Khởi thủy là niềm tin

Thứ Tư, 28/12/2005, 09:30

Ai đó đã nhận xét đúng: Nhà văn có thể chưa hẳn là người chỉ ra chân lý, nhưng là người biết hướng con người đi đến gần chân lý.

Trước đây, tôi từng được nghe anh em làng văn nghệ kể lại câu chuyện khá đặc biệt giữa một nhà văn lão thành và hai nhà văn trẻ. “Xung đột” xảy ra trong một cuộc tao ngộ có đủ rượu bia và thức nhắm. Dường như khi hơi men đã bốc (và chẳng còn gì để “nhắm” nữa), một trong hai nhà văn trẻ quay ra thóa mạ cả nền văn học của dân tộc kể từ sau Cách mạng Tháng Tám. Chỉ vào nhà văn lão thành - mà họ xem là một trong những đại diện cho văn học thời kỳ ấy, cả trên cương vị lãnh đạo lẫn thành tựu sáng tác - hai nhà văn trẻ thét lên: “Tất cả các anh đều là bồi bút, là những kẻ cơ hội”.

Bằng vào sự lịch lãm vốn có của mình, nhà văn đàn anh đã ngăn sự quá khích ấy lại bằng một giọng ôn tồn: “Không biết các anh quan niệm như thế nào, chứ theo tôi nghĩ: trừ phi người ta đặt bút viết những gì mà mình không tin; còn một khi người ta viết bằng tất cả niềm tin chất chứa trong tâm hồn mình, sao lại có thể gọi là bồi bút, là cơ hội?”. Nghe đâu sau câu nói ấy, cả hai nhà văn trẻ nọ đều... im bặt.

Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể rút ra một bài học bổ ích: Nhà văn chỉ được quyền viết những gì mà lương tâm mình cho phép. Viết - với một niềm tin.

Ai đó đã nhận xét đúng: Nhà văn có thể chưa hẳn là người chỉ ra chân lý, nhưng là người biết hướng con người đi đến gần chân lý. Lịch sử văn học mấy mươi thế kỷ đã cho thấy: Các nhà văn nhiều khi cũng phạm phải không ít những sai lầm, trong đó có thể có những sai phạm mà họ phải trả giá bằng cả cuộc đời. Nhưng thực tế, bằng trái tim biết hướng tới nhân quần, biết đồng cảm sẻ chia, biết hướng tới chân - thiện - mỹ, họ đã được hậu thế “giải án” và các tác phẩm ưu tú của họ vẫn luôn ngời chói, được độc giả yêu mến, trân trọng. Có thể nói, đó là sản phẩm của sự tâm huyết, của lòng nhiệt thành, của một niềm tin... dù niềm tin ấy không phải không có khi sai lạc. Điều này, trông vào hầu hết các tác phẩm cổ điển còn tồn tại cũng như qua một số tác phẩm nảy sinh trong hai cuộc kháng chiến đến nay vẫn còn dư sức sống, ta có thể nhận thấy rất rõ.

Tiếc thay, cũng có một vài nhà văn, dường như đối với họ mọi thứ đều có thể dễ dàng cởi bỏ. Như con kỳ nhông, họ sẵn sàng khoác bộ vỏ khác màu đặng mà thích nghi với môi trường mới. Vừa đó, họ sám hối về những lỗi lầm của mình một cách thật thống thiết, tưởng bóc gan bóc ruột mà nói, ấy vậy mà vào thời vận đổi khác, họ liền quay ngoắt ra “sám hối lại lời sám hối của mình”. Những người đó - nói như cụ Nguyễn Du - thực sự là những kẻ “nói lời rồi lại ăn lời được ngay”, là những kẻ đích thực cơ hội. Thật ra, họ chỉ cần tận hưởng cái “nhất thời”. Nếu thời thế đổi thay họ lại tùy cơ ứng biến. Đối với họ, quá khứ nhẹ tênh mà tương lai thì xa lơ xa lắc, đều là những cái họ không bận tâm lắm. Trong khi, thử xem trước kia, thế hệ các nhà văn tiền chiến đi theo cách mạng đã phải trăn trở, phải “lột xác” đau đớn như thế nào. Nói như Chế Lan Viên “Chờ đến được lúa vàng đất mật / Phải trên lòng bao trận gió mưa qua”.

Chúng ta có các nhà văn lớn cả về tài năng và nhân cách. Chúng ta có hồi ký, có di cảo thơ của nhà văn, nhà thơ này, có di bút của nhà phê bình kia - những “tiếng hát con thiên nga” trước khi chết. Nhưng chúng ta vẫn thèm làm sao một tư cách của Phađêép, nhà văn lớn của Liên Xô (cũ), con người mà với lá thư tuyệt mệnh đã cất cao tiếng nói trung thực, khẳng khái của mình trước một số người còn đầy uy lực.  Tiếng nói của Phađêép có tính chất và ý nghĩa khác hẳn so với những ý kiến kiểu “dậu đổ bìm leo”.

Viết - với một niềm tin. Có lẽ chưa bao giờ các nhà văn phải đương đầu với nhiều biến cố buộc mỗi người phải tự mà thức tỉnh, mà suy ngẫm. Làm sao đây để có một chính kiến đúng, có khả năng vững chãi tồn tại giữa những tháng năm này. Những năm tháng chúng ta làm cuộc cách mạng lớn lao, đổi mới tư duy và qua đó nhiều vấn đề tưởng là cơ bản bỗng dưng phải nhìn nhận lại. Ngay đến mục tiêu phấn đấu của xã hội, thay bằng những khẩu hiệu lớn lao kỳ vĩ, Đảng và Nhà nước ta đã dần dần thay thế bằng một khẩu hiệu vừa thiết thực mà lại có sức thuyết phục hơn cả: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Riêng về định hướng sáng tác, tôi rất tâm đắc với câu thơ của ai đó:  Tôi đứng về phe nước mắt. Vậy đó, thật giản dị, muôn đời là như vậy. Ở đâu có nước mắt, ở đó cần có văn học đứng lên chở che, an ủi. Tôi đứng về phe nước mắt - ấy chính là chức năng của văn học, là chủ nghĩa nhân văn chân chính.

Bunhin, nhà văn Nga đầu tiên đoạt giải Nôben đã viết một câu nổi tiếng: “Dẫu có buồn trong thế giới này khó hiểu, thế giới này vẫn đẹp”. Lòng tin vào cuộc đời, vào con người, dù ở tình thế nào cũng chính là động lực để nhà văn tạo dựng nên những trang văn thấm nhuần tinh thần nhân ái, cao cả, những trang văn như ngọn lửa sưởi ấm lòng người, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác...

Viết - với một niềm tin

.
.