Lãng mạn và nghiêm cẩn trong thơ

Thứ Bảy, 30/07/2016, 08:11
Đọc tập thơ “Vầng trăng xanh cõi mộng” của Bùi Trọng Hiển, NXB Hội Nhà văn, 2016.


Tôi vừa đọc Báo Sài Gòn Giải phóng online bài “Luật sư của người nghèo” ngày 11-3-2016, giới thiệu về luật sư Bùi Trọng Hiển chuyên bào chữa miễn phí cho người nghèo thì tuần sau anh Hiển đến chơi, đưa tôi tập bản thảo thơ. Thì ra luật sư còn làm thơ nữa. Công việc chính là điều hành công ty luật, thơ chỉ là thư giãn, tuy nhiên tập thơ trên trăm bài đã nói lên sự say mê nghệ thuật thi ca và tâm huyết của tác giả với cuộc đời. Điều ấy thật đáng quý.

Báo Sài Gòn Giải phóng ghi lại tâm sự của anh: “Ngay từ khi học đại học, tôi đã ấp ủ dự định khi thành luật sư sẽ bào chữa miễn phí cho người nghèo để giúp họ đòi công bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng, góp phần cho luật pháp nước mình tốt đẹp hơn, bớt oan sai…”

Thơ của luật sư tâm huyết với đời có những đặc điểm dễ nhận ra, ấy là những tâm trạng gắn với đời sống những người nghèo khó:

Bao ngày mẹ quẩy gánh hàng rong
Rảo bước phố ngoài qua phố trong
Đèn khuya hiu hắt soi bóng mẹ
Cùng gánh hàng rong giữa tiết đông

(Nhớ mẹ)

Bà mẹ nghèo trong ánh đèn khuya trên đường phố giữa tiết đông đã thu hút sự chú ý của luật sư Hiển. Trong số ấy biết đâu có người cần đến sự công bằng của luật pháp mà luật sư là người cứu giúp.

Một đoạn khác trên Báo Sài Gòn Giải phóng online:

“Từ năm 2000, trung bình mỗi năm bào chữa miễn phí từ 13 đến 15 vụ, cả dân sự và hình sự. Các đối tượng được giúp bào chữa miễn phí là diện có sổ hộ nghèo của địa phương, diện gia đình chính sách. Hoặc xét thấy trường hợp nào chưa có sổ hộ nghèo nhưng hoàn cảnh thực sự khó khăn, công ty cũng sẵn sàng giúp bào chữa miễn phí”.

Tôi cảm kích trước tấm lòng của anh. Thơ của Bùi Trọng Hiền thiên về truyền thống, vần nhịp nghiêm chỉnh nhưng đôi khi anh cũng phá cách, đưa hình thức câu thơ gần với nhịp sống đời thường, những dòng thơ ngắn xuống dòng như mưa rơi hòa với nỗi niềm thổn thức.

Thơ Bùi Trọng Hiển lắng đọng tâm tư:

Nhẹ gót chân nhẹ gót chân
Không gian lắng đọng, đêm dần về đâu?
Sâu trong hơi thở của nhau
Ta như nghe cả nhiệm màu đêm thiêng.

(Đêm, hoa quỳnh và em)

Hai câu trên là không gian, hai câu dưới là nội tâm hòa quyện với nhau rất khéo, cả hai đều có chiều hướng nội. Bóng đêm hư ảo đã hiện hình khá sinh động.

Ta như mặt nước hồ phẳng lặng
Em là cánh hoa chao xuống lòng
Chỉ một thoáng mơ mòng xao động
Mà bao sóng ngầm dưới đáy trong

(bão lòng)

Ở bốn dòng thơ trên, hình ảnh ẩn dụ được vận dụng khá nhuần nhị, câu một là “phẳng lặng”, câu thứ tư đã “sóng ngầm dưới đáy trong”. Diễn tả cơn bão tâm tư không dễ chút nào, tác giả đã mượn hình ảnh sóng ngầm khá tinh tế.

Đoạn thơ dưới đây lại đưa ta về núi đồi, mây trắng:

Trên ngọn đồi thông, mây trắng bay
Nắng vẫn vàng trên cỏ biếc
Nỗi buồn như vẫn đọng quanh đây

(Trên ngọn đồi thông)

Nói về nỗi buồn nào đó mà dùng hình ảnh vùng sơn cước vừa đẹp vừa vắng vẻ đìu hiu cũng mang đến cho thơ sắc thái mới mẻ. Thế rồi một thoáng từ núi lại trở về sông biển:

Em ơi sao nỡ vô tình
Bờ còn có sóng sao mình chia xa
Nếu mà sóng phải xa bờ
Hỏi xem sóng có hững hờ như em?

(Sóng và bờ)

Cảm xúc trữ tình trước thiên nhiên cũng khiến Bùi Trọng Hiển có được những câu thơ đẹp:

Trắng tinh, lộng lẫy, rồi hư ảo
Rực rỡ hương như một nhiệm màu

(Hoa quỳnh)

Phần trước của hai câu thơ là phần thực: “trắng tinh, lộng lẫy”, “rực rỡ hương” nhưng phần sau đều xen vào phần ảo: “hư ảo, nhiệm màu” làm cho câu thơ lung linh hương sắc đúng với tính chất thanh khiết của hoa quỳnh. Tả bông hoa có những điểm đặc biệt chỉ nở vào khoảnh khắc ngắn ngủi về đêm như thế là một thành công đáng ghi nhận.

Thơ của Bùi Trọng Hiển giàu chất trữ tình, lãng mạn mà nghiêm cẩn; chất lãng mạn của tâm hồn nghệ sĩ, chất nghiêm cẩn của người trong ngành luật pháp, cả hai gắn kết hài hòa. Nếu anh đầu tư thời gian và khổ luyện nghệ thuật nhiều hơn nữa, chắc sẽ thành tựu hơn. 

Nguyễn Vũ Tiềm
.
.