Không chỉ là câu chuyện về một vùng đất

Thứ Hai, 04/04/2016, 08:00
Đọc “Hai tuyến cờ một thời để nhớ”, tập truyện ký của Văn Phan, NXB Công an nhân dân, 2016


Sau Hiệp định Paris năm 1973, nhà văn Văn Phan cùng một số văn nghệ sĩ đi thực tế tại vùng mới giải phóng Quảng Trị. Chuyến đi đã giúp ông viết cuốn truyện “Làng chốt” (xuất bản năm 1990). Thế nhưng, hẳn rằng ấn tượng và tư liệu từ chuyến đi vẫn chưa nguôi ngoai trong ông, nên trong nhiều năm ông ấp ủ viết lại chuyện Quảng Trị năm 1973, không phải theo cách hư cấu, mà là sự thật, một sự thật được ghi chép nhìn ngắm cẩn trọng bằng con mắt nhà văn hay chiêm nghiệm.

Vốn sống của ông, những thời khắc lịch sử ông có may mắn chứng kiến, nó là vốn quý mà khi nào đó ông cần chia sẻ, để ít ra những bạn đọc quan tâm đến lịch sử có cơ hội nhìn cận kề hơn về quá khứ của quê hương mình. Ấp ủ nhiều năm, mãi năm 2014, tham gia trại viết ở Đà Lạt, ông mới thực sự hoàn tất cuốn sách “Hai tuyến cờ một thời để nhớ”.

Đấy là những câu chuyện thật được kể bằng giọng trầm tĩnh tỉ mỉ, và chính vì vậy nó đã khắc họa một cách sâu đậm người và đất Quảng Trị sau chiến tranh. Đất Quảng Trị, từ hai bờ sông Bến Hải tới bờ Thạch Hãn, từ Cam Lộ, Đông Hà tới đồng bằng Triệu Phong “tiêu điều xơ xác. Tro xám đồng hoang bạt ngàn”. Những làng mạc ngàn đời đã biến mất, những nhà gỗ nhà rường đã thành hầm hào, công sự. Nhưng con người mới làm ta sửng sốt.

Ngưng tiếng súng, người ta không mừng vì mình còn sống, mà mừng vì mồ mả cha ông không sứt mẻ dù bom đạn mịt mùng! Ở xứ sở đau thương thường tình đến nỗi người ta kể nỗi mất mát của mình mà như kể chuyện người khác. Ngưng chiến thì dựng lại nhà, lại ra đồng cày cấy, lại thấy tương lai đã rực rỡ trước mắt dù bữa nay ăn đói, mặc rách. Ngưng chiến, người mới hôm qua ở hàng ngũ kẻ thù hôm nay về chung sống…

Ngổn ngang rất nhiều câu chuyện của rất nhiều con người. Những câu chuyện đặc trưng Việt Nam trong chiến tranh: cô nữ du kích đi cắm cờ giữ đất sau Hiệp định Paris có người chồng cầm súng ở phía bên kia; anh cán bộ tập kết từ Bắc về nói chuyện đứa con đi lính dù chết trận… “những người dân nữ và nam số phận trớ trêu đã bị quăng quật giữa thời cuộc như chiếc lá giữa cuồng phong. Tất cả những thân phận đó sẽ về làng chung sống trong hòa hợp dân tộc như thế nào?”. Câu hỏi ở thời khắc ngưng chiến ở Quảng Trị, và là câu hỏi cho Việt Nam, có lẽ còn khắc khoải dài lâu…

Cuốn sách của nhà văn Văn Phan còn giúp người đọc thấy lại hình ảnh của một người Quảng Trị “đặc trưng”, đó là nhà văn Lê Tri Kỷ - nhà văn đầu tiên của lực lượng Công an được truy tặng Giải thưởng Nhà nước. Lê Tri Kỷ đã mang hình bóng quê hương vào nhiều trang văn của chính ông. Trong cuốn sách này, qua ký ức của Văn Phan, ông càng đáng kính. Và cả “đáng thương”, như những số phận Quảng Trị ở thời khắc ấy. Cuốn truyện ký “Hai tuyến cờ một thời để nhớ” như một lời nhắc nhớ về quá khứ bi hùng, không phải chỉ của một vùng đất, mà là của đất nước. Nhớ, để trân quý hơn hiện tại của chúng ta, và để biết vượt qua, vì điều khó khăn nhất cha ông ta đã vượt qua, trong lịch sử… 

Trần Thanh Hà
.
.