Hậu Tết nói chuyện văn hóa công cộng

Thứ Năm, 14/02/2019, 10:07
Ý thức văn hoá công cộng của người Việt hôm nay thực sự còn rất thấp và những dịp lễ Tết là lúc ý thức kém ấy bộc lộ mạnh mẽ nhất, bộc lộ một cách tập thể. Và nên chăng, đã đến lúc cần phải có chế tài mạnh để dẹp nạn bài bạc trên phố để chấn chỉnh lại cách hành xử nơi công cộng của cộng đồng. 


Đã quá nhiều năm rồi, chúng ta quen với một hình ảnh chung diễn ra mỗi dịp Tết. Đó là khi vừa chuyển qua thời khắc giao thừa, lập tức xuất hiện ngay các sòng bạc cơ động trên khắp các con phố. Những người tham gia đánh bạc luôn mang tâm lý "kiêng cữ ba ngày Tết" nên ngang nhiên tổ chức gây sòng vì họ cho rằng lực lượng chức năng cũng "bỏ qua" cho họ mấy ngày đầu năm để tránh "dông cả năm".

Nhưng ở dịp Tết Kỷ Hợi vừa rồi, hình ảnh ấy đã không còn phổ biến nữa. Chưa thể nói đã chấm dứt hoàn toàn vấn nạn đánh bạc công khai trên phố, nhưng rõ ràng, số lượng người tổ chức cờ bạc nơi công cộng đã giảm rất đáng kể. Nếu ngày xưa, sòng xóc đĩa là "đặc sản" của mỗi con phố ở Hà Nội thì hôm nay, nhiều khu phố đã sạch bóng những sòng bài ồn ào thu hút đám đông các con bạc vô tổ chức.

Có thể nói, đó là một chuyển biến tích cực thực sự trong sinh hoạt công cộng. Có thể có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do cơ bản nhất vẫn phải là nỗ lực vận động và cả phương pháp cứng rắn của lực lượng Công an.

Đó là khía cạnh tích cực. Còn ở mặt tiêu cực, vẫn thực sự tồn đọng nhiều hình ảnh nhức nhối mà một trong những tệ nạn phổ cập nhất ở nhiều đô thị, chính là nạn xả rác bừa bãi, vô tổ chức.

Thật sự đau lòng khi đọc một dòng chia sẻ hài hước nhưng sâu cay của một doanh nhân trẻ trên trang cá nhân của anh. Anh kể lại câu chuyện rằng anh có hỏi một người bạn của mình ở Đà Lạt là "Khu chợ đêm Đà Lạt có đông người không?". Câu trả lời anh nhận được rất ngắn gọn "Có khoảng ba chục người à". Và kết luận của anh vô cùng thâm thúy "Vâng, tôi thấy đúng là chỉ có khoảng 30 con người thật sự ở chợ đêm Đà Lạt. Còn lại toàn là thứ không phải người. Ăn xong vứt rác thẳng tay ngay xuống đường. Họ không phải là người".

Cũng trên mạng xã hội, dịp sau Tết có nhiều người chia sẻ lại hình ảnh đường phố Đà Lạt ngập rác. Cả thành phố như một bãi rác lộ thiên khi du khách thản nhiên ném vỏ đồ hộp, túi nylon, giấy gói đồ ăn lộn xộn khắp trên đường. Và với những ai thân quen với thành phố cao nguyên ấy, đó là một hình ảnh tổn thương thực sự. Ai cũng biết Đà Lạt không thua kém Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay bất kỳ đô thị nào về số lượng thùng rác công cộng. Nhưng số lượng ấy là vô nghĩa khi những con nguời vô ý thức biến chúng thành vô dụng.

Song song với vấn nạn rác là vấn nạn karaoke loa kẹo kéo. Thực tế, loa karaoke kẹo kéo này đã và đang tác oai tác quái quanh năm nhưng dịp Tết là thời điểm chúng lộng hành nhất. Mà nói cho đúng, những cái loa ấy không có lỗi. Lỗi nằm ở chính những người sử dụng chúng.

Ai cũng biết rằng nhậu nhẹt vào, người Việt rất ưa "văn nghệ". Song không mấy ai hiểu rằng, sự ưa thích văn nghệ của mình có tác hại thế nào đến không gian chung. Họ dùng loa công suất lớn tra tấn cả khu phố và nếu ai có ý kiến, thậm chí họ có thể đe doạ, chửi bới hoặc dùng vũ lực. Cách duy nhất để chống lại chỉ có thể là lấy độc trị độc, tức dùng loa to hơn, hát dở hơn và gào lớn hơn mà thôi.

Ý thức văn hoá công cộng của người Việt hôm nay thực sự còn rất thấp và những dịp lễ Tết là lúc ý thức kém ấy bộc lộ mạnh mẽ nhất, bộc lộ một cách tập thể. Và nên chăng, đã đến lúc cần phải có chế tài mạnh, có những biện pháp khắc nghiệt thực sự, như những biện pháp đã được áp dụng để dẹp nạn bài bạc trên phố để chấn chỉnh lại cách hành xử nơi công cộng của cộng đồng. 

Không thể để Việt Nam cứ mãi trình diện một bộ mặt lem luốc như thế trước mắt những du khách nước ngoài, hình ảnh dễ dàng để người ngoài đánh giá tiêu cực về cả một dân tộc. Và dân tộc ta không đáng bị đánh giá tiêu cực như thế chỉ vì một vài thế hệ, một vài nhóm người thiếu ý thức tôn trọng môi trường và cảnh quan xung quanh.

Văn Đoàn
.
.