Là gương thì phải sáng

Thứ Ba, 10/01/2012, 08:00
Từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn thường dẫn ra câu nói giản dị mà chí lý của Bác Hồ: "Muốn xây dựng CNXH trước hết phải có con người XHCN". Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, không phải ai nhắc lại lời dạy này của Bác cũng quán triệt một cách sâu sắc và thực hiện một cách triệt để lời dạy ấy trong thực tế cuộc sống...

Chúng ta đều biết, yếu tố con người là yếu tố cực kỳ quan trọng, gần như quyết định mọi thành bại. Các bậc làm cha làm mẹ có thể sa đà vào việc làm giàu, cốt có của ăn của để cho con cái, song thâm tâm họ vẫn luôn khát thèm một đứa con ăn ở có nghĩa có tình, sống có chí hướng, bởi nếu không như vậy thì rồi mọi thành quả của họ đều đổ xuống sông xuống biển. Đốn củi ba năm thiêu đốt một giờ. Tiền với những đứa con hư hỏng, ăn tàn phá hại thì bao nhiêu cũng ít, chưa kể tiền có thể làm chúng tê liệt ý chí phấn đấu, hủy hoại đạo đức, thậm chí khiến chúng coi khinh đồng loại, mà đến nước ấy thì đúng là đồng tiền đã gieo "mầm họa". Bill Gates là người giàu thuộc dạng nhất nhì thế giới, song trong di chúc, ông cũng chỉ để lại cho con cái một phần nhỏ trong khối tài sản khổng lồ của mình, phần còn lại ông dành cho các hoạt động từ thiện. Nói vậy để thấy, tiền là một yếu tố rất quan trọng nhưng quan trọng hơn cả vẫn là yếu tố con người.

Từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn thường dẫn ra câu nói giản dị mà chí lý của Bác Hồ: "Muốn xây dựng CNXH trước hết phải có con người XHCN". Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, không phải ai nhắc lại lời dạy này của Bác cũng quán triệt một cách sâu sắc và thực hiện một cách triệt để lời dạy ấy trong thực tế cuộc sống. Chính vì lẽ ấy, phát biểu tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI (diễn ra tại Hà Nội ngày 26/12 vừa qua), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải đặt câu hỏi: "Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu? Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà  thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng?". Đây là điều mà người lãnh đạo cao nhất của Đảng thấy "rất day dứt, trăn trở lâu nay" và tại Hội nghị này, ông muốn "Trung ương đi sâu phân tích, mổ xẻ, chỉ ra đúng căn nguyên để có biện pháp chữa trị hữu hiệu".

Theo tôi, đọc toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tổng bí thư, ta có thể thấy, tuy ông nêu câu hỏi vậy song nhiều chỗ, bản thân câu hỏi cũng đã là câu trả lời. Bởi lẽ giản dị ai cũng biết, một quyết sách, dù là đúng đắn đến đâu chăng nữa thì muốn thành công cũng phải có người thực thi.

Trước đây, tôi từng nghe một vị đại biểu Quốc hội thuộc đồng bào dân tộc thiểu số chất vấn rằng, có người nói, "cá không ăn muối cá ươn", vậy nếu muối hỏng, "muối ươn" thì làm thế nào? Tôi hiểu, ý vị đại biểu này muốn nhắc tới những người có chức có quyền, đặc biệt là những người công tác ở các cơ quan bảo vệ pháp luật. Là người đại diện cho Nhà nước, cho pháp luật mà lại có những hành vi vi phạm pháp luật thì người dân biết trông cậy vào đâu?

Chính vì hiểu được căn nguyên như thế mà cũng trong bài phát biểu nhắc tới trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: "Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình…".

Người đời vẫn nói, quét nhà phải quét từ trên xuống. Hãy xem, trong Di chúc của Bác Hồ, điều cần căn dặn trước nhất là Bác dành cho Đảng, cho những người đang cầm quyền chứ không phải là dành cho dân, bởi, như Người từng lo lắng chỉ ra: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ "cộng sản" là ta được yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước".

Lại nói về hai chữ "bắt chước" mà Bác nhắc tới ở trên. Hiện nay, trong thực tế cuộc sống không phải không có ý kiến thắc mắc: Tại sao có những việc quần chúng nhân dân được làm mà người đảng viên không được làm. Có những lỗi xảy ra với người không có chức vụ thì được dư luận "cho qua", mà xảy ra với người giữ cương vị lãnh đạo thì bị dư luận đòi hỏi xử lý nặng. Đơn giản chỉ là, khi anh nhận lãnh trách nhiệm đứng đầu, đại diện cho một đơn vị, tổ chức thì có nghĩa là anh phải sống sao cho xứng với vai trò người đại diện của đơn vị, tổ chức ấy, nghĩa là anh phải gương mẫu, phải là một tấm gương. Mà đã là gương thì phải sáng. Nếu không thì anh đừng nhận lãnh trách nhiệm ấy nữa. Chân lý đơn giản chỉ là vậy

VNCA Xuân Nhâm Thìn
.
.