Kích thước

Thứ Hai, 03/04/2017, 08:01
Một cây dây leo thường hay nhầm lẫn kích thước của nó với chính cái cây cổ thụ mà nó đang bám vào, một anh gác cổng triều đình nhiều khi cứ tưởng mình có quyền uy như một ông vua nên khi gặp các quan địa phương lên kinh, người gác cổng nhiều khi cũng "ngứa miệng" mà quát một cái cho nó oai. 

Rõ rằng làm người đứng trong thiên hạ thì cái oai, cái uy là rất cần, nhưng nên nhớ rằng phải có cái oai, cái uy của mình thì cái oai cái uy đó nó mới thực chất và mới lâu bền. Anh đang làm anh lính gác cổng ở triều đình thì đương nhiên anh không phải là vua rồi, anh phải cộng cả anh và cái danh nơi anh làm việc vào để kiếm cái uy mà đi lòe thiên hạ thì chứng tỏ anh đang thiếu uy rất nhiều, thiếu cái gì thì phải tìm thêm cái ấy.

Chính vì vậy mà khi tiếp xúc với một người nào đó, chúng ta không tội gì mà đi sợ cái xe anh ấy đang đi là xe công hay xe tư, biển xe 80 hay biển xe địa phương, cơ quan anh ấy đang làm là ở địa phương hay ở Trung ương mà hãy nhìn vào chính thực lực của con người mình đang tiếp xúc. Anh làm ở Trung ương không có nghĩa con người anh đang ở tầm Trung ương, còn tôi làm việc ở địa phương không có nghĩa là con người tôi đang ở tầm địa phương nhỏ hẹp.

Anh là một nhà văn nổi tiếng thì dù anh đang công tác ở một Hội văn học nghệ thuật địa phương vùng sâu vùng xa, thậm chí anh chỉ ở nhà riêng của mình trên núi để sáng tác thì anh vẫn nổi tiếng như thường. Còn văn anh đã không hay thì nếu anh có may mắn làm việc ở một tờ báo Trung ương thì giá trị thực của anh cũng chỉ nho nhỏ xinh xinh mà thôi và cái uy, cái danh của anh trong làng văn vẫn cứ là ở tầm "bé mọn".

Thực tế đã chứng minh điều đó rất nhiều, đơn cử là trong các cuộc thi truyện ngắn, thơ trên các tờ báo lớn thời gian gần đây, đã có không ít những cây viết ở vùng sâu vùng xa ẵm được những giải thưởng cao, còn những cây viết ở Thủ đô vẫn cứ "nhường" hết lượt này đến lượt khác. 

Trong cuộc sống thường ngày chúng ta đã được chứng kiến quá nhiều người bỏ công ra để kiếm cái danh hão và cuối cùng phải trả giá cho chính việc mình làm, điển hình là trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh gần đây, vụ việc bắt đầu cũng là từ chiếc xe riêng gắn biển xe công.

Trong khi đó nhà nước đã có quy định rõ ràng rằng trừ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, cấp Phó Chủ tịch tỉnh tại các địa phương khác không được hưởng chế độ xe công đưa đón từ nhà đến nơi làm việc, chế độ xe công đưa đón cho Phó Chủ tịch tỉnh chỉ áp dụng với trường hợp đi công tác. Quy định này chắc chắn rằng ông Trịnh Xuân Thanh nắm rõ nhưng cũng vì để tăng thêm độ oai, oách, và muốn ngồi trên cả pháp luật, ông ấy đã đề nghị lắp biển xe công vào biển xe tư để đi làm.

Từ hành động cộng thêm chiếc biển xanh của xe ôtô vào chức danh Phó Chủ tịch tỉnh của mình, người đời dễ dàng nhận ra tầm của ông đang ở đâu so với cái chức danh ông đang nắm giữ.

Thế mới biết rằng, thân cây dây leo thì mãi chỉ là dây leo mềm yếu, bám víu vào thân cây cổ thụ chứ làm sao trở thành cây cổ thụ được.

Thói mượn "oai hùm" vẫn diễn ra hằng ngày.

Nguyễn Tam Hà
.
.