để "rèn luyện kỹ năng sống" chủ yếu là học sinh thành phố. Người ta lo ngại rằng cuộc sống hiện đại hôm nay cộng với sự dư thừa tiền bạc, sự bao bọc quá kỹ lưỡng của các bậc cha mẹ sẽ khiến cho trẻ em thiếu hụt kỹ năng sống trầm trọng. Thế nên, các lớp dạy kỹ năng sống mọc lên như nấm sau mưa. Dạy lý thuyết, dạy thực hành. Dạy đủ mọi thứ với mong muốn lũ trẻ lớn lên sẽ trở thành những con người có "kỹ năng sống" thật là tốt!

Khoan hãy bàn đến chuyện "kỹ năng sống" thực chất là cái gì mà hãy bàn luôn đến chuyện "lòng dũng cảm" có phải là sẽ được rèn luyện một cách tích cực thông qua việc học sinh cố gắng "liều mình" đi chân trần trên một thảm thủy tinh vỡ hay không. Các nhà giáo dục về phe "ủng hộ thủy tinh" thì nói rất hay về việc phải biết chế ngự nỗi sợ và vượt lên chính bản thân mình. Việc đi chân trần trên nền thủy tinh vỡ là một cách vượt lên chính mình. Và rằng việc đó không hề gây thương tích cho học sinh.

Nghe như có gì đó chưa ổn lắm. Nó có vẻ giống một trò chơi thách đố nhau của đám học trò hơn là việc "rèn luyện lòng dũng cảm". Nếu rèn luyện lòng dũng cảm theo kiểu "tạp kỹ" như thế, học sinh sẽ hiểu về lòng dũng cảm như thế nào? Bao nhiêu vụ án đau lòng xảy ra liên tiếp trong khoảng thời gian rất ngắn gần đây mà hầu hết hung thủ đều rất trẻ, thì bấy nhiêu "sát thủ máu lạnh" đều rất "dũng cảm", chém giết không ghê tay, một mình có thể giết đến mấy mạng người chỉ trong khoảnh khắc. Chỉ nghe thôi cũng đã rợn tóc gáy rồi!

Lòng dũng cảm, hiểu một cách nôm na nhất là thái độ sống dám đương đầu với những khó khăn, thách thức, hiểm nguy để thực hiện những việc thuộc về lẽ phải mà không hoảng sợ, chùn bước. Vậy thì muốn rèn cho học sinh lòng dũng cảm, trước hết phải cho các em thấy đâu là "lẽ phải", là "chân lý", là những việc nên làm trong cuộc sống này; đâu là những điều cao quý mà con người dám xả thân, thậm chí dám hy sinh cả mạng sống của mình để bảo vệ.

Nhận thức được điều ấy rồi, khi "vào cuộc", chắc chắn con người sẽ hành động theo lẽ phải, sẽ dám xả thân để bảo vệ chân lý, để thực hiện những điều tốt đẹp. Còn không, kết quả sẽ ngược lại. Càng rèn luyện các "kỹ năng liều lĩnh", con người sẽ càng trở nên táo tợn, độc ác, tàn nhẫn. Cho nên, rèn luyện lòng dũng cảm, trước tiên hãy bắt đầu từ thái độ sống nhân ái, khoan hòa, biết yêu thương từ cỏ cây hoa lá đến mọi người xung quanh; biết nhận ra cái xấu, cái ác mà tránh xa, biết phản đối những thói tệ bạc, ích kỷ, vô cảm, vô tâm…

Nhà thơ Lưu Quang Vũ có những câu thơ viết cho con trai Lưu Minh Vũ khi con trai vừa tròn hai tuổi, hai cha con gặp nhau ở một làng sơ tán lúc năm hết tết đến (trong bài "Nói với con cuối năm") hết sức cảm động và thấm thía:

Cha dạy con mến thương tất cả
Rồi tự con sẽ biết căm thù
Cha dạy con tin yêu từ ngọn cỏ
Rồi mai sau con sẽ nghi ngờ

Lòng dũng cảm đến từ thái độ sống "mến thương tất cả" những gì là tốt đẹp của cuộc sống này, để con người có sức mạnh và động lực để chiến đấu với cái xấu, cái ác, dám đương đầu với mọi hiểm nguy để bảo vệ sự sống, bảo vệ tình yêu! Cho nên, kỹ năng sống cho trẻ, nên bắt đầu từ những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất của cuộc sống hàng ngày: Biết sống yêu thương và nhân ái, biết lắng nghe và biết sẻ chia. Cái gốc của lòng dũng cảm là đó! Nếu bỏ gốc mà chỉ dạy ngọn thì thực nguy hiểm khôn lường!

Nguyễn Thị Việt Nga
.
.