Không có trường phái viết văn Nguyễn Du!

Thứ Bảy, 16/09/2017, 08:01
Mới đây, nhà văn - PGS-TS Văn Giá cho tôi biết, anh và một số nhà văn đang đề nghị cấp trên cho lấy lại tên ngôi trường xưa vì thực chất cho đến nay, đây vẫn là ngôi trường đào tạo nghề viết văn. “Vậy phải chăng Trường Viết văn Nguyễn Du là trường đào tạo các tài năng văn chương đương đại?” - Tôi hỏi vui PGS-TS Văn Giá trong một cuộc rượu.

Có khá nhiều nhà văn tên tuổi của nền văn học đương đại Việt Nam hôm nay đã từng học qua Trường Viết văn Nguyễn Du. Sau 25 năm hoạt động, từ năm 2004, Trường Viết văn Nguyễn Du chuyển thành Khoa Sáng tác, lý luận phê bình văn học và mới đây đổi tên là Khoa Báo chí và Viết văn của Trường Đại học Văn hóa.

Có thời gian, khá bất ngờ về chuyện PGS-TS Văn Giá (chủ nhiệm Khoa Sáng tác - lý luận, phê bình văn học Trường Đại học Văn hóa) bán ôtô con, chuyển sang đi xe đạp, tôi hỏi vui ông: “Chắc Trường Viết văn Nguyễn Du lại có thêm nhiều mô hình đào tạo mới, nên ông phải chuyển sang môn đua xe đạp đường trường theo kiểu việt dã cho săn gân, chắc gối để phục vụ cho công cuộc đào tạo các tài năng văn chương và báo chí của trường chăng?”.

Văn Giá tươi cười, giãi bày về chuyện “Em không may mua phải chiếc ôtô Matiz cũ rất tậm tịt, “năm ngày bảy tật”, lương tiến sĩ “còm” không nuôi nổi ôtô nên em đành phải bán đi, mua chiếc xe đạp “xịn” này, ngày mấy buổi đến trường và đi dạy thêm, đời vẫn phơi phới, bác nhé!”. Nhìn Văn Giá vô tư với mái tóc xoăn tít, gò lưng, nhổm mông đạp xe, len lỏi thoăn thoắt giữa biển người đông nghẹt vào giờ tan tầm mới thấy đời văn hồn nhiên của anh nhiều lúc cũng vui đáo để!

Rồi mới đây, tôi lại khá bất ngờ khi thấy PGS-TS Văn Giá “cưỡi” một chiếc ôtô khá mới, tôi biết anh lại quyết tâm “đổi đời” từ xe đạp lên xe bốn bánh thêm lần nữa. Anh bảo vợ chồng anh phải cố tằn tiện, chắt bóp để có chiếc xe tháng đôi lần về quê nội, quê ngoại và đi giảng dạy ở ngoại tỉnh khi có lời mời. Hôm khánh thành ngôi nhà cao tầng mới được xây dựng lại trên cái nền cũ của Trường Viết văn Nguyễn Du ngày xưa, Trưởng khoa Văn Giá mời bạn hữu văn chương đến chia vui.

Văn Giá tươi tỉnh chia sẻ với bạn bè: “Khi mua chiếc xe này, mình nợ cả mấy trăm triệu đồng vay của bên ngoại, bên nội, đành phải chịu khó còng lưng “chạy sô” đi giảng thuê trong Nam ngoài Bắc, phải “ăn dè hà tiện”, dành dụm được đồng nào trả nợ hết ráo, có khi ngồi trên chiếc xe mới này mà túi chỉ còn vài đồng bạc mua xăng, thế có khổ thân tôi không chứ!”.

Nhà văn, PGS-TS Văn Giá.

Những năm qua, tôi được Khoa Sáng tác, lý luận phê bình mời giảng dạy một số buổi về kỹ năng sáng tác - lý luận phê bình thơ và tham gia chấm điểm cho những bài sáng tác của sinh viên và các học viên của các lớp thẩm bình và sáng tác văn chương.

Có thể nói, được hòa mình vào không gian văn chương với những người viết văn ở ngôi trường này quả là một trải nghiệm đầy thú vị và có tính khám phá khi anh phải cố gắng truyền thụ những kinh nghiệm trong đời viết văn của mình và lắng nghe những giãi bày, cảm xúc của lớp người viết trẻ đang đến với những trang văn đầu đời. Ngôi trường này quả là một môi trường trong lành và lý tưởng để phát hiện, bồi dưỡng những tài năng văn chương trẻ.

Mới đây, nhà văn - PGS-TS Văn Giá cho tôi biết, anh và một số nhà văn đang đề nghị cấp trên cho lấy lại tên ngôi trường xưa vì thực chất cho đến nay, đây vẫn là ngôi trường đào tạo nghề viết văn. “Vậy phải chăng Trường Viết văn Nguyễn Du là trường đào tạo các tài năng văn chương đương đại?” - Tôi hỏi vui PGS-TS Văn Giá trong một cuộc rượu.

Cảnh giác trước câu hỏi “thăm dò” này, anh khiêm tốn: “Có lẽ không phải vậy, đây là ngôi trường đào tạo ra những người làm nghề viết văn và trong số đó một số người trở thành các nhà văn và trong số các nhà văn, có một số người trở thành các tài năng văn học. Năm 1979 thành lập trường, hầu hết các học viên đều là các nhà văn đã đi qua chiến tranh và trở về thực hiện ước mơ của mình dưới mái trường đại học. Từ khóa I đến khóa V, có khá nhiều nhà văn đã thành danh mới vào trường để tu nghiệp, tiếp tục khẳng định uy tín và tên tuổi của mình trong đời sống văn học Việt Nam. Vì thế, đây không phải là nơi đào tạo các tài năng văn chương mà chỉ là nơi đào tạo ra những người làm nghề viết văn. Trường này cung cấp tri thức nền và kỹ năng lao động viết văn cho người viết. Còn chuyện họ có trở thành các nhà văn hay không là tùy thuộc vào tài năng của họ.

Theo tôi, trên thế giới không có một ngôi trường nào đào tạo ra các tài năng văn chương cả, kể cả Trường Viết văn M.Gorky (Liên bang Nga) cũng chỉ đào tạo ra những người làm nghề viết văn”. Một câu trả lời rõ ràng là khiêm tốn mà không kém phần tự hào về ngôi trường này.

Được biết, hơn mấy chục năm qua, trong số các học viên đã tốt nghiệp ở Trường Viết văn Nguyễn Du, đến nay có hơn 50% trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có 20 người đã nhận được các giải thưởng văn học có giá trị cao hằng năm của Hội Nhà văn và 40 người đoạt giải trong các cuộc thi sáng tác văn học của các tờ báo lớn…

Hầu hết các nhà văn tốt nghiệp ở Trường Viết văn Nguyễn Du hiện đang là lực lượng nòng cốt trong các cơ quan văn học nghệ thuật, các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Tiêu biểu như các nhà văn: Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Nguyễn Đức Mậu, Ngô Thị Kim Cúc, Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Trọng Tạo, Tạ Duy Anh, Phạm Khải, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Bình Phương…

Dưới đây là cuộc trò chuyện của tôi với PGS-TS Văn Giá về ngôi trường đào tạo nghề viết văn nói trên.

Nguyễn Việt Chiến: - Nhiều nhà văn tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du đã giành được những giải thưởng văn học lớn của đất nước trong những thập niên qua. Vậy theo anh, ngôi trường này có là một môi trường sáng tạo nghệ thuật, một “cái nôi” cho quá trình thai nghén, sáng tác văn chương của họ?

PGS-TS Văn Giá: + Về vấn đề này, tôi không dám khẳng định, nhưng có một số điểm chung như sau: Tất cả các học viên thành danh sau khi rời Trường Viết văn Nguyễn Du đều cho rằng, quãng thời gian tu nghiệp ở trường là hết sức quan trọng trong cuộc đời sáng tác của họ, vì vào đây họ được kích thích sáng tạo, nảy nở ý tưởng, được trang bị tri thức, được cọ xát, được thai nghén tác phẩm…

Ví dụ điển hình nhất như tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh đã được hoàn thành trong lúc anh học tại trường; hoặc như tác phẩm “Bước qua lời nguyền” của nhà văn Tạ Duy Anh cũng đã được viết trong thời gian học tại trường. Về thơ thì có Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Bình Phương… những giọng thơ rất riêng và độc đáo.

Và tất cả những nhà văn đã học qua Trường Viết văn Nguyễn Du đều biết ơn những người thầy đã trực tiếp “truyền lửa”, trang bị tri thức cho họ như các nhà trí thức, nhà văn hóa hàng đầu của đất nước từng tham gia giảng dạy ở đây, như: Đặng Thai Mai, Trần Quốc Vượng, Từ Chi, Phan Huy Lê, Đặng Nghiêm Vạn, Phan Ngọc, Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Phương Lựu, Phạm Vĩnh Cư, Trần Đình Sử… và các nhà văn nổi tiếng như: Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Xuân Diệu, Huy Cận, Kim Lân, Bùi Hiển, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu… cùng nhiều tên tuổi khác. Trường Viết văn Nguyễn Du đã có bước đột phá trong giảng dạy khi cung cấp, trang bị cho các nhà văn cái họ cần khi làm nghề viết văn chứ không chỉ cung cấp tri thức đại học.

- Vậy trong sáng tác văn chương của các nhà văn đã tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du có mang một dấu ấn phong cách sáng tạo nghệ thuật văn học riêng của trường theo kiểu “một trường phái viết văn Nguyễn Du” không, thưa anh?

+ Theo tôi nghĩ không có chuyện này, bởi vì nếu có thì đấy là điều nguy hiểm bởi vì đấy là sự giống nhau. Bởi Trường Viết văn Nguyễn Du này làm một nhiệm vụ rất quan trọng là đánh thức cá tính nhà văn và để cuối cùng, mỗi cá thể sáng tạo tự khẳng định “mình là ai và là thế nào”. Trường Viết văn Nguyễn Du cố gắng duy trì cá tính của các tài năng, những cá tính sáng tạo riêng biệt chứ không hình thành phong cách chung.

- Nếu thế thì đặc thù đào tạo của Trường Viết văn Nguyễn Du là gì?

+ Đặc thù đào tạo của Trường Viết văn Nguyễn Du là hình thành trong tư cách nghệ sĩ một tư cách trí thức coi trọng học vấn, coi trọng tư thế phản biện đời sống, phản biện xã hội. Theo tôi, một văn nghệ sĩ lớn phải luôn luôn được bảo hiểm bằng tư cách trí thức, tư cách trí thức này không chỉ do đào tạo mà thành mà còn do tự đào tạo mà thành.

- Được biết, từ năm 2004, Trường này không còn mang tên Nguyễn Du nữa mà trở thành Khoa Sáng tác và lý luận, phê bình văn học và nay là Khoa Báo chí - Viết văn của Trường Đại học Văn hóa, vậy có thay đổi gì về mô hình đào tạo?

+ Hiện nay đội ngũ những người đã cầm bút ngày càng hiếm những người thi vào đây. Vì thế phần lớn học viên của trường hiện nay là các em học sinh tốt nghiệp phổ thông có năng khiếu văn học. Trước đây, từ khóa I đến khóa V, chủ yếu Trường Viết văn Nguyễn Du đi “chiêu hiền đãi sĩ” về học, còn từ khóa VI đến nay, trường tuyển theo cách: nộp tác phẩm sơ tuyển và thi tuyển đại học.

Vậy chủ yếu hiện nay là chọn năng khiếu văn học của học sinh phổ thông và các em chưa phải là những người đã viết và có thành tựu. Các học viên hôm nay phải chấp nhận phần cứng của nền giáo dục đại học. Do đào tạo từ năng khiếu nên công việc đào tạo hôm nay của chúng tôi rất vất vả. Sắp tới, chúng tôi sẽ còn đa dạng hóa các loại hình đào tạo “sáng tác văn học” ngắn hạn và dài hạn cho những người có nhu cầu viết văn như các lớp: kỹ năng viết truyện ngắn, kỹ năng viết thơ, kỹ năng viết hồi ký, kỹ năng viết tiểu thuyết… khi ra trường có chứng chỉ, có bằng tùy loại hình đào tạo.

Nguyễn Việt Chiến
.
.