Khi các cuộc thi ca nhạc không còn sức hút

Thứ Năm, 24/01/2019, 07:53
Trong đêm vinh danh những cá nhân, tập thể đoạt giải "Mai vàng 2018", hạng mục "Chương trình truyền hình yêu thích nhất" đã được trao cho "Nhanh như chớp", một game show mới nổi được sản xuất bởi công ty Đông Tây Promotion.


Phải thừa nhận, "Nhanh như chớp" xứng đáng. Chương trình ấy vui, đầy tính giải trí nhưng không chợ búa, rẻ tiền. Hơn nữa, nó lại có sự xuất hiện của khá nhiều ngôi sao giải trí đình đám hiện nay với những câu hỏi - đáp gây bất ngờ, thú vị cho người xem. Bởi vậy, không chỉ được yêu thích trên truyền hình, "Nhanh như chớp" còn lọt vào "top" xu hướng xem nhiều nhất của youtube Việt Nam trong năm 2018.

Trở lại với giải "Mai Vàng", nếu lục lại lịch sử của giải, chúng ta thấy một xu hướng rất rõ là các chương trình thi ca nhạc trên sóng truyền hình đã không còn chiếm ưu thế giải thưởng nữa. Tất nhiên, giải thưởng "Mai Vàng" một mình nó không thể đủ là thước đo để đánh giá cả thị trường, nhưng nó cũng là một thông số tham khảo rất đáng lưu tâm. Rõ ràng, các cuộc thi ca nhạc đã bắt đầu nhạt nhòa dần và không còn ăn khách như cách đây chừng chục năm về trước.

Nếu phải trả lời câu hỏi "cuộc thi Việt Nam Idol gần nhất tổ chức vào năm nào?" hoặc câu hỏi "Quán quân mới nhất của Giọng hát Việt (2018) tên là gì?", rất có khả năng nhiều người không hề biết đáp án. Điều đó khác hẳn với chục năm trước, khi Uyên Linh đăng quang Việt Nam Idol trong đêm chung kết với Văn Mai Hương.

Và sự thực, kể từ sau Hương Tràm, Vũ Cát Tường, Đức Phúc, những người là quán quân hay á quân của Giọng hát Việt các mùa kế tiếp đã nhạt nhòa hẳn, thậm chí có người còn bị quên lãng hoàn toàn. Điều đó cho thấy, sức hút của các cuộc thi ca nhạc trên truyền hình đã suy giảm một cách nghiêm trọng.

Có thể lý giải điều đó bằng một lý do là chất lượng thí sinh càng về sau này càng lép vế so với những mùa đầu tiên. Nguyên nhân ấy không sai nhưng không phải là toàn bộ. Thứ đã khiến các chương trình thi ca nhạc trên truyền hình mất khách, mất sức hút là do…chính chúng hay nói khác hơn, do những người đã tạo ra chúng.

Trước đây, các vòng thi trọng điểm của các mùa thi ca nhạc trên truyền hình như "Giọng hát Việt", "Việt Nam got talents" hay "Việt Nam Idol" đều được truyền hình trực tiếp và do đó, các tương tác với khán giả cũng sinh động hơn.

Đó chính là yếu tố vô cùng quan trọng của ngành truyền hình hiện đại, với việc đáp ứng đòi hỏi được tham gia, được tương tác và thậm chí là góp phần quyết định của khán giả thưởng thức. Nhưng trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, nhu cầu ấy đã bị cắt đứt, và các show thi thố kiểu này chỉ phát sóng trực tiếp đúng đêm chung kết mà thôi. Phần còn lại là ghi hình rồi phát chậm với sự tương tác của khán giả cũng chỉ là "tượng trưng và giả lập".

Chính điều đó, cộng với xu hướng thời đại dịch chuyển sang cá nhân hoá giải trí trên điện thoại thông minh đã khiến các show ca nhạc không còn ăn khách nữa và bản thân các nhà đài cũng bắt xu hướng bằng cách chuyển đổi sang chú trọng những game show hoặc những cuộc thi tiểu phẩm hài.

Và nguyên nhân của chuyện không phát sóng trực tiếp những nội dung thi lẽ ra phải được thực hiện trực tiếp (theo đúng công thức sản xuất ban đầu) được gói gọn ở mấy tiếng "cắt giảm chi phí".

Đó là một thực tế khá buồn vì dù sao, các cuộc thi ca nhạc trên truyền hình đã từng đóng góp  nhiều tài năng cho làng giải trí Việt Nam như Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Vũ Cát Tường, Uyên Linh, Hương Tràm…

Và khi bản thân các cuộc thi ấy trở nên nhạt nhòa, hi vọng thu hút những nhân tố có tài thực sự tham gia thi thố càng trở nên khó khăn hơn. Phải chăng, đây chính là tín hiệu thoái trào của các cuộc thi tiếng hát truyền hình, sự thoái trào thực chất không phải do quy luật vòng đời mà do yếu tố đầu tư của nhà sản xuất? 
Văn Đoàn
.
.