Làm nghệ thuật phải có tấm lòng

Thứ Năm, 19/04/2018, 10:30
Bây giờ mới là tháng Tư, tháng Tư một năm sau năm nhuận nên cảm giác vẫn còn rất gần Tết, nhưng không khí ở các đoàn nghệ thuật lớn nhỏ, từ Trung ương đến địa phương đã vô cùng bận rộn. Dễ hiểu, vì năm nay là năm chẵn, năm của Liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. 


Đúng ngày 19-5, ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đợt 1 của Liên hoan sẽ diễn ra tại Hà Nội. Sau đó là đợt 2 ở Đà Nẵng và đợt 3 ở TP Hồ Chí Minh vào tháng 8.

Từ trước tới nay, Liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc vốn dĩ vẫn mạnh về các tiết mục hiện đại, được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp và đa dạng màu sắc. Thậm chí, có những đoàn còn mạnh tay đầu tư để mời những nhạc sỹ, đạo diễn chuyên nghiệp có tên tuổi từ TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội góp tay xây dựng chương trình riêng của mình để quyết giành huy chương. Nhưng ở Liên hoan năm 2018 này, rất có thể sẽ có những bất ngờ, những bất ngờ có thể khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều về tương lai của nghệ thuật âm nhạc nước nhà.

Theo như thông tin đáng tin cậy, ở đợt 3 của Liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2018 này, Đoàn Bông Sen của TP Hồ Chí Minh sẽ trình làng những tiết mục rất đặc sắc, đúng thế mạnh của đoàn nhưng lại khác với những gì họ đã từng mang tới các kỳ liên hoan trước.

Được biết, dù Bông Sen rất mạnh về nhạc nhẹ, với sự tham gia của nhạc sỹ tên tuổi Nhật Trung, nhưng giám đốc đoàn, NSƯT Đặng Hùng lại quyết định mang tới hội diễn những tiết mục dân tộc hoàn toàn. Theo như NSƯT Đặng Hùng, đó chính là bản sắc của Bông Sen và bản sắc ấy năm nay lại được phát huy bởi một tinh thần rất trẻ.

 Những nghệ sỹ tiêu biểu mà Bông Sen quyết định trình làng ở Liên hoan năm nay bao gồm Cao Bá Hưng (đàn tỳ bà), Thảo Linh (đàn nhị), Đinh Nhật Minh (sáo trúc), Hải Vũ (đàn tranh), Sỹ Phú (đàn tam thập lục). Họ là những nghệ sỹ trưởng thành từ chính "lò Bông Sen", thuộc diện "quy hoạch tài năng" được UBND TP Hồ Chí Minh, Thành ủy TP Hồ Chí Minh chú trọng đầu tư từ nhỏ.

Tuổi đời của họ đều ở ngưỡng 18 đến 20, ngưỡng tuổi cực sung sức trong sáng tạo, và họ cũng từng được thử lửa qua những chương trình lớn như Ossso Fusion, một chương trình kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc và dàn nhạc giao hưởng St. Peterburg (với các sáng tác và dàn dựng của nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng). Và chính tài năng, đam mê của những người trẻ ấy đã thôi thúc NSƯT Đặng Hùng phải để họ trình làng trong một liên hoan nghệ thuật lâu năm và có uy tín nhất ở Việt Nam hiện nay.

"Nhạc dân tộc là linh hồn, là tự hào của Việt Nam với thế giới. Nhạc dân tộc có sức sống rất mãnh liệt và ở Bông Sen, nhạc dân tộc rất được chú trọng phát triển. Và khi có những người trẻ đam mê nhạc dân tộc ở hoàn cảnh ngày càng hiếm người tìm học nhạc cụ dân tộc (vì lý do mưu sinh sau này), tôi tự hỏi mình tại sao không đầu tư cho các em nhỏ cơ hội được trình diễn một cách tốt nhất, trang trọng nhất". Đó chính là tâm sự của NSƯT Đặng Hùng khi được hỏi về chuyện "liều mình" đưa lớp trẻ 18-20 tuổi của mình ra thi thố ở Liên hoan lần này. NSƯT Đặng Hùng nói thêm: "Tôi biết đưa các em ra trình làng ở Liên hoan là năm ăn năm thua, có thể gây tiếng vang, có thể lọt thỏm nhưng tôi thanh thản vì Bông Sen không muốn đua tranh thành tích gì ở đây. Tất cả là vì đam mê của các em ấy mà thôi".

Câu chuyện của Bông Sen và chia sẻ của NSƯT Đặng Hùng khiến chúng ta phải suy ngẫm nhiều. Ở các học viện âm nhạc lớn tại Việt Nam bây giờ, có rất nhiều khoa nhạc cụ hiếm (tức hiếm người theo học) mà trong đó, xót xa thay, nhạc cụ dân tộc đều nằm trong dạng hiếm ấy.

Cơ bản, những người muốn theo học sợ rằng họ không có cơ hội tương lai sau này và đã có nhiều người bỏ cây đàn dân tộc để quay sang với nhạc nhẹ kiếm sống mà điển hình là nhạc sỹ Hồ Hoài Anh. Ở hoàn cảnh ấy, rất cần những người dẫn dắt có tấm lòng như NSƯT Đặng Hùng, để lớp trẻ còn điểm tựa niềm tin mà duy trì tinh thần âm nhạc cha ông để lại.
Văn Đoàn
.
.