Không thể là màu xám

Thứ Sáu, 08/07/2016, 07:30
Patrick Commecy là một nghệ sĩ Pháp. Một ngày kia, sau khi nhìn những bức graffiti trên phố, ông chợt bị thôi thúc bởi việc phải làm điều gì đó cho nơi mình sống, và cả những nơi mình đi qua. Và ông đã lựa chọn đúng sở trường của mình để thực hiện thôi thúc đó...


Ấy là hội họa, với những mảng màu, hình khối…, những thứ mà Commecy tin chắc rằng sẽ lấp đầy những mảng tường màu xám xịt, khô khốc và tạo ra một luồng sinh khí tươi sáng hơn cho những góc phố. Với ông, nó sẽ khơi gợi cảm thức lạc quan của mỗi cư dân, khi người ta rảo bộ ngang qua những bức tường rực rỡ kia, với một cảm hứng được truyền tải từ chính người nghệ sĩ.

Commecy đã thực hiện dự án của mình suốt nhiều năm, ở rất nhiều nơi. Ông đã xuống Cannes, đã đến Lyon, đã đến Loire và bây giờ, ông đang ở Vienna, thủ đô của Áo. Không lựa chọn lối biểu đạt của thế hệ trẻ qua những bức graffiti kiểu pop-art và đậm màu sắc ẩn lưu (underground), những bích hoạ phẩm của Commecy được thể hiện bằng nhiều bút pháp, theo các trường phái khác nhau mà cơ bản là chúng phải phù hợp với bối cảnh chung của cả khu phố. Những mảng tường xám xịt đã không còn nữa dưới bàn tay của Commecy. Thay vào đó là những bích họa hoành tráng, khiến cư dân mãn nhãn và du khách bị cuốn hút không ngờ.

Cách làm của Commecy không phải là mới, và cũng không phải duy nhất bởi rất nhiều nghệ sĩ trên thế giới đều có cùng một thôi thúc như ông. Với họ, đời sống không thể là màu xám, và mỗi nơi họ sống, họ đi qua, cần phải được phủ lên những màu sắc “nhảy múa” thay vì màu công nghiệp xám xịt của bê tông.

Ở TP Hồ Chí Minh, trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, tại tòa Tổng lãnh sự quán Đức có một bức bích họa kiểu graffiti đã xuất hiện từ rất lâu. Nó là một bức tranh thể hiện được sự đan xen giữa văn hóa Đức và văn hóa Việt Nam. Và mỗi khi đi ngang qua đó, mọi người đều bị nó cuốn hút bởi nó mang lại cho tất cả sự mềm mại của đời sống, nhất là khi họ đang vất vả trong mưu sinh, mệt mỏi giữa những khối và ô đầy tính công nghiệp của đô thị.

Nhiều con ngõ nhỏ ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, các bích hoạ đã bắt đầu xuất hiện như thế, tạo điểm nhấn đẹp và cũng khiến du khách phải cảm thấy bất ngờ thú vị về chúng.

Cách đây mấy hôm, có một đoạn video ngắn được đưa lên internet mô tả dự án “bích hoạ hóa” làng chài thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Cả một thôn đã trở nên sinh động hơn hẳn khi những nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc cùng tham gia vào một dự án “thay áo mới” cho diện mạo của làng chài. Rất nhiều người đã tỏ ra ngỡ ngàng với vẻ đẹp của làng chài ấy sau khi các nghệ sĩ thị giác đã bỏ công sức chăm chút tạo nên những tác phẩm bích họa ở đó. Và nhiều người đã mong ước rằng, ở nơi họ sống cũng sẽ có những bích hoạ đẹp như thế trong tương lai.

Điều đó khiến chúng ta nghĩ đến một nhiệm vụ mà ngành văn hóa có lẽ nên quan tâm đặc biệt là phải làm “mềm hóa” đô thị bằng những dự án nghệ thuật cộng đồng giàu ý nghĩa tương tự. Cách làm đẹp cảnh quan công cộng bằng hội họa ấy sẽ giúp các đô thị của Việt Nam có một diện mạo chứng tỏ chúng ta bắt kịp với xu hướng của thế giới. Và hơn thế nữa, tạo ra những điểm nhấn văn hóa sắc nét để thu hút khách du lịch.

Nên nhớ rằng, du lịch không chỉ là tham quan và hưởng thụ. Nó còn bao hàm cả sự tìm hiểu đời sống, mặt bằng văn hóa của địa phương mà du khách đặt chân tới. Không có gì tuyệt vời hơn nếu các đô thị của Việt Nam không còn bị xám hóa bởi bê tông, không còn các mảng màu đơn điệu nhàm chán mà thay vào đó là những bích họa thể hiện được óc thẩm mỹ, tài năng của nghệ sỹ Việt, đồng thời là tầm nhìn văn hóa của ngành du lịch, của quy hoạch đô thị.

Trong lúc chúng ta hằng năm đầu tư khá nhiều tiền cho những dự án văn hóa vô bổ thì vẫn còn nguyên những mảng xám đô thị như thế. Trong khi đó, hoạ sĩ Việt thì vẫn bế tắc trong câu hỏi luẩn quẩn để sống rằng “làm thế nào để bán được tranh?”.

Đời sống không thể là màu xám, mỗi thành phố một nhóm hoạ sĩ có thể là dự án đáng thực hiện hay chưa?

Câu hỏi ấy, có lẽ cần được trả lời bằng hành động. 

Văn Đoàn
.
.