Lời thoại trong phim truyền hình: Hay và chưa hay

Thứ Sáu, 05/08/2011, 08:10

Phim điện ảnh hay truyền hình đều là sự tái hiện và mô phỏng thực tế cuộc sống. Càng gần với đời thực bao nhiêu thì bản thân bộ phim thành công và khiến khán giả mê phim bấy nhiêu. Là một thành tố của phim, lời thoại hay cũng góp phần không nhỏ vào việc thành công của một bộ phim. Hoặc ngược lại.

Trong "Đất và người", nhân vật Chu Văn Quềnh (diễn viên Hán Văn Tình đóng) được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần ưu ái dành cho câu thoại "Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại". Trong "Lập trình cho trái tim", nhân vật Mạnh "quặp" (Đức Khuê đóng) luôn miệng: "Tôi thề! Tôi hứa! Tôi đảm bảo!". Câu thoại này không phải ngẫu nhiên mà là kết quả bàn bạc của đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà cùng ê kíp đoàn làm phim của mình: "Đây là câu nói không có trong kịch bản, chỉ đến khi thực hiện, chúng tôi nghĩ, nhân vật Mạnh là người hay gây cười cho phòng G5 thì phải nghĩ cho anh ta một câu nói nào đó để ghi dấu ấn. Ông này sợ vợ và rất hay thề nên lúc đầu câu đó là "Anh thề đấy!", rồi "Anh hứa đấy!" để "đẩy" tính cách lên. Sau mỗi người thêm thắt vào và thành "Anh thề! Anh hứa! Anh đảm bảo!" và tất cả chúng tôi đều cười phá lên khi nó được bật ra".

Những lời thoại đó tuy ngắn, nhưng nhiều ý nghĩa và tạo ra những tác động tích cực đến khán giả. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, khi viết kịch bản hay đặt viết kịch bản đều phải ấn định chủ ý cho những lời thoại như vậy, dù để tạo nên một câu cửa miệng độc đáo cho nhân vật là điều không hề dễ.

Tuy nhiên, trong nhiều bộ phim truyền hình trên màn ảnh nhỏ gần đây, ngày càng vắng bóng những lời thoại đắt, dí dỏm và ý nghĩa như vậy, trong khi lại có không ít lời thoại chưa hay, phản tác dụng, thậm chí thô tục, phản cảm.

Không thể không nhắc đến một đoạn thoại dung tục trong một phim truyền hình Việt Nam đã trở nên nổi tiếng, thậm chí khiến diễn viên thoại câu đó phải lên báo giới để phân trần. Trong tập 1 của "Ngôi nhà hạnh phúc", nhân vật Bá Thông khi được vợ hỏi "Em là cục vàng, anh là cục thịt, vậy con chúng ta là cục gì?" đã không chút do dự trả lời (nguyên văn): "Cục cứt!". Cho dù diễn viên kia có cố tình kêu oan và bao biện: "Đó chỉ đơn giản là câu nói yêu thương cửa miệng của cha mẹ dành cho đứa con chứ đâu phải là câu chửi dơ bẩn, tục tĩu? Tôi đã nghe câu đó rất nhiều, thậm chí chính tôi cũng từng ẵm cháu mình lên mà nói như thế" nhưng thật khó thuyết phục người xem trước lời thoại tự nhiên chủ nghĩa và "quá mù ra mưa" như vậy.

Trong phim truyền hình Việt Nam vừa qua, còn có những lời thoại chưa thực sự phù hợp với nhân vật, vị trí xã hội, lứa tuổi. Bộ phim chính luận "Bí thư Tỉnh ủy" từng thu hút sự chú ý của người xem khi phản ánh hiện thực sinh động của một thời chưa xa. Ngôn ngữ trong "Bí thư Tỉnh ủy" là ngôn ngữ bình dân, gắn với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân vùng trung du Bắc Bộ. Nhiều tục ngữ, ca dao, lối nói ví von được sử dụng trong lời thoại khá phù hợp với không gian văn hóa của phim, song nhiều chỗ ngôn ngữ bình dân bị lạm dụng thái quá, không phù hợp. Khán giả có thể chấp nhận lời đối đáp có phần dung tục giữa một người nông dân với ông đội trưởng đội sản xuất trong cuộc chấm điểm bình công nọ, nhưng khó thông cảm với từ "đếch" của một ông Bí thư Tỉnh ủy được sử dụng khắp nơi, từ cơ quan tỉnh ủy đến những nơi mà ông đi qua, rồi đối thoại với cán bộ cấp dưới, với dân; hay lối xưng hô "cậu", "tớ" ngay cả trong các cuộc họp quan trọng của Thường vụ Tỉnh ủy. Nhất là câu nói "Làm thế này thì đến phân cũng không có mà ăn!" liệu có đúng với khẩu khí, trình độ văn hóa của một vị Bí thư Tỉnh ủy khi nói chuyện với nông dân? Thay vào đó, nếu ông nói kiểu câu phổ biến ở làng quê "Làm thế này thì đến cám cũng chẳng có mà ăn" thì sẽ hợp người hợp cảnh và thuyết phục khán giả hơn nhiều…

Trong nhiều phim, nhiều diễn viên trẻ em bị già hóa trong các câu thoại, thậm chí nhiều nhà làm phim vô tình ép trẻ em phải nói lên những cảm xúc của người lớn. Trong "Lời thú nhận của Eva" (52 tập), người xem cũng gặp một số câu thoại không phù hợp với lứa tuổi. Tác giả đã để Min, một cậu bé 8 tuổi - con ông chủ trẻ - nói như sau: "Con rất yêu cô San. Con rất thích món ăn cô San nấu vì trong đó có một thứ gia vị đặc biệt. Đó là gia vị của tình yêu thương". Nhiều ý kiến cho rằng đó là thoại của tác giả kịch bản gắn vào miệng nhân vật chứ không phải là câu nói của cậu bé Min, dù cậu có năng khiếu văn chương đi nữa. Chưa nói, những câu thoại như thế đã khiến khán giả thấy nhân vật trẻ con hồn nhiên và đáng yêu này có cách nói rất… đãi bôi, và vì thế khó mà tin vào tình cảm của cậu bé dành cho cô San…

Trong điện ảnh cũng như truyền hình, lời thoại "càng ngắn càng nhiều, càng ít càng tốt", còn trong không ít phim Việt thì ngược lại "càng nhiều càng ít". Dân trí của đa số khán giả hôm nay đã khác, nên việc "áp đặt" lời thoại chỉ có thể mang đến sự phản cảm và tác dụng ngược. Việc khắc phục lời thoại là một việc làm cấp thiết đối với các nhà biên kịch và đạo diễn, để cho phim Việt ngày càng chân thật, súc tích và hay hơn. Làm sao để lời thoại trong phim không được nói trực diện, mà cần ẩn dụ, ẩn ý; để  lời thoại nói những điều diễn viên cảm nhận, nhất là làm sao tạo cho lời thoại hợp với tâm trạng, nhân vật, lứa tuổi, vùng miền, nâng cao tính thẩm mỹ… luôn đòi hỏi tài năng và tính chuyên nghiệp của các nhà làm phim

Vũ Ngọc Thanh
.
.