“Líp ba ga” với phương ngữ Nam Bộ

Chủ Nhật, 04/07/2021, 13:30
“Líp ba ga” là từ gốc Pháp phiên âm ra tiếng Việt. “Libre” có nghĩa là tự do. “Bagage” có nghĩa là hàng hoá, hành lý. Tiếng Pháp trôi sang Việt Nam, libre thường đi với bagage để trở thành một cặp từ thông dụng. Gọi là “líp ba ga” có nghĩa là thoải mái, trên mức bình thường, là “mát trời ông địa”. Và chỉ ở Việt Nam, từ “líp ba ga” mới có các nghĩa này.


Xuất phát từ chuyện chở khách của xe đò (ôtô khách) ở miền Nam xưa, trong lòng xe chất đầy khách; trên mui xe là một mớ hổ lốn hàng hoá: thóc gạo, trái cây, vịt gà, xe đạp… Sự chất chồng người và hàng hoá này rất “libre”, nên người ta xài từ “líp ba ga” luôn cho dễ tưởng ra sự quá tải. Và từ đó, bất cứ chuyện gì quá sức chịu đựng, quá sức mất trật tự thì dùng “líp ba ga”.

“Líp ba ga” không dùng cho những sự việc nghiêm túc. Không ai nói: “Mùa thi đến rồi, phải học bài “líp ba ga” nha!”. Mà chỉ dùng đại loại trong các trường hợp: “Thi cử xong rồi, chơi “líp ba ga” luôn”, “Vợ ông nội đó bỏ đi rồi nên ổng bồ bịch “líp ba ga”, “Phòng karaoke này cách âm tốt nên có quyền gào “líp ba ga”… Bây giờ, ai còn dùng từ “líp ba ga” có nghĩa đã thuộc týp người miền Nam “xưa nay hiếm”, tuổi cũng đã trên dưới sáu mươi. Từ dùng cửa miệng cũng “có thời” như quần áo, đồ ăn thức uống và nó sẽ thay đổi theo thời gian, theo thị hiếu vùng miền. Như bây giờ, cái cảm giác, cái tình huống “líp ba ga” vẫn xảy ra hằng ngày; nhưng dân hay nói tiếng lóng sẽ dùng từ “quá hớp”, “quá cỡ thợ mộc”, “bung nóc”, “bung nhà lồng”… Ví dụ: “Mẹ nó vắng nhà nên nó quậy bung nóc”.

Có câu chuyện vui. Nàng dâu sợ mẹ chồng khó khăn nên ít khi dám ăn uống thoải mái ở nhà chồng, lúc nào cũng còn thiếu đói, cũng còn thòm thèm. Một hôm, nàng dâu nấu nồi chè bự chảng ăn cho đã thèm. Chè chín, mẹ chồng nói đi xóm chơi, nàng dâu ở nhà múc một tô chè mang vô góc buồng tối ăn. Xớn xác bước vô buồng, nàng dâu hết hồn thấy mẹ chồng cũng đang ngồi ăn chè. Bực mình, mẹ chồng lớn tiếng hỏi: “Nhà tao, tao muốn ăn chỗ nào tao ăn, mày bưng chè vô đây ăn cho kiến nó bu theo hơi đường cắn tao hả?”. Nàng dâu khôn ngoan trả lời thỏ thẻ: “Dà, con biết má thích chè, con múc thêm tô nữa mang vô cho má ăn “líp ba ga” đã thèm!”. Này nàng dâu, nàng tuổi gì mà dám cho mẹ chồng ăn chè “líp ba ga”, hả? “Lúa” đời con rồi con ơi.

“Lúa” ở đây có nghĩa “tiêu đời”, “tàn đời” con rồi đó. Khôn ngoan cách mấy mà làm “tổn thương” mẹ chồng là coi như “xong phim”. Đặc biệt từ “lúa” được hiểu như một tính từ kiểu này không có trong từ điển tiếng Việt, mà cũng ít người miền Nam bây giờ còn nhớ còn dùng. Đi ăn tiệc, tới trễ, thức ăn không còn, chỉ còn “có nước” rửa chén, chủ nhà hỏi: “Sao giờ này mày mới tới, lúa rồi!”. “Lúa” ở đây có nghĩa xui rồi, không còn gì ăn hết. Còn một “lúa” tính từ khác mà người miền Nam hay dùng: “Cái thằng đó, nhìn cái mặt lúa “chít mị”a mà bày đặt thi thố với hát hò!”. “Lúa” ở đây là khờ, là nhà quê, là “phèn” mấy nước rửa không hết.

Xe đò ở miền Nam trước năm 1975.

Ngộ ngộ như từ “líp ba ga”, “lúa”, “phèn”… người miền Nam xưa có từ “dả” với “anh da”. Ví dụ: “Được ngoáy lỗ tai, dả khoái tỷ ngủ luôn một giấc”. “Dả” ở đây là nó, ông ấy, bà ấy, anh ấy, chị ấy, con đó, thằng đó - nói chung là ngôi thứ ba số ít, người nghe tuỳ theo ngữ cảnh và tuổi tác đối tượng được đề cập mà điền vào chỗ trống cho thích hợp. Tương tự, “anh da” cũng vậy. Nhưng “anh da” chỉ đề cập đến người cùng trang lứa và hàm ý gần gũi, thân ái. Ví dụ: “Ê mày, tao nói chơi mà anh da tưởng thiệt, chạy mất dép luôn!”.

Có chàng rể tương lai về ra mắt cha mẹ vợ lần đầu tiên. Tính tình chàng rể bỗ bã, hời hợt, ăn nói thiếu nhìn trước trông sau. Bà mẹ vợ tương lai kêu chàng rể ra vườn mời cha vợ tương lai vô ăn cơm. Hoàn thành nhiệm vụ, chàng rể bước vô nhà nói với mẹ vợ: “Anh da ảnh nói còn phải tưới thêm mấy nọc trầu nữa, mình đợi dả chút nha má!”. Xui cho dả (chàng rể) là ông cha vợ theo liền ngay sau đó và nghe được câu chuyện “anh da”, cha vợ cho rằng dả thiếu lễ độ phép tắc với người trên nên dả bị rớt đài. Ở đồng bằng sông Cửu Long, tương tự như “anh da” và “dả” có từ “y”. Ví dụ: “Anh Hai nói cuối tuần về, mà không biết y có nhớ mua giùm con mớ bông lá é không”. Có một câu, mấy ông Tây mới học tiếng Việt nghe xong, khóc tiếng Tàu luôn: “Y ỷ giàu, Y ỷ có tiền cho nên muốn chửi ai thì chửi hả? Không có cửa đâu, bày đặt ỷ ỷ coi chừng có ngày chúng quánh”.

Còn từ “sức mấy” cũng hay hay nữa. Ví dụ: “Thằng đó nó xạo như quỷ, sức mấy mà tao tin”. Hiểu nhanh, “sức mấy” là còn lâu, là không bao giờ. Nhưng nghĩ cho tường tận thì không hiểu từ “sức mấy” này từ đâu ra. “Sức mấy” là gì? Là không đủ bao nhiêu sức để nghĩ, nói hoặc làm một điều gì đó? Ví dụ: “Sức mấy mà nó đi bộ qua được cánh đồng này, nói dóc!”, “Sức mấy mà nó có đủ tiền để mua con xe này”. Nói chung là đối tác được đề cập không đủ sức và không đáng để được tin tưởng hoặc chứng minh một điều gì đó. 

Dân miền Nam đa số còn “chịu chơi” hết mình với kiểu “enjoy” (tận hưởng) nữa, nên chẳng mấy khi giàu, có nhiêu xài nhiêu, lúc sắp hết tiền mới đi cày kiếm tiếp. Có một thực tế là, miền Nam đất lành chim đậu, thường xuyên có các cuộc di dân từ miền Trung miền Bắc vô. Thời gian dài sau, mười năm hai mươi năm chẳng hạn, ai giàu lên cứ giàu, chứ cái anh Nam Bộ vẫn cứ “sống tà tà cánh nhạn”, ai hưởng gì “dả” hưởng đó nhưng tiền không có dư. “Dả” không thể làm giàu như mấy anh di dân miền Bắc miền Trung chịu thương chịu khó, biết tiết kiệm, biết ăn ngày nay lo ngày mai ngày mốt ngày kia ngày kỉa ngày kìa. 

“Chịu chơi chơi tới chiều”, “chơi xả láng sáng dậy sớm” tự bao giờ đã là thuộc tính của anh hai Nam Bộ. Thuộc tính này tuy có “cái hại” là không có tiền dự trữ, không bao giờ làm giàu được nhưng anh hai Nam Bộ luôn sống khề khà thoải mái - hiểu là chân thành dễ chịu dễ tính. Tới nhà anh hai Nam Bộ chơi, nhà tranh nền đất vách đất, chịu khó phủi chân ngồi xuống đất chơi chừng tiếng đồng hồ là có nồi cháo gà nóng hôi hổi dọn ra đãi khách. Nhấm nháp gỏi gà bóp với rau răm bắp chuối, đưa cay vài ly rượu chuối hột rồi muốn nói gì nói. Có gì khó khăn đâu, gạo xay từ lúa nhà trồng, gà nhà nuôi, bắp chuối rau răm chuối hột cũng nhà trồng luôn, các thứ đều xanh và sạch như tấm lòng anh hai Nam Bộ vậy!

Anh hai Nam Bộ mà đối đãi ân tình như vậy trong lúc có việc cần đi gấp thì má tôi sẽ thốt lên: “Nồi đồng nồi đất ơi, bữa khác ăn cháo gà anh hai ơi, giờ tui đi có việc gấp”. “Nồi đồng nồi đất ơi” ở đầu câu hay cuối câu trong câu nói của một bà má Nam bộ rặt như má tôi là “cảm thán từ”, giống như “trời đất ơi” vậy. Nhưng mấy bà nhà quê nói, đất gần trời xa mà cứ “kiu quài” như vậy là không nên. Bà đất có thể nghe được, nhưng ông trời thì không. Kêu người nghe người không sẽ không được hai bên thấu hiểu hoặc thấu hiểu lộn xộn thì sẽ không hay cho người kêu. Đây cũng chỉ là một cách suy diễn. 

Có cách giải thích này hợp lý hơn, dễ chấp nhận hơn: Trời đất là những thế lực thiên nhiên linh thiêng mà người nông dân thờ cúng xưa nay, không phải khi ngạc nhiên hay bất bình đều có quyền kêu trời kêu đất, thiếu gì thứ gần gũi thân thiết có thể kêu được mà không ảnh hưởng gì. Ví dụ nồi đồng nồi đất vậy. Nồi đồng nồi đất là hai vật thiết thân với người nông dân Nam Bộ xưa. Thời ngoại tôi còn nhỏ, người ta thường nấu ăn bằng nồi đồng. Sau này ngoại lớn hơn xíu, chiến tranh chống Pháp bùng nổ, hưởng ứng “tiêu thổ kháng chiến”, nhà nhà góp nồi đồng ấm đồng mâm đồng cho quân ta nấu chảy đúc làm vũ khí. Không còn nồi đồng ấm đồng mâm đồng, người nông dân chuyển sang xài nồi đất ấm đất mâm gỗ. Cho nên kêu “nồi đồng nồi đất ơi” là hợp lý, không sợ trời đất nào bắt tội.

Phương ngữ Nam Bộ cực hay nếu bạn chịu khó ngược dòng thời gian tìm hiểu nó. Mỗi từ mỗi câu đều có dấu ấn lịch sử hay xã hội của địa phương đó. Dấu ấn đậm nhất trong các cách dùng văn nói thường “lai Tàu” hay “lai Pháp”. Phải thôi, bởi đất nước Việt Nam nhỏ bé của chúng ta có bao giờ yên ổn lâu dài đâu. Mà những dấu ấn gần gũi này, người hậu sinh như chúng ta bây giờ dễ hình dung hơn, dễ chấp nhận hơn.

Nguyễn Thị Thu Trân
.
.