Khi âm nhạc đồng hành cùng bạo lực

Thứ Năm, 31/05/2018, 08:49
Tháng 9 năm 1996, nước Mỹ rúng động vì một vụ thanh trừng bằng súng ở Las Vegas. Ở một quốc gia mà việc sở hữu súng là hợp pháp, và số vụ xả súng hàng năm không hề ít, một án mạng bằng súng chỉ có thể tạo cơn rúng động nếu số lượng nạn nhân quá lớn, hoặc nạn nhân là người quá nổi danh. 


Vụ thanh trừng kể trên nằm ở trường hợp thứ hai. Nạn nhân là Tupac Shakur, một nghệ sỹ nhạc rap hàng đầu, nếu không nói là tượng đài. Sau khi xem trận quyền Anh giữa Mike Tyson và Bruce Seldon, Tupac bị bắn khi xe hơi đang dừng đèn đỏ. 4 phát đạn vào ngực Tupac khiến anh mất máu quá nhiều và không thể qua khỏi dù các bác sỹ đã nỗ lực hết mình.

Sau 22 năm, pháp luật vẫn chưa xác định được thủ phạm gây ra cái chết của Tupac Shakur  nhưng nghi vấn về thủ phạm thì đã có từ năm 1996. Mọi cáo buộc cả công khai lẫn ngấm ngầm đều hướng về cộng đồng hip-hop, rapper bờ Đông nước Mỹ mà nhân vật trung tâm của nghi vấn là Notorious B.I.G, một nghệ sỹ nhạc rap từng là bạn của Tupac và sau này lại là địch thủ.

Cơ bản, ở xung quanh thời điểm vụ ám sát xảy ra, Notorious B.I.G (biệt danh Biggie) đã tung ra một ca khúc có tên "Who shot ya?" (Ai bắn mày?) mà nhiều người cho rằng đó chính là một đáp trả mang tính đe dọa trực diện tới Tupac sau khi Tupac tung ra một ca khúc có tên "Hit Em Up" được cho là "gây nhiều tranh cãi", "đầy tính bạo lực", "chủ đích công kích cá nhân" (hướng tới Biggie và cả cộng đồng rapper bờ Đông) và "vô cùng tai tiếng".

Nhưng kể cả luật pháp Mỹ có xác định (bằng chứng cứ) được thủ phạm sát hại Tupac là Biggie đi nữa thì họ cũng không thể buộc tội anh ta trước toà. Đơn giản, một năm sau ngày Tupac chết, Biggie cũng mất mạng theo cách tương tự ở California: bị bắn bốn phát vào ngực khi xe đang dừng chờ đèn đỏ.

Hai cái chết của hai rapper lừng danh hàng đầu nước Mỹ thập niên 90 thế kỷ trước chỉ là ví dụ đỉnh điểm của những đụng độ trong làng âm nhạc đương đại mà thôi. Và nguyên nhân thì quá dễ hiểu: khi sự thù ghét cá nhân được chuyển vào các nhạc phẩm và phát hành đại chúng, nó là liều thuốc kích thích bạo lực. Hai ca khúc "Who shot ya?" và "Hit 'Em Up" chính là liều thuốc kích thích kể trên và loại nhạc phẩm công kích cá nhân đó vẫn được gọi là "diss" (những ca khúc mang nặng tính thù địch cá nhân công khai).

Kể lại chuyện xưa ở Mỹ để chúng ta nhìn lại sự việc này ở Việt Nam. Tuần trước, ở Hà Nội xảy ra sự việc rapper KanCC từ Hải Phòng xách kiếm lên nhà đối thủ là rapper Richchoi (tên thật là Lê Đức) để giải quyết mâu thuẫn. Kết quả là phía Richchoi đã chuẩn bị trước, vu lên  KanCC là ăn cắp và "đánh hội đồng" đối thủ sau đó trình báo cơ quan công an. Nhưng trước khi công an kịp đến hiện trường thì KanCC đã nhừ đòn, mà theo như các video lan truyền trên mạng xã hội, đối thủ thậm chí còn dùng cả tuýp nước đánh thẳng vào đầu của KanCC.

Câu chuyện của KanCC và Richchoi chỉ là chuyện thường trong cộng đồng rapper Việt Nam mà thôi. Trên các diễn đàn nhạc rap, các trang chia sẻ âm nhạc trực tuyến, các diễn đàn underground Việt, chúng ta có thể tìm được đầy rẫy các ca khúc người này "diss" (chửi bới, công kích) người kia. Rất nhiều các vụ "diss" bằng ca khúc đã kết thúc bằng bạo lực mà vụ KanCC kể trên chỉ là một ví dụ. Cách đây chục năm, ở TP Hồ Chí Minh, rapper Q.R, một trong những cánh chim đầu đàn của rap Việt phía Nam từng bị chém đứt 1 ngón tay cũng trong 1 vụ "diss" lẫn nhau như vậy.

Rõ ràng, một thực tế khó có thể phủ nhận là bên cạnh những nghệ sỹ rap tiến bộ, vẫn tồn tại 1 cộng đồng rapper Việt Nam ít chú trọng vào chất lượng âm nhạc mà chỉ chú trọng hình thức, tức là bắt chuớc cách hành xử, kể cả tiêu cực nhất của các thần tượng nước ngoài. Họ dùng âm nhạc của mình để kích động hiềm khích, bạo lực và cuối cùng xử lý nhau theo cách rất giang hồ.

Đặc biệt nhất là các công kích mang tính địa phương như cuộc chiến rapper Hà Nội với rapper Hải Phòng dai dẳng nhiều năm qua. Họ cho rằng như thế mới là "chất", trong khi quên mất rằng chất lượng âm nhạc thực sự thì không hề được quan tâm. Cuối cùng, thứ họ có lại được không phải là tăm tiếng như một nghệ sỹ đích thực mà chỉ là tai tiếng, thậm chí là cả những bản án trước pháp luật.
Văn Đoàn
.
.