Linh Giang sông thiêng quê mạ

Thứ Ba, 27/09/2016, 08:53
Trong tâm thức của ông cha thì rõ ràng đây là một con sông thiêng lớn. Sự kỳ vĩ, linh thiêng của sông núi là hồng phúc của ai được sinh ra và lớn lên trên đó; bao hiền tài xưa nay mấy kẻ không được hấp thu từ huyết mạch khí chất của non nước quê nhà. Sông núi quê hương mang trong nó những huyệt mạch bí ẩn, huyền diệu không thể giải thích được và dường như đã can dự sâu sắc vào diện mạo, sinh khí, hồn vía của một vùng đất để có những tinh hoa, nổi bật trong cộng đồng dân cư quần tụ ở đó...


Có một dòng chảy do đất trời sinh tạo từ mấy trăm triệu năm về trước, thuở hồng hoang chưa có bóng người vẫn còn dài rộng, sung mãn đến hôm nay. Bắt đầu từ một nét đứt gãy địa chất ở vùng đất phía bắc tỉnh Quảng Bình bây giờ, một địa hào đã được tạo nên để trên bản đồ Tổ quốc hôm nay, nơi eo thắt nhất của miền Trung nắng gió bão lũ dữ dằn có đường nét quanh co của sông Gianh. Tôi gọi đấy là con sông Mạ (Mẹ) của vùng đất mình sinh ra, nằm thắt thẻo van vát ở phía Nam đèo Ngang tựa như sông Cái của châu thổ Hồng Hà mênh mang trù phú vậy. Tôi không vô cớ khi viết thế vì thời xa xưa sông Gianh mang tên khác, chữ nghĩa sang trọng có đủ ba âm tiết: Đại Linh Giang.

Trong tâm thức của ông cha thì rõ ràng đây là một con sông thiêng lớn. Sự kỳ vĩ, linh thiêng của sông núi là hồng phúc của ai được sinh ra và lớn lên trên đó; bao hiền tài xưa nay mấy kẻ không được hấp thu từ huyết mạch khí chất của non nước quê nhà. Sông núi quê hương mang trong nó những huyệt mạch bí ẩn, huyền diệu không thể giải thích được và dường như đã can dự sâu sắc vào diện mạo, sinh khí, hồn vía của một vùng đất để có những tinh hoa, nổi bật trong cộng đồng dân cư quần tụ ở đó.

Sông Gianh nối hai phương mặt trời lặn- mọc, nguồn chính khởi thủy từ núi Cô Pi cao 2017 mét trong vạn lý Trường Sơn trùng trùng điệp điệp ở miền Tây Quảng Bình, khi thao thác, khi thong dong chảy qua các huyện thị Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Ba Đồn, Bố Trạch để cuối cùng hòa nhập với biển Việt mênh mang ở phía Đông qua Cửa Gianh thuộc hai xã Quảng Phúc (bờ Bắc), Thanh Trạch (bờ Nam). Con sông dài chừng 160 cây số, uốn khúc quanh co nằm trọn trong vùng đất phía Bắc của tỉnh Quảng Bình.

Đời sông thì dài, đời người quá ngắn nhưng cũng đều có những nông sâu bồi lở cả. Lưu vực sông tương đối ổn định, còn "lưu vực người" chẳng ai biết trước được dài rộng đến đâu. Đến lúc nào đó sông sẽ nói về người, ví dụ khi người đã thành hạt bụi trong cõi mung lung chẳng hạn, còn bây giờ người sẽ nói về sông như một sự tri ân chân chất.

Phần sông Gianh thuộc quê mẹ của tôi (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) chỉ là một đoạn ngắn ở cuối hạ lưu, khiêm nhường đóng khung trong phạm vi từ chỗ nó tiếp nhận thêm dòng chảy của sông Rào Chùa, phía bờ Nam đến cửa biển cùng tên. Ngược lên phía thượng nguồn dăm đến bảy cây số gì đó, sông Gianh chảy qua thị xã Ba Đồn, nơi cha tôi cất tiếng khóc chào đời vào năm Ất Hợi 1935. 

Tuy thế, khi nghĩ về sông núi quê nhà, tôi vẫn chưa bao giờ quên niềm kiêu hãnh hồn nhiên Đại Linh Giang được bốn nguồn rào góp nước mà thành. Mỗi nguồn rào (sông) được định danh bằng một tên và có điểm phát nguyên riêng biệt. Đó là rào Nậy (nhánh chủ), rào Trỗ, rào Nan và rào Son. Bốn nguồn rào góp nước cho một sông Gianh càng xuống hạ lưu càng bát ngát, càng gần biển càng dạt dào sóng vỗ.

Sông có khúc, người có lúc. Mỗi khúc sông là một làng quê, bến mưa bến nắng, bến đục bến trong, gắn bó với bao kiếp người thăng trầm chìm nổi. Ký ức làng xã còn cất giữ cho sông bao câu chuyện lịch sử, những áng thơ văn lấy cảm hứng từ sông. Mỗi lần về nơi mình sinh ra, thong thả bước trên bờ sông trong tôi dâng lên bao cảm xúc bồi hồi. Không biết bao nhiêu lớp người đã xa khuất rồi. 

Nếu tính từ cái thời vùng đất tôi sinh ra nằm trong mười lăm bộ của nước Văn Lang, thời Hùng Vương. Rồi nghìn năm Bắc thuộc, quê tôi thuộc về huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam của Âu Lạc. Lại thêm, vào năm 192, dưới thời Nhà Hán, Khu Liên, người huyện Tây Quyển cùng nhân dân Chăm nổi dậy đánh đuổi người phương bắc ra khỏi đất Nhật Nam dựng lên nước Lâm Ấp kéo dài từ Bình Thuận đến Hoành Sơn bây giờ. 

Quê tôi lúc ấy thuộc châu Bố Chính của nước Lâm Ấp độc lập hùng cường. Từ thế kỷ II đến thế kỷ XI, Quảng Bình là địa đầu của vương quốc Chăm Pa, là vùng đất tranh chấp giữa hai vương quốc Chăm Pa và Đại Việt. Đại Linh Giang tiếp tục chứng kiến dòng chảy lịch sử dân tộc. 

Mùa xuân Kỷ Dậu năm 1069, danh tướng Lý Thường Kiệt dẫn đạo quân tiên phong nam tiến đánh Chăm Pa, bắt được vua nước này là Chế Cũ. Để chuộc tội, Chế Cũ cắt ba châu Địa Lý, Bố Chính, Ma Linh dâng nạp cho Nhà Lý. Dải đất từ Đèo Ngang đến Cửa Việt, trong đó có Quảng Bình được trở về với Đại Việt như xưa. Năm 1075, vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đi tuần tra biên thùy, vẽ địa đồ hình sông thế núi của cả ba châu nhưng đổi tên châu Địa Lý thành Lâm Bình.

Năm tháng nối nhau, sông Gianh đầy vơi theo hai mùa mưa nắng, lên xuống cùng con nước thủy triều, mặc nhiên chứng kiến dòng chuyển động nhân tình thế thái của các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê với nhiều cuộc di dân từ ngoài Bắc vào vùng đất Nam Hoành Sơn ngày càng đông đúc. Dấu chân Đại Việt hành tiến về Nam, ngón Giao Chỉ in vào cát bụi đường trường gian nan không kể xiết. Bao nhiêu gương mặt sạm sụa nắng gió đã soi xuống Linh Giang. Bao nhiêu bàn tay gân guốc thô tháp đã vốc nước Linh Giang lên rửa mặt.

Danh xưng của vùng miền này cũng không mấy cố định. Năm 1491, nhà Lê định lại bản đồ giang sơn, đặt tên cho dải đất từ Nam Hoành Sơn đến Hải Vân là Thuận Hóa. Đến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh lại thêm sự đổi thay nữa, châu Bố Chính (gồm Quảng Trạch và Bố Trạch bây giờ) được chia thành hai châu Bố Chính nội và Bố Chính ngoại. Xã tôi, thời đó có tên là Bồ Khê thuộc về Bố Chính nội đặt dưới sự kiểm soát của nhà Nguyễn. Chưa yên. Năm 1831, vua Minh Mạng đổi châu Bố Chính nội thành huyện Bố Trạch. Cái tên huyện quen thân ấy may mắn thay, còn được giữ nguyên cho đến bây giờ.

Thời rất xa thì con đường thiên lý Bắc- Nam có lẽ là độc đạo. Con đường hành binh hay di cư dọc dải đất cong cong hình chữ S chắc chắn là chỉ có một và khi khai mở đắp đào, người xưa cố tránh núi cao rừng rậm hiểm trở. Vậy thì, sự lựa chọn khôn ngoan nhất không có gì khác là bám bờ biển mà đi. Nhờ thế mà nơi tôi sinh ra ở cuối dòng Linh Giang có cơ hội in dấu tích của các minh chủ, danh tướng, danh nhân Đại Việt một thời. Những dấu tích lịch sử, văn hóa gắn liền với chiến công, tác phẩm của các ngôi sao Việt. 

Bình minh trên sông Gianh.

Theo "Đại Nam nhất thống chí", năm 1471, vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, khi ghé qua cửa Gianh đã làm bài thơ "Linh Giang hải tấn": "Sơn bảo bồi hoàn hải diểu di/ Bố Chinh tùng cổ hiệu hoang thùy./ Tịnh hà thôn lạc mao vi ốc/ Triệt phố quan tân trúc tác kỳ/ Nữ thượng phong yêu khoa yển vãn/ Dân điều quých thiệt ngũ thù ly/ Ký Nam thánh hóa hoằng nhu viễn/ Khẳng hạn phong cương ngoại đảo vi".

Cụ Nguyễn Đình Diệm đã dịch khá hay bài thơ này: "Núi bọc xung quanh biển mịt mờ/ Bố Chinh ngày trước vẫn hoang sơ/ Ven sông làng xóm nhà tranh cỏ/ Khuất bến tre pheo dựng cột cờ/ Gái thắt lưng ong khoe yểu điệu/ Dân hòa giọng quých nói líu lo/ Trời Nam đã rưới ơn mưa móc/ Chẳng phải xa xôi bỏ cõi bờ".

Bức tranh đẹp về cửa sông Linh Giang hiện lên thật rõ nét. Núi. Sông. Biển. Cây cỏ. Chim muông. Cờ bay. Gái đẹp. Cảnh. Tình. Đặc biệt là tâm hồn, chí khí, tầm nhìn xa trông rộng của một minh chủ thời hưng thịnh. Hóa ra con gái vùng này thời xa lắc xa lơ đã duyên dáng đến thế rồi à. Những yểu điệu thục nữ cuối Linh Giang hồn nhiên làm xiêu lòng bao khanh tướng, văn nhân. 

Cũng lạ cho ông vua Lê Thánh Tông, việc nước việc quân bộn bề ngổn ngang như thế mà khi đi qua cửa biển Linh Giang mịt mờ khói sóng vẫn để mắt tới "lưng ong" thon thắt nõn nà của các cô gái miền phên dậu này. Minh chủ cũng là thi nhân, người cầm gươm chỉ huy ba quân đánh giặc cũng là người múa bút ngợi ca vẻ đẹp non sông, con người Đại Việt. Thật là hồng phúc cho trăm họ xa gần.

Con chim quých là con chim gì đến bây giờ tôi cũng chưa biết. Nhưng chắc chắn nó có giọng hót ríu rít líu lo. Líu lo ríu rít tựa như giọng nói của dân quê tôi vậy. Hiện nay, ngôn ngữ cổ vẫn còn tồn lưu trong những thôn mạc xứ Lâm Bình xưa khá nhiều. Cái thứ phương ngữ Quảng Bình đó, tôi rất thích sử dụng mỗi khi về quê dù ai đó cho rằng trọ trẹ. Tôi yêu đau đáu cái trọ trẹ quê mình. Bắt đâu từ đâu nhỉ? Từ câu ru của mạ: "Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu keng bôông bín, nấu chè đậu đen" chăng?

Ngôn ngữ mang sắc thái âm điệu bản địa đã theo tôi đi xa, dẫu không dùng vào mục đích giao tiếp nhưng nó mãi còn nguyên vẹn trong tôi như dòng Linh Giang thứ hai chảy mãi đến vô cùng…

Nguyễn Hữu Quý
.
.