Khi hai chữ thực tế bị lạm dụng

Thứ Năm, 04/08/2016, 15:39
Mới chỉ hơn một tuần trước thôi, báo chí ồn ào về chương trình truyền hình thực tế có tên "The Face" (Gương mặt thương hiệu), với những phân tích xoay quanh mối quan hệ Phạm Hương - Hồ Ngọc Hà - Lan Khuê. Hoa hậu Phạm Hương đã bị chỉ trích rất nhiều, với hàm ý cho rằng cô "ác ý" loại thí sinh của Lan Khuê theo kiểu "bắn tỉa" để tiêu diệt dần đối thủ cạnh tranh trong cuộc thi. 


Song song đó, cũng có ý kiến chỉ trích rằng khi Lan Khuê khóc vì uất ức khi thấy thí sinh trong đội của mình bị loại chỉ là màn kịch vụng về. Và Hồ Ngọc Hà cũng lập tức lên tiếng bảo vệ Lan Khuê, cách lên tiếng đủ để cộng đồng nghĩ rằng đang có một cuộc chiến thực sự ở chương trình THTT này giữa một bên là Phạm Hương và phía bên kia là Hồ Ngọc Hà - Lan Khuê.

Ấy vậy mà chỉ một tuần sau, khi Hồ Ngọc Hà tổ chức live concert "Love Song" tại Hà Nội, công chúng đã được thấy cả sự góp mặt của Lan Khuê lẫn Phạm Hương ở đó, tươi cười rạng rỡ, thân thiết như chưa có chuyện gì xảy ra. Thậm chí, cả 3 giám khảo còn cùng chụp hình chung với sự đoàn kết hơn bao giờ hết. Những hình ảnh ấy rất đẹp nhưng nó không thể không khiến nhiều người băn khoăn rằng liệu nó là thực tế, hay chính những gì ở chương trình "The Face" mới là thực tế?

Cái nào là thực, cái nào là giả, chỉ có họ mới biết với nhau và tất cả chúng ta chẳng ai mong rằng giữa họ tồn tại một mâu thuẫn nào cả. Chỉ những kẻ hẹp hòi mới thích nhìn thấy người khác bất hòa với nhau, đặc biệt là những người chẳng có ảnh hưởng, liên quan gì đến đời sống của mình cả. Nhưng ở cương vị của những khán giả, mỗi người đều có quyền đòi hỏi được biết cái gì là diễn và cái gì là thật. Đặc biệt, ở những show truyền hình khoác lên mình bốn tiếng "truyền hình thực tế", khán giả càng có quyền đòi hỏi cái gọi là thực tế phải được tôn trọng chứ không phải là một thực tế dàn dựng, thực tế phân vai.

Tất nhiên, nếu làm truyền hình thực tế mà bưng bê 100% sự thật lên sóng thì không ai dám làm cả bởi sự thật vốn dĩ trần trụi, và nhiều khi phản cảm. Bàn tay gọt giũa của biên tập rất quan trọng nhưng bàn tay gọt giũa đó cũng cần vô cùng khéo léo để cái gọi là thực tế được đảm bảo ở mức tối đa có thể.  Khán giả không phải những chú cừu bị dắt mũi để nhà sản xuất muốn lừa họ như thế nào cũng được, đặc biệt là trong chuyện tạo ra các mâu thuẫn, xung đột giả để hợp lý hoá một kết qủa đã được bày biện ra từ trước.

Có nhiều quan điểm nghi ngờ rằng chính chương trình "The Face" đã cố tình dàn xếp kết qủa từ trước và để che mắt khán giả, họ phải tạo ra những mâu thuẫn hậu trường giữa ba người đẹp giám khảo. Nghi ngờ ấy không phải không có lý. Và chúng ta có thể nhận thấy rằng, người đáng trách trong chuyện lạm dụng hai tiếng "thực tế" này không phải là 3 cô gái xinh đẹp kia bởi suy cho cùng, họ cũng chỉ là người đi làm, được thuê để đóng một vai nào đó, nhận một khoản thù lao thỏa thuận nào đó và họ phải đáp ứng trọn vẹn nghĩa vụ hợp đồng của mình.

Kẻ đáng trách chính là nhà sản xuất nội dung chương trình, với mục đích cụ thể của mình, đã định ra sẵn kẻ thắng người thua, vai hỉ hả vai ẩn ức, vai kiêu ngạo vai đoan trang, vai nụ cười vai nước mắt. Chính đó mới là kẻ có lỗi với khán giả, đánh lừa khán giả thực sự nhờ vào cả công cụ truyền thông vận hành bằng "động cơ có tên gọi là tiền".

Chẳng thà trả lại cho khán giả sự thực, rằng chúng tôi chỉ làm show thôi, và không tự ràng buộc mình với cái gọi là "công bằng" hay "thực tế", mọi sự đều có thể được dễ dàng chấp nhận. Nhưng nếu thế, họ sẽ biện minh rằng khán giả sẽ không theo dõi chương trình nữa, bởi biết rằng nó chỉ là một dạng trình diễn được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Đúng, khán giả có thể quay lưng lại nhưng đó không phải là lý do để biện minh. Là người thực hiện chương trình, kéo được khán giả hay không là năng lực. Song, không thể dùng một thứ năng lực dựa trên cái xảo, cái lạm dụng và mạo danh sự thật. Đơn giản, chúng ta chẳng ai muốn sống trong cái gọi là "sự thực dối lừa" bao giờ.

Văn Đoàn
.
.