Lê Đình Cánh, cái duyên lục bát vẫn còn

Thứ Ba, 21/07/2015, 08:00
Tình người, tình đời thấm thía từng con chữ, hình ảnh, chi tiết trong một khuôn mẫu lục bát đã được mặc định thành truyền thống hàng mấy trăm năm rồi. Thơ như vậy, không thể nói là không hay và nó đã được thử thách qua thời gian gần bốn mươi năm, có mặt trong hầu khắp tuyển thơ Việt Nam thế kỷ XX. Gần đây, đọc tập thơ "Sông Cầu Chầy" (NXB Hội Nhà văn, 2015) của tác giả "Mẹ ra Hà Nội", tôi nghĩ với Lê Đình Cánh cái duyên lục bát vẫn còn.

Trong cuộc đời sáng tác văn học, ưu thế của Lê Đình Cánh thuộc về thơ lục bát, tôi nghĩ thế, luôn luôn nghĩ thế. Tôi vẫn còn nhớ, còn yêu "Mẹ ra Hà Nội" của anh. Bài thơ ấy tôi từng mê đắm đọc, ngâm khi còn rất trẻ và đến hôm nay chạm tuổi sáu mươi vẫn thích lắm những câu: "Mẹ ra Hà Nội thăm con/ Vừa trên tàu xuống chân còn run run/ Áo nâu còn thẫm mưa phùn/ Còn hoai vị cỏ sục bùn lúa non/ Sang đường tay níu áo con/ Ngã tư hối hả xe bon ngược chiều" và "Bà ra bế cháu của bà/ Những mong cùng ước lòng già hôm mai/ Lên thang chẳng dám bước dài/ Vào khu tập thể gặp ai cũng chào…". Lục bát như thế dân dã, quen thuộc mà thanh đạm, sang trọng biết mấy.

Tình người, tình đời thấm thía từng con chữ, hình ảnh, chi tiết trong một khuôn mẫu lục bát đã được mặc định thành truyền thống hàng mấy trăm năm rồi. Thơ như vậy, không thể nói là không hay và nó đã được thử thách qua thời gian gần bốn mươi năm, có mặt trong hầu khắp tuyển thơ Việt Nam thế kỷ XX. Gần đây, đọc tập thơ "Sông Cầu Chầy" (NXB Hội Nhà văn, 2015) của tác giả "Mẹ ra Hà Nội", tôi nghĩ với Lê Đình Cánh cái duyên lục bát vẫn còn.

Đây là tập thơ mới nhất của Lê Đình Cánh, gồm 60 bài, trong đó có 44 bài lục bát. Tỉ lệ này phần nào nói lên "tạng thơ" của anh, người có nhiều duyên nợ, níu náu với thể thơ sáu tám truyền thống. Cũng chỉ là những câu chuyện đời thường của hôm nay, những hồi quang của quá khứ được chiếu xạ dưới cảm xúc và suy ngẫm của một người viết từng là lính Trường Sơn những năm chống Mỹ; một tác giả đã được định danh rõ ràng trong làng văn Việt.

Cũng vẫn là cách diễn đạt giản dị, gần với lối tự sự dân gian nhưng đã được cập nhật vào thời cuộc, vào nhân tình thế thái thì hiện tại. Cũng vẫn là những ẩn dụ, hoán dụ tạo ra sự lấp lửng, tỏ mờ rất thường hay gặp trong ca dao Việt mà Lê Đình Cánh vận dụng đầy sáng tạo trong thơ lục bát của mình. Cũng vẫn kiểu nói lái ỡm ờ, thanh mà tục, tục mà thanh tạo nên sự thú vị ở một số bài thơ.

Thơ như là cuộc sống đã diễn ra, đang diễn ra với muôn vàn màu sắc, cung điệu của nó. Sự tương phản không hiếm hoi lắm nếu như không muốn nói là nhiều đối nghịch như hiện nay. Điều ấy không chỉ được phản ánh trong văn xuôi mà thơ cũng có. Ở góc này, Lê Đình Cảnh bâng khuâng, nhẹ nhõm với làng quê yên bình, dung dị: "Thú quê vẫn bánh đa giòn/ Vẫn hương cốm dẹt. Vẫn đòn gánh cong/ Giếng làng mưa bão vẫn trong/ Chợ quê rớt giá vẫn đong đếm đầy" (Thú quê) thì ở góc khác anh lại bàng hoàng, day dứt trước những mặt trái của quá trình đô thị hóa nông thôn đang diễn ra với tốc độ chóng mặt để lại nhiều hệ lụy: "Phố làng xóa sổ nông dân/ Quán quê lai ghép công nhân nửa mùa/ Lượn lờ chào bán gọi mua/ Dật dờ chai cốc được thua với đề…" (Phố làng).

Nhà thơ Lê Đình Cánh và tác phẩm “Sông Cầu Chầy” của ông.

Nông thôn Việt đang đổi thay về diện mạo, đời sống kinh tế có thể đã được cải thiện nâng lên một phần nào nhưng thật đau lòng khi nhiều giá trị văn hóa truyền thống, lối sống ân nghĩa xưa kia đã bị xâm hại, bào mòn. Nhiều làng quê mất dần, mất hết sự thanh bình trong trẻo và thay thế vào đó là những xô bồ, vẩn đục bởi sự tác oai, tác quái của đồng tiền, tính thực dụng được châm ngòi và kích hoạt ở mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng nhất là thanh, thiếu niên. Thơ gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự suy thoái đạo đức lối sống trong xã hội, đâu chỉ có ở các đô thị sầm uất mà ngay trong những thôn mạc gần xa.

Có thể coi mỗi bài thơ của Lê Đình Cánh là một mảnh cuộc sống nho nhỏ. Dường như có tiếng thở dài xa xót trong đó, khi nhà thơ chứng kiến những số phận thiếu may mắn trong xã hội. Còn hơn thế nữa, có khi đó là sự bất công đối với những người đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Hình ảnh một bà già, từng có mặt ở Trường Sơn vào những năm ác liệt nhất của thời kỳ chống Mỹ, sau hòa bình sống đơn độc, nghèo khổ đến độ phải đi xem nhờ tivi. Lời thơ đọc lên nghe như có muối xát vào lòng: "Bao năm cám cảnh xem nhờ/ Lão bà khép nép ngồi chờ ti vi/ Mắt mờ nào có thấy chi/ Nặng tai nghe tiếng thầm thì qua loa/ Giàu sang là số người ta/ Phận nghèo từ buổi rời xa tuyến đường/ Tuổi xanh gửi lại chiến trường/ Trời khuya chuyển gió vết thương trở mình!/ Người ta ấm lửa gia đình/ Đời bà như khóm lục bình trên sông/ Ngày về vắng bóng đàn ông/ Chợ trưa rau héo người không gặp người!" (Xem nhờ ti vi).

Xa xăm hồi hướng cội nguồn, man mác hoài niệm là cái ta thường gặp trong thơ lục bát của Lê Đình Cánh. Mà chẳng riêng gì anh, "chất" hoài niệm hình như là một đặc điểm của thơ Việt Nam hiện nay? Hoài niệm về xứ sở cội nguồn, hoài niệm tuổi thơ, hoài niệm tháng năm cũ, hoài niệm chiến tranh, hoài niệm về mối tình đã qua… rất nhiều hoài niệm như thế có trong thơ Việt hiện nay. Giăng giăng trong thơ Việt những không gian, thời gian xưa cũ với nhiều thổn thức, yêu thương, tiếc nuối. Vì sao lại thế nhỉ? Có gì liên quan với trạng thái xã hội "lắm người nhiều ma", với dòng chảy cuộc sống nửa trong, nửa đục dễ làm nản lòng người hôm nay không?

Câu thơ lục bát chuyển tải nỗi nhớ cho Lê Đình Cánh: "Nhớ con đò. Nhớ bến sông/ Nhớ người năm ấy. Tôi trồng cỏ may" (Trồng cỏ may). Hai câu thơ, bốn dấu chấm, tính rành rọt ra là bốn câu đấy. Mười bốn âm tiết vọn vẻn mà có đủ cảnh và người. Rất quen thuộc và có phần cũ nữa là những hình ảnh con đò, bến sông và người năm ấy. May có "tôi", người "trồng cỏ may", bất ngờ truyền sức sống mới cho những biểu tượng mang tính ước lệ đã cũ càng. Người hôm nay phải trồng cỏ may trong "Gian phòng máy lạnh mùa thay đổi mùa" bởi vì khôn nguôi nỗi nhớ con đò, bến sông và người năm ấy. Ai hay, thứ cỏ mọc triền đê ấy trở thành nơi chia sẻ, cầm níu nỗi nhớ quay quắt của người đa cảm. Chao ôi, cái sự hoài niệm này mới đắt làm sao.

Quê hương luôn trở đi trở lại trong thơ Lê Đình Cánh. Cũng phải thôi, lớp người như anh, lại là thi sĩ thì xứ sở cội nguồn sâu nặng đeo đẳng lắm. Ở đâu, sướng khổ bao năm vẫn không làm vơi đi nỗi nhớ thương quê nhà. Ta bắt gặp tình cảm ấy trong những bài thơ lục bát của anh như "Gọi đò", "Thú quê", "Chợ người", "Lục bát gió Lào", "Phận rùa", "Sông Cầu Chầy"… Tôi có cảm giác thơ viết về quê của Lê Đình Cánh luôn ẩn chứa những bùi ngùi, buồn bã: "Sao gọi là sông Cầu Chầy/ Dòng sông kiếp trước chở đầy hoài nghi/ Người xưa thất vọng điều chi/ Người nay đánh mất những gì cho sau/ Vườn quê gió vặn đời cau/ Tuổi măng cụt ngọn quặn đau tre già/ Tán đa đè rợp mái nhà/ Đêm đêm cú rúc hồn ma luân hồi…" (Sông Cầu Chầy).

Có những kỷ niệm đeo bám thi sỹ xứ Thanh này lâu lắm, chuyện cũ xưa mà vẫn rõ mồn một, ngỡ còn phảng phất hương vị của mối tình thời đang sức vóc; trai này, gái kia như lửa như rơm, như trầu như cau bén quyện. Thơ có cái bâng khuâng của nhớ thương, nuối tiếc lại có cái tinh nghịch được bảo lưu qua thời gian như nghệ thuật chơi chữ kín kẽ này: "Thôi đừng trách thuở trầu cay/ Nợ tình ai nỡ cho vay một lần/ Đường quê mở lối xa gần/ Người nay có lộn về Bần như xưa" (Về phố Hiến).

Đã thuộc lớp người xưa nay hiếm, từng trải qua chiến tranh, không còn ngơ ngác trước cái hay cái dở của xã hội nữa và quan trọng nhất là ngộ ra được sự hữu hạn của một đời người, thơ Lê Đình Cánh chắt đọng chiêm nghiệm. Đó là sự lắng lại sau từng trải, sau những vui buồn, thành bại của cuộc đời.

Thế mới có: "Người về bến cũ ngoái trông/ Đời người chảy ngắn. Đời sông chảy dài" (Gọi đò). Trên dòng thời gian bất tận, sông và người đều chảy, nhưng giới hạn sự sống khác nhau xa. Con người nên biết cái vô cùng hữu hạn cũng là bi kịch không ai tránh khỏi theo vòng sinh tử không dự báo được của mình để biết tu thân, sống tốt hơn. Thông điệp Lê Đình Cánh ngầm gửi vào bài thơ, câu thơ là như vậy. Cùng mạch nghĩ về số phận, luật sinh - tử, Lê Đình Cánh có câu thơ nhuốm sắc màu tâm linh: "Cuộc đời đã biết về đâu/ Tiểu sành an ủi dài lâu kiếp người" (Tiểu sành)…

Tuy nặng lòng với quá khứ nhưng Lê Đình Cánh trong đời và cả trong thơ không quay lưng lại với hiện tại. Bởi thế, thơ anh có cuộc "Hát ka ra ô kê", có tâm trạng người "Về hưu", có cái khó xử của tình già trong "Nẻo đường cong cong": Tình già như thật, như chơi/ Như là kiếp trước tìm nơi trả buồn/ Sợ chồng, người lại sợ con/ Còn tôi thì sợ chết mòn lương hưu…". Nhưng tạng người như anh nhiều tỉnh táo lắm, nó không có cái dấn thân "Yêu sự ngọt ngào đến chết giữa lòng hoa" của Thu Bồn, cái quậy thoát của Phạm Ngọc Cảnh: "Yêu như anh yêu em là đáo để/ nghịch lý nào trời cũng thuận lòng tha/ trời có căn cơ anh phân trần với bể/ bể không yêu anh quậy sóng Ngân Hà".

Với Lê Đình Cánh có qua bao bến lạ vẫn phải về neo đậu bến quê thôi: "Tàu đi, neo thả mười phương/ Càng thêm bến lạ, càng thương bến nhà!/ Bến người tàu chỉ ghé qua/ Bến quê neo thả sâu xa trọn đời" (Bến lạ).

Thơ là người. Mỗi nhà thơ có một chất riêng dù ai cũng đa cảm, đa tình cả. Lê Đình Cánh vẫn giữ được cái chất đôn hậu, nhẹ nhàng, phảng phất phong vị ca dao trong thơ lục bát. Chính điều đó đã làm nên cái duyên lục bát của anh.

Nguyễn Hữu Quý
.
.