Khi văn hóa là một ngành công nghiệp

Thứ Năm, 09/11/2017, 08:14
Sau khi Vin Group tham gia vào phát triển nghệ thuật bằng việc khánh thành Trung tâm nghệ thuật đương đại ở Hà Nội, với triển lãm "Ghép" được giám tuyển kỹ lưỡng, kết hợp giữa tên tuổi lớn - họa sĩ Lưu Công Nhân - với những nghệ sỹ Graffiti đương đại, "chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển là doanh nhân thứ hai dấn thân vào mảng thị trường nghệ thuật đầy khó khăn này...


Nhưng khác với sự thành công bước đầu mà Vin Group có được, Tập đoàn Tuần Châu đã gặp biến cố với lùm xùm xoay quanh 2 vở diễn thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam có tên "Thuở ấy xứ Đoài" và "Tinh hoa Bắc Bộ".

Đầu tiên, Tập đoàn Tuần Châu đặt hàng đạo diễn Việt Tú dàn dựng vở diễn có tên "Thuở ấy xứ Đoài", một vở diễn sân khấu thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam, với bối cảnh tự nhiên ở chùa Thầy, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội.

Với kỳ vọng vở diễn sẽ có đời sống kéo dài từ 5-10 năm, Tập đoàn Tuần Châu đã mạnh tay đầu tư hàng trăm tỷ và bản thân đạo diễn Việt Tú cũng bộc lộ tham vọng sáng tạo của mình khi miệt mài thuyết phục gần 200 bà con địa phương tham gia trong vai trò diễn viên. Vở diễn ra mắt vào tháng 6-2017, tạo được nhiều ấn tượng tích cực đối với khán giả nhưng rốt cuộc, nó đã không sống được 5-10 năm như mong muốn của nhà đầu tư mà đã bị khai tử, song song với việc Tập đoàn Tuần Châu cắt đứt hợp đồng với Việt Tú.

Thay thế cho "Thuở ấy xứ Đoài" là "Tinh hoa Bắc Bộ", một vở diễn sân khấu thực cảnh khác, cũng tại địa điểm kể trên, với đạo diễn Hoàng Công Nam. Và khi "Tinh hoa Bắc Bộ" ra mắt, những tranh cãi đã nổ ra giữa Tập đoàn Tuần Châu và cá nhân đạo diễn Việt Tú. Trong tranh cãi đó, chúng ta bỏ qua chuyện đền bù hợp đồng hoặc chi phí thù lao còn tồn đọng giữa hai bên, bởi đó là quan hệ dân sự, chưa thoả mãn thì kéo nhau ra toà. Điều chúng ta quan tâm hơn là sự rạch ròi trong chuyện sở hữu ý tưởng, bản quyền của "Thuở ấy xứ Đoài".

Theo thông tin được các bên đưa ra, từ giữa năm 2016, công ty riêng của đạo diễn Việt Tú đã đăng ký bản quyền kịch bản "Thuở ấy xứ Đoài" tại Cục Bản quyền và sau đó, phía Tập đoàn Tuần Châu cũng có công văn đăng ký bản quyền cho kịch bản "Tinh hoa Bắc Bộ". Phía Cục Bản quyền cũng khẳng định, hai vở này là hai kịch bản khác nhau hoàn toàn.

Vấn đề gây tranh cãi chỉ nằm ở phần thiết kế sân khấu, bởi dù là sân khấu thực cảnh nhưng vẫn có những sắp xếp có ý đồ của đạo diễn. Việt Tú cho rằng "Tinh hoa Bắc Bộ" sử dụng 100% thiết kế sân khấu của "Thuở ấy xứ Đoài" trong khi phía Tập đoàn Tuần Châu lại khẳng định sân khấu là do họ đầu tư nên họ có toàn quyền sử dụng.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu đạo diễn Việt Tú có quên việc đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký quyền tác giả cho phần thiết kế sân khấu của mình hay không? Nếu Việt Tú quên việc đó, rõ ràng, đứng trước tranh chấp pháp lý, anh không có cơ sở để "kết tội". Còn về phía Tập đoàn Tuần Châu, ở cương vị nhà sản xuất, nhà đầu tư, họ đã đăng ký bản quyền tổng thể vở diễn, bao gồm từ thiết kế sân khấu cho tới nội dung trình diễn hay chưa?

Nên nhớ, Việt Tú có thể sở hữu quyền tác giả, một quyền không thể tranh cãi, nhưng về bản quyền tổng thể vở diễn, nó phải nằm trong tay nhà sản xuất. Điều này cũng giống như nhạc sỹ giữ quyền nhân thân (quyền tác giả) với ca khúc của mình nhưng bản quyền bản ghi âm thì lại nằm trong tay hãng đĩa nếu hãng đĩa đầu tư sản xuất, phát hành và đăng ký sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, câu chuyện này còn làm bật ra một điểm rất đáng lưu ý ở thời đại mà sự tham gia đầu tư tư nhân vào văn hoá nghệ thuật ngày càng mạnh mẽ này. Đó chính là việc đơn phương chấm dứt hợp đồng là một việc hoàn toàn bình thường (tất nhiên phải đi kèm với các bồi thường theo cam kết).

Đơn giản, như ở trường hợp của hai vở diễn kể trên, Tập đoàn Tuần Châu là nhà đầu tư chứ không phải đơn vị tài trợ. Và đã đầu tư thì phải có lãi. Nhà đầu tư phân tích thấy không có lãi, hoặc linh cảm rằng vở diễn không thể mang lại lợi nhuận (kể cả là linh cảm sai), họ có quyền chấm dứt hợp đồng. Chuyện hay-dở lại là chuyện khác bởi lúc này nó không còn là chuyện nghệ thuật đơn thuần nữa rồi.

Văn Đoàn
.
.