Hồi ức "Từ thuở binh nhì"

Thứ Năm, 11/12/2014, 08:00
"Từ thuở binh nhì" là tập thơ mới nhất của Đại tá, nhà thơ Mai Nam Thắng được NXB Quân đội Nhân dân ấn hành cuối năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944-22/12/2014).

Với một người đã đi gần trọn con đường binh nghiệp, cái tên "Từ thuở binh nhì" hẳn nhiên gửi gắm trong đó ngụ ý sự hồi cố về một chặng đường thi ca đã qua từ lúc cầu vai còn đỏ chói cho đến một Đại tá nhà thơ như hôm nay. Trong "Từ thuở binh nhì", các bài thơ được sắp xếp theo trật tự thời gian tuyến tính. Dưới mỗi bài thơ đều có ghi chú ngày, tháng, năm, địa điểm viết rõ ràng tựa theo lối làm lịch sử biên niên để bạn đọc hình dung một cách dễ dàng nhất về hành trình thơ của tác giả. Đó không đơn thuần chỉ là diễn tiến theo chiều thời gian lịch đại, mà còn là hành trình chuyển biến về cảm xúc, phong cách và bút pháp sáng tác. Mai Nam Thắng bắt đầu chặng đường thơ với tình cảm hồn nhiên, trong trẻo của tuổi học trò: "Bài thơ em giảng anh nghe/ Thân thương Đồng Tháp, Bến Tre anh hùng/ Ai thức cấy những đêm ròng/ Mà trưa nay cả cánh đồng vàng tươi" (Nghe em tập giảng).

Và thoáng chất lãng mạn mang màu sắc thi ca nước Nga trong "Lặng thầm": "Em hiện ra giữa hai cơn sốt/ Như nàng tiên trong trái chín diệu kỳ/ Với đôi tay dịu mềm như ngọn gió/ Anh sững sờ không thể nói điều chi".

Ngời lên những niềm vui thánh thiện của một thời trai trẻ trong "Gửi bạn ở Trung Hà": "Đất đai nhận về giọt giọt mồ hôi/ Tôi nhận về gương mặt bè bạn: Những Sơn Tinh hằng mơ giảng đường đại học/ Áo xanh màu núi Tản Viên".

Theo tháng năm hồn thơ trong trẻo, mơ mộng giai đoạn 1979 - 1986 ấy đã chuyển sang sâu lắng, trữ tình và đượm chất suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời qua cái nhìn của một người từng trải. Đứng trước ngã tư đường, nhà thơ Mai Nam Thắng của năm 2008 trầm ngâm nghĩ về cái lẽ đúng sai của cuộc đời vốn có quá nhiều ngã rẽ: "Chao ôi sao mà đúng sai khó giải/ Rõ ràng bên phải mà đúng mà sai/ Mà nỗi sáng nay cái sai không đúng/ Một ngã tư mà quá đỗi trần ai" (Được rẽ phải). Thời gian tiến thêm hơn một quãng nữa, trong Mai Nam Thắng bắt đầu xuất hiện tâm thức "Niên thiếu li gia lão đại hồi" của một người đã luống tuổi. Hãy nghe lời anh dặn dò con: "Con ơi ví dầu mai sau/ Đường băng sẽ thay đường sắt/ Và cha không còn có mặt/ Làng quê vẫn chốn đi về/ Như thời cha vẫn…/ Con nghe!" (Trên đường về quê).

Mấy chục năm trời, mạch thơ chuyển biến tuân theo nhịp của tự nhiên và lòng người như vậy, âu cũng là hợp lẽ!

Đại tá, nhà thơ Mai Nam Thắng và bìa tập thơ "Từ thuở binh nhì" của nhà thơ Mai Nam Thắng.

Nhìn theo khía cạnh thời gian, "Từ thuở binh nhì" như trình bày ở trên có dạng thức nhật ký thơ. Song xét trên góc độ cấu trúc, tập thơ được kết cấu theo hai phần rõ rệt. Phần đầu, cũng là tên tập thơ, tập hợp những bài viết về người lính của Mai Nam Thắng. Theo tôi, đây là phần tinh túy nhất của tập thơ. Là nhà báo, lại là nhà báo quân đội, anh có điều kiện đi nhiều, gặp gỡ tiếp xúc nhiều với người lính thuộc các quân binh chủng khác nhau, làm những nhiệm vụ khác nhau. Thơ anh viết nổi bật lên hình ảnh người lính hải quân đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Anh lựa lời khuyên một cô gái để qua đó bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc với những người lính rađa hải quân: "Là em chưa lên ngày hè bỏng rát/ Vượt dốc dài áo quắt mồ hôi…/ Là em chưa lên ngày mưa bão quật/ Gió ầm ào như đạn nổ bom rơi/ Biển nghiêng sóng úp lên ghềnh đá/ Núi tròng trành... cô đảo chơi vơi/ Là em chưa lên ngày đông giá buốt…/ Trạm chìm trong đặc quánh mù sương/ Chạm vào đâu cũng chạm vào tê cóng/ Người lên thăm "để lại dấu nằm" (Hát giữa Sơn Trà).

Anh ngợi ca những người lính công binh ở đảo Trường Sa suốt 30 năm liền bám trụ, xây dựng biển đảo quê hương. Để cho "Tổ quốc lớn mỗi ngày trên bão tố phong ba", những người lính công binh đảo xa đã nhận về mình phần thiệt thòi nhất, phải xa gia đình, xa người thân: "Có lá thư nửa năm vừa nhận/ Có người bồi hồi nhắc chuyện năm xưa/ Có bà mẹ cầm hơi, lo tàu vào không kịp/ Có thằng cu biết lẫy biết bò chưa biết mặt cha…" (Lính công trình ở Trường Sa).

Nếu ngợi ca là cảm hứng chủ đạo khi viết về những người đồng đội thời bình thì ngậm ngùi, bi tráng lại là nét chính trong những bài thơ về những liệt sĩ hy sinh trong thời kì chống Mỹ cứu nước của anh. Mai Nam Thắng nhắc đến sự hy sinh của người lính chống Mỹ theo cách riêng của mình: miêu tả loài hoa loa kèn. Loài hoa chỉ nở vào tháng tư, tháng của cuộc hành quân thần tốc lịch sử, tháng của bản hùng ca bất tử và cũng là tháng của những mất mát hy sinh. Loài hoa được người góa phụ thắp lên để gượng cười trong nhói đau mất mát: "Mùa hoa nâng những bước chân thần tốc/ Mùa hoa dâng bản hùng ca náo nức/ Riêng những nốt trầm tê tái rụng về hoa/ Sớm mai này tháng Tư/ Chị lặng lẽ thắp hoa/ Sau hương khói nụ cười nhói trắng" (Hoa loa kèn).

"Lau trắng Điện Biên" là bài đáng bàn nhất, ông chỉ của tập thơ "'Từ thuở bình nhì'' mà có lẽ còn của cả đời thơ Mai Nam Thắng. Bài thơ dài, mang âm hưởng của một bản trường ca. Điện Biên Phủ từ năm 1954 đến nay là mạch nguồn cảm xúc lớn của nhiều thế hệ nhà thơ Việt Nam. Đã có nhiều bài thơ hay viết về Điện Biên Phủ, có sức sống lâu bền trong lòng công chúng. Là người đi sau nhưng Mai Nam Thắng đã chọn được cho mình một cách tiếp cận mới: Lấy cây lau làm hình tượng nghệ thuật để từ đó khơi nguồn cảm xúc về Điện Biên nói riêng, về đất nước nói chung. Cây lau trong "Lau trắng Điện Biên" không đơn thuần là cây lau mọc nơi "Bản Kéo, Him Lam, Độc Lập, Noong Nhai, Mường Thanh, Hồng Cúm" mà là biểu tượng thơ đa nghĩa:

Lau là hóa thân của những đoàn quân Điện Biên oai hùng năm xưa: "Lau trập trùng kĩu kịt bồ dân công/ Lau cúi rạp lưng đeo hò kéo pháo/ Lau bền bỉ xuyên chiến hào vây lấn/ Lau ào ào tiếng thét xung phong".

Lau tượng trưng cho lòng biết ơn dân tộc trước với những người con ưu tú đã ngã xuống cho đất nước thanh bình hôm nay: "Lau xao xác bạt ngàn bia mộ trắng/ Hóa vầng mây che bóng các anh nằm".

 Lau là chứng nhân của lịch sử theo đoàn quân chiến thắng mùa xuân thần tốc năm ấy: "Đêm hội xòe còn canh cánh niềm đau/ Sông Bến Hải những bờ lau xơ xác/ Hai mươi năm nở bừng một Mùa Xuân thần tốc/ Ngàn lau liền một dải non sông".

Lau là nỗi lòng người dân đau đáu trước những vấn đề quan thiết của đất nước hôm nay: "Ôi diệu kì lau trắng Điện Biên/ Hóa mây trắng Ba Đình soi cỏ biếc/ Hóa lớp lớp sóng bạc đầu thao thiết/ Vỗ đêm ngày Hoàng Sa, Trường Sa…".

Lau là kết tinh của tinh hoa dân tộc: "Dẫu đất trời còn lắm bão giông/ Vẫn lau trắng như Bạch đầu Nguyên Lão/ Vẫn vằng vặc Tâm quang Khuê Tảo/ Lau Vũng Chùa - Đảo Yến rợp Đèo Ngang".

Và dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam qua hình dung của Mai Nam Thắng tựa như những cây lau. Mềm mại, mỏng manh nhưng chứa đựng trong đó sức sống vô cùng mạnh mẽ. Dáng lau ấy đã đồng hành cùng nhân dân từ thuở lập nước cho đến ngày hôm nay: "Như nỗi niềm kí thác của ông cha/ Như đất nước trường sinh tươi tốt/ Như người lính ngàn đời bên cột mốc/ Lau vĩnh hằng trong cõi Nhân dân".

Ở phần hai, "Những vòng quay", chúng ta lại bắt gặp những vần thơ đẫm chất thế sự của Mai Nam Thắng. Trong phần này, dẫu không có bài nào xuất sắc như “Lau trắng Điện Biên” nhưng kỹ năng của người làm báo giúp anh có khả năng quan sát, phát hiện vấn đề trong cuộc sống nhanh, sắc sảo, để từ đó tạo cho mình những tứ thơ hay. Đơn cử như bài "Thơ đề biệt thự". Bài thơ anh viết khi đến thăm ngôi biệt thự mới khánh thành của người bạn thân. Câu chữ bài thơ giản dị, chủ yếu là tả cảnh lộng lẫy nguy nga của căn biệt thự. Bài thơ sẽ đi vào quên lãng nếu không có cái tứ bất ngờ tụ lại ở hai câu kết:

Chao ơi biệt thự nguy nga
Tiện nghi toàn đồ hạng nhất
Ngó quanh tìm cái giá sách
Chẳng hay kê ở phòng nào

Hai câu cuối đã "chắp cánh" cho bài thơ bay lên. Từ một bài thơ tả cảnh bình thường vụt thoáng trở thành bài thơ đầy nỗi niềm trăn trở, có sức phản ánh, khái quát, cảnh báo về xu hướng giải trí, hưởng thụ, về văn hóa đọc của một bộ phận người không nhỏ người Việt bây giờ. "Lời một chú cóc ở Tứ Xuyên - Trung Quốc" cũng là bài thơ để lại nhiều ấn tượng trong phần thơ này. Bài thơ là nỗi đau cho phận người, cho nỗi vô tâm dửng dưng của con người trước tai nạn thảm khốc mà thiên nhiên giáng xuống cho con người.

Bốn mươi tám giờ trôi
Đủ cho chín vạn sinh linh không bị chôn vùi
Sau phút chau mày kinh hoàng của tạo hóa
…..

Bốn mươi tám giờ trôi
Tất cả đã muộn rồi
Và tất cả đều vô can trước chín vạn oan hồn tức tưởi

Tuy nhiên, "Những vòng quay" còn có những bài chưa thật hay. Đôi lúc, đôi bài, đôi chỗ, đôi câu còn để lại cho người đọc cảm giác anh chưa thật nghiêm khắc với chính mình. Điều này xảy ra ở những bài thơ có tính chúc tụng, đề tặng riêng tư, cá nhân, thậm chí cả "bông phèng" mang tính chất Bút Tre… Đây là điều đáng tiếc ở phần thơ này nói riêng và cả tập thơ nói chung.

Đoàn Minh Tâm
.
.