Lẽ nào có cái địa danh “Minh Bột”?

Thứ Năm, 25/02/2016, 13:47
Trong "Từ điển Văn học" in năm 2004, thấy Giáo sư Nguyễn Huệ Chi giải nghĩa "Minh bột di ngư" là "ông chài còn sót lại ở đất Minh Bột", tôi đã hơi chạnh lòng. Mấy lần định gọi điện trao đổi, nhưng biết vị giáo sư khả kính bận bịu nhiều việc, nên nghĩ chuyện văn chương với ông ấy có khi đã là thứ yếu, đành thôi! Lẽ nào có cái địa danh Minh Bột?


Nhà nghiên cứu Ca Văn Thỉnh (1902-1987) không chỉ là một trí thức cách mạng, mà còn là tác giả của nhiều công trình biên khảo có giá trị về văn hóa và văn học Nam bộ. Cuốn sách "Đất và người Nam bộ" vừa được NXB Trẻ ấn hành, in lại nhiều bài viết quan trọng mà Ca Văn Thỉnh đã công bố trên tờ Đại Việt những năm 1942-1943, lấy bút danh Ngạc Xuyên (tên chữ Hán của Rạch Cái Sấu nơi quê nhà của ông ở Mỏ Cày - Bến Tre).

Ngay khi từ miền Nam ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Sư phạm vào năm 1925, Ca Văn Thỉnh đã gắn bó với nhiều hoạt động sáng tác văn học. Ca Văn Thỉnh từng có vở kịch "Bầu nhiệt huyết" viết về Nguyễn Trãi. Bài viết "Minh bột di ngư, một quyển sách hai văn xã" là một trong những nghiên cứu hiếm hoi về tác phẩm trứ danh của Mạc Thiên Tứ.

Những ai quan tâm đến lịch sử đều biết, Mạc Thiên Tứ (còn có tên gọi Mạc Thiên Tích) là con trai của Mạc Cửu - người khai phá đất Hà Tiên, Kiên Giang. Mạc Thiên Tứ đã lập ra tao đàn Chiêu Anh Các lừng lẫy bậc nhất trong hành trang văn chương của những người mở cõi phương Nam. Bài viết "Minh bột di ngư, một quyển sách hai văn xã" của Ca Văn Thỉnh nhằm chứng minh tác phẩm "Minh bột di ngư" là của Mạc Thiên Tứ, chứ không phải của Trịnh Hoài Đức, như nhiều tư liệu nhầm lẫn.

In trong cuốn "Đất và người Nam bộ" từ trang 37 đến trang 46, bài viết "Minh bột di ngư, một quyển sách hai văn xã" được chú thích: "Minh bột di ngư có nghĩa là ông chài còn sót lại ở đất Minh Bột". Như vậy, Minh Bột được xác lập như một địa danh ư?

Thực sự Minh Bột hay là Minh bột? Ngay trong bài viết của mình, Ca Văn Thỉnh cho rằng: "ngụ ý của Mạc Thiên Tứ là muốn ví mình - một bực di thần của nhà Minh, như cá ở biển "Minh" còn sót lại". Rõ ràng, không thể tồn tại Minh Bột như một cái tên riêng!

Độc giả cần hiểu "Minh bột di ngư" như thế nào? Trong văn cảnh "Minh bột di ngư", chữ "bột" có nghĩa là "cái vịnh" mới phù hợp với chữ "ngư". Nếu Minh Bột có thật và nằm ở rẻo cao nào đó, thì phá sản chữ "ngư". Cho nên, thật sát nghĩa, thì "Minh bột di ngư" là "người đánh cá còn sót lại trong vũng nước triều Minh".

Nhà Minh tồn tại 276 năm (1368-1644) ở Trung Quốc. Khi bị nhà Thanh đánh bại, những người trung thành với nhà Minh đã chấp nhận biệt xứ. Mạc Cửu cũng là một trong những người tản cư ấy! Do đó, "Minh bột di ngư" là một nỗi lòng bái vọng cố quận của Mạc Thiên Tứ.

Hãy nhớ rằng, Chu Nguyên Chương dựng nên nhà Minh, tự xưng là "đại Minh". Đến khi Mạc Thiên Tứ tự nhủ mình là "di ngư", thì "đại Minh" chỉ còn là "Minh bột". Từ "đại Minh" đến "Minh bột" ngỡ cái chớp mắt thời cuộc, mà chất chứa tâm trạng của Mạc Thiên Tứ khi viết "Minh bột di ngư".

Một động tác viết hoa rất đơn giản, "Minh bột" thành "Minh Bột", thì không ai phải chịu trách nhiệm về ý nghĩa của chữ… bột. Thế nhưng, làm như vậy là không công bằng với Mạc Thiên Tứ, với Ca Văn Thỉnh, và với cả bạn đọc hâm mộ tao đàn Chiêu Anh Các.

Vì không hiểu chữ "bột", nên bài viết "Minh bột di ngư, một quyển sách hai thi xã" in trong cuốn "Đất và người Nam bộ" được tiện tay sửa… morat khá bất cập, chỗ thì "Minh Bột", chỗ thì "Minh bột". Cũng không thể chê trách biên tập viên, bởi lẽ chính cuốn "Tự điển Văn học" bộ mới - NXB Thế Giới in năm 2004, cũng giải nghĩa "Minh bột di ngư" là "ông chài còn sót lại ở đất Minh Bột"!

Mạc Thiên Tứ là một danh nhân. Ca Văn Thỉnh cũng là một học giả uy tín. Vì vậy, hậu sinh không thể biến "Minh bột" thành "Minh Bột"!

Lê Thiếu Nhơn
.
.