Đọc tập thơ "Lao xao hồn phố" của Bùi Phan Thảo, NXB Hội Nhà văn, 2015

Lao xao hồn phố - hồn người

Thứ Bảy, 19/12/2015, 08:00
Thơ Bùi Phan Thảo thiên về suy tư thế sự nhân tình, nhiều ngẫm ngợi và cảm xúc. Anh là nhà báo, chứng kiến nhiều chuyện xã hội, chuyện đời, nhiều trải nghiệm, nên có lợi thế về khuynh hướng này. Nói thì tưởng dễ, viết về thế sự nhân tình là vô cùng khó khăn, nhiều người đã thử bút nhưng thất bại thì nhiều mà thành công không bao nhiêu. Thử điểm đôi bài của Bùi Phan Thảo xem sao.

Anh nhìn vào những hoạt động quen thuộc trong thành phố:

Những con đường thành phố ngang dọc như bàn cờ
Con pháo đã sang sông
Con xe đâm đầu vào niềm thống khổ
Trong những ván cờ đời, ai làm con tốt thí?

(Một hôm gió khóc)

Ví cuộc đời như cuộc cờ, nhiều người đã viết, nhưng những cảnh ngộ "sang sông, đâm đầu vào niềm thống khổ, làm con tốt thí…" vẫn khiến ta suy ngẫm, gợi lên những nỗi niềm và điều gì đó về kinh nghiệm sống…

Bìa cuốn "Lao xao hồn phố" của Bùi Phan Thảo.

Một cảnh ngộ khác:

Những chàng trai cô gái trên giảng đường đại học
Vòng bánh xích lô của cha lăn qua nỗi buồn đặc quánh
Vỡ thành giọt nước mắt lúc con nên người.

(Sau những dáng người)  

Dân ta vốn hiếu học, cha mẹ chịu đựng vất vả cực nhọc nuôi con ăn học thời nào cũng có. Bùi Phan Thảo đưa vào thơ hoàn cảnh rất đời thường "vòng bánh xích lô của cha", rất quen thuộc trên đây vẫn khiến ta xúc động. Biến cái trừu tượng thành cụ thể: "nỗi buồn đặc quánh". Đó là tác dụng tài tình của thơ ca, nó dễ tạo được ấn tượng và ám ảnh mà thể loại khác khó làm được.

Phát huy ưu thế đó, anh tiếp tục:

Tôi đem niềm vui pha trộn nỗi buồn
Dẫu luễnh loãng cũng đưa ngày tiễn tháng

(Đã lên mầm một đóa phù dung)

"Vui buồn" vốn trừu tượng, nhà thơ vẫn cầm nắm được, pha trộn chúng với nhau thành chất liệu mới. Dẫu hợp chất này còn lễnh loãng vẫn có thể làm vật đưa tiễn tháng ngày.  Ý thơ được triển khai hợp lý và táo bạo. Đây chính là một trong những phương pháp tạo chất thơ rất hữu hiệu. Không có yếu tố này khó thành thơ, câu chữ nằm trơ ra, thật thà như đếm, chỉ giống như thơ chứ không phải là thơ, tình trạng này không ít trong tình hình in thơ quá nhiều hiện nay.

Vẫn thủ pháp nghệ thuật ấy, anh triển khai theo chiều hướng khác, vào sâu tâm hồn mình:

Nhưng tôi nhặt được mảnh hồn mình
Trên cây xương rồng mọc từ khe đá

(Phan Rang)

Ta thường đọc thấy: "mỗi người đều gắn bó tâm hồn với quê hương đất nước", đó là khái niệm chung, nhưng nhà thơ phải nói bằng thơ, tức là thông qua cảm xúc suy tưởng, qua hình tượng nghệ thuật, đoạn thơ trên "cây xương rồng mọc từ khe đá" là một ẩn dụ nói lên sự cảm thông của tác giả đối với sự nhọc nhằn của vùng đất khó khăn khô hạn. Viết được câu thơ như thế không dễ.

Tuy nhiên, ở một số bài, anh lại nói trực tiếp:

Thời kỹ thuật số
thế giới phẳng
thèm được sống một ngày bình lặng
nhưng tôi sẽ là ai khi không lên mạng
không viết những entry cho cuộc đời mình?

(Thơ thời kỹ thuật số)

Viết về đời sống hiện đại, một thể nghiệm chăng? Nhưng có lẽ hiệu quả không bằng những câu thơ trong bài "Phan Rang". Tuy nhiên với tác giả trẻ, mọi thể nghiệm bút pháp làm mới thơ đều rất cần thiết và đáng khuyến khích. Thành bại thế nào có trọng tài thời gian phán xét.

Thơ Bùi Phan Thảo còn một mảng cũng rất đáng chú ý, đó là tiềm thức, tâm linh.

Nhủ lòng về ngồi bên ngọn nến
mường tượng ngày mai…
Trong bóng - đêm - lồng - ngực
cuộc thiên di trĩu nặng luân hồi.

(Cuộc thiên di trĩu nặng luân hồi)

Tôi hơi ngạc nhiên với ẩn dụ "bóng-đêm-lồng-ngực", không biết tác giả định nói gì? Vùng bóng tối đầy bí mật của chính mình chăng? Hay mình không chủ động được nhịp đập trái tim mình? Những rung động, những cảm xúc mà mình không kiểm soát nổi? Nhưng chả cần tìm hiểu cặn kẽ làm gì, có khi chính tác giả cũng không lý giải được, thơ vốn "bất khả giải" mà! Chỉ biết "bóng-đêm-lồng-ngực" là một sáng tạo thơ, kết nối với "cuộc thiên di trĩu nặng luân hồi" tạo nên trường liên tưởng mênh mang vô định về kiếp người đầy bí ẩn.

Cũng ý hướng này, anh triển khai ở một bài khác:

Những đền đài thành quách
tường đá im nghe
những pho tượng chuyện trò
bằng lời hạt bụi

(Độc thoại đêm)

Do đặc trưng thể loại, cần có những chi tiết cụ thể, nhà văn thường quan sát kỹ hơn nhà thơ. Nhà thơ thiên về cảm xúc suy tưởng, nhưng đoạn thơ trên đây, Bùi Phan Thảo chứng tỏ rằng khả năng quan sát của anh cũng rất cụ thể, tinh tế: "những pho tượng chuyện trò bằng lời hạt bụi". Các pho tượng lâu lâu mới được tắm rửa, bụi bám là thường xuyên nên "chuyện trò bằng lời hạt bụi" gợi nhiều chiều hướng liên tưởng, nói được ít nhiều điều thú vị về nhân sinh về thiền triết chăng...

Thơ Bùi Phan Thảo đôi khi cũng mạnh mẽ quyết liệt:

Có người sống mà khác gì đã chết
người qua đời mà ở lại nhân gian.

(Tự cảm về đời)

Ý này không mới nhưng viết được câu thơ hàm súc trên đây thì là một thành công trong lao động sáng tạo bởi nó cô đúc, khái quát được một điều không nhỏ: ý nghĩa của sự sống, cái chết; những bài học lớn trong cõi nhân sinh.

Bùi Phan Thảo viết thơ hình như chưa nhiều nhưng anh nghiêm túc, công phu, ý thức rất rõ về trách nhiệm người cầm bút trong lao động sáng tạo, anh đã gặt hái được thành công nhất định qua tập "Xôn xao hồn phố". Một số hình ảnh, hình tượng do chính anh sáng tạo ra không lẫn vào đâu được như "bóng-đêm-lồng-ngực", "chuyện trò bằng lời hạt bụi"… Có bước chân vào đường thơ mới biết cái sự trần ai khổ ải, tìm được một vài ẩn dụ như thế không dễ chút nào, không ít nhà thơ "thành danh", có "thâm niên" mà cả tập thơ chả tìm được một hình ảnh, một câu thơ hay. Không có yếu tố ấy, thơ nhạt là chuyện đương nhiên. Thơ dở còn có thể sửa được chứ thơ nhạt thì vô phương cứu chữa.

Công việc hằng ngày của Bùi Phan Thảo là viết báo và biên tập, thơ chỉ là lao động tay ngang, tuy anh viết thơ chưa nhiều nhưng qua tập thơ này, anh đã gặt hái được một số thành công. Một số bài thơ, câu thơ, hình tượng thơ có tìm tòi mới mẻ và độc đáo, mở ra triển vọng một cây bút thơ có nội lực.

TP. Hồ Chí Minh, 8-12-2015

Nguyễn Vũ Tiềm
.
.