Khán giả nhìn từ art for you và urban art: Đánh giá nghệ thuật sao cho đúng

Thứ Ba, 24/11/2015, 08:00
Tuần vừa rồi, ở thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hai dự án mỹ thuật khá lý thú. Thứ nhất là dự án triển lãm nghệ thuật Việt Nam đương đại có tên là Filter do Gallery non trẻ UrbanArt tổ chức với 3 tác giả Lê Kinh Tài, Nguyễn Quang Vinh, Bùi Hải Sơn. Đây là một triển lãm lạ, so với cách làm triển lãm từ trước tới nay ở Việt Nam...

Nó không chỉ lạ ở chỗ địa điểm tổ chức là một trung tâm hội nghị (GEM Center) mà còn rất lạ ở cách tiếp cận khán giả. Filter chủ trương bán vé vào cửa, với mức giá 250 ngàn đồng/ vé. Toàn bộ số tiền bán vé kể trên đều được sử dụng với mục đích từ thiện và điều khá ngạc nhiên là vé bán khá chạy.

Trong khi đó, ở 3A Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh, nơi được coi như một không gian nghệ thuật của giới trẻ kiểu Zone 9 ở Hà Nội trước đây, Mai Gallery và Manzi đã đồng tổ chức một triển lãm khác, lấy tên Art For You. Đây là một trưng bày đa dạng, đa tác giả với tiêu chí ai cũng có thể tiếp cận nghệ thuật với một cái giá rất phải chăng.

Chủ trương của Art For You là bày bán những bức tranh, phác họa, minh họa, ảnh… vừa để ủng hộ các nghệ sỹ vừa để tạo cơ hội cho những khán giả bình thường có thể sưu tầm những tác phẩm nghệ thuật hợp gu của mình. Nhưng khác với Filter, giữa một không gian nghệ thuật thực sự, thoáng đãng và thư giãn, Art For You không cuốn hút được quá nhiều khách hàng dù có khá nhiều khán giả hiếu kỳ đến tham quan dự án này.

Vấn đề của Art For You nằm ở chỗ các tác phẩm bày bán không được định giá đúng mức và nó không hề phải chăng so với túi tiền của mặt bằng số đông. Với những tác phẩm được tác giả giao phó toàn bộ cho Manzi, mức giá định ra là khá ổn nhưng đa số các tác phẩm còn lại, được chính các tác giả tự định giá, lại có mức giá bán quá cao. Một bức tranh khổ nhỏ, hoặc một bức ảnh khổ nhỏ đều có giá dao động từ 300 đến 500 USD, một mức giá mà khán giả bình dân, những người sưu tầm nghệ thuật bình dân khó có thể dễ dàng bỏ ra cho một tác phẩm, dù họ có thích nó tới đâu chăng nữa. Như vậy là quá trình tự định giá của nhiều tác giả đã khá mâu thuẫn với chủ trương của dự án và bởi thế, việc thiếu vắng khách hàng là dễ hiểu.

Từ 250 ngàn đồng để ngắm các tác phẩm của Filter tới vài trăm đô để sở hữu một tác phẩm ở Art For You cho thấy một câu chuyện rất chung của nghệ thuật đương đại Việt Nam nói chung và mỹ thuật đương đại Việt Nam nói riêng. Đó là vấn đề định hướng khán giả, khách hàng mục tiêu. Ai cũng hiểu, nghệ thuật thì không thể miễn phí và tác phẩm nghệ thuật có giá trị không thể nào không đắt tiền, nhưng đặt một tác phẩm vào đúng vị trí của nó bao giờ cũng là bài toán rất khó. Suy cho cùng, tác phẩm nghệ thuật trước hết phải là một sản phẩm văn hóa cái đã và khi đã là sản phẩm, nó phải tuân theo quy luật chung của thị trường.

Việc các nhà tổ chức hướng đến mục tiêu gì cũng vô cùng quan trọng trong việc xác lập thị trường ấy. Nếu là mục đích hướng tới khán giả (audience oriented), cách làm của Filter là sáng suốt bởi chủ trương của nhóm tác giả thuộc Gallery UrbanArt là giới thiệu tác phẩm đơn thuần. Do đó, họ cân nhắc giá vé theo giá trị của những chi phí thông thường cho một buổi trình diễn giải trí bất kỳ đang tồn tại trên thị trường. Còn nếu mục đích hướng tới thương mại (trade oriented), sự xác lập giá tác phẩm sẽ phải căn cứ vào khách hàng mục tiêu (targeted audience) của những nhà tổ chức mà Manzi và Mai Gallery đã thất bại tại Art For You. Họ hướng tới khách hàng đại chúng nhưng thực chất, mức giá họ đưa ra lại phù hợp hơn với giới trung lưu cao cấp đô thị. Do đó, đã tồn tại mâu thuẫn là khán giả tới thưởng lãm không phải là khách hàng tiềm năng.

Từ câu chuyện của Art For You và UrbanArt, chúng ta nhận thấy rõ ràng vấn đề của đời sống nghệ thuật hôm nay. Đó chính là hướng ra cho các nghệ sỹ, những người thường không quá xem nặng vai trò của kinh doanh. Nhưng thực tế thì lại khác với cách họ đang làm. Thực tế là đời sống, là hiệu quả. Nghệ sỹ cũng cần tiêu thụ được sản phẩm văn hóa của mình và khi kênh tiêu thụ chưa tồn tại một cách chuyên nghiệp, câu hỏi về phát triển của nghệ thuật đương đại tất nhiên vẫn còn là dấu hỏi bỏ lửng lơ rất lớn. 

Hà Nguyên Anh
.
.