Gia đình vẫn là nền tảng “trồng người”

Thứ Năm, 03/11/2016, 10:29
Những năm gần đây, chúng ta nhận ra rằng bắt đầu có một trào lưu trong giới học sinh là "không ưa là đánh". Ở nước ngoài, tình trạng bắt nạt (bullying) bạn trong trường học cũng vô cùng nhức nhối, kể cả là ở các nước văn minh như Anh, Pháp, Mỹ, Đức. Tình trạng bắt nạt (bullying) ấy thực chất có thể được lý giải bởi vấn đề tâm lý. 


Loài người vốn có tâm lý và nhu cầu "cầu bầu" rất mạnh mẽ, tức là nhu cầu muốn dựa vào một số đông nào đó để tạo sự an toàn và tự tin cho mình. Nhà tâm lý học xuất sắc người Nhật có tên Takeo Doi từng có cuốn "Giải phẫu sự phụ thuộc" và chỉ rõ ra rằng tâm thế "muốn được phụ thuộc vào một chỗ dựa nào đó" đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi người, bắt nguồn từ thói quen khi ra đời của động vật có vú là bú mẹ. Chính vì thế, con người, với thói quen ban đầu là muốn được bao bọc, yêu thương, muốn được nương tựa vào mẹ, đã lập cho mình thói quen cần một chỗ dựa tâm lý sau này.

Ở trường học, học sinh bởi thế rất muốn chơi thành nhóm thân cận nhau, và khi có một cá thể khác nhóm có thể khiến họ cảm thấy mất an toàn ở một khía cạnh nào đó, họ sẵn sàng dựa vào nhóm để có những hành động kỳ thị, hành hạ, chơi xấu cá thể kia. Đó chính là lý giải quan trọng nhất cho tình trạng bắt nạt ở học đường.

Song, ở những nước văn minh, nếu bắt nạt ở học đường chỉ dừng ở mức tẩy chay, giễu nhại, chơi khăm hoặc nếu có thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đi nữa thì cũng không ở mức tàn bạo như một số trường hợp ta gặp ở Việt Nam hiện nay. Tại sao lại có tình trạng ấy diễn ra? Xin thưa, không được phép đổ tại nhà trường trong trường hợp này mà phải đổ lỗi cho chính môi trường gia đình, môi trường sống.

Nếu chúng ta nhìn nhận kỹ thì sẽ thấy đa số các ca bạo lực học đường ở Việt Nam hiện nay, thủ phạm thường là các học sinh lớn lên trong những gia đình có hoàn cảnh khá đặc biệt, hoặc ở một môi trường sống mà xung quanh đó tình trạng xã hội khá phức tạp. Hơn nữa, nếu cha mẹ chúng cũng là những người quen với hành vi bạo lực, trẻ cũng sẽ rất dễ lây nhiễm.

Cách đây vài hôm, người viết có trò chuyện với 1 cô giáo làm việc ở một trường quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh. Với kinh nghiệm lâu năm của mình, cô giáo cho biết: "Nhiều trường quốc tế bây giờ hoạt động như công ty, lợi nhuận trên hết, nên không coi giáo viên người Việt ra gì. Thậm chí, có trường còn có luật, chỉ cần phụ huynh học sinh gửi thư phàn nàn, không đồng ý, nhà trường sẽ đuổi việc giáo viên lập tức".

Cô cũng chia sẻ thêm một chuyện nghe mà xót xa vô cùng. Đó là một cô giáo lỡ quên không tăng nhiệt độ máy lạnh buổi trưa khi trò ngủ. Về nhà, một học trò bị cảm sốt, phụ huynh gọi điện mắng xối xả và cô giáo buộc phải nói câu: "Thôi, xin mẹ cho cô một cơ hội". Để rồi chỉ vài tuần sau, khi học sinh kia lại bị cảm sốt, mà lần này là do cháu bị bạn khác kéo mền, cô giáo đã nhận trát cho nghỉ việc vì phụ huynh "không thèm" than phiền với giáo viên nữa mà gọi thẳng cho Giám đốc công ty.

Chúng ta vẫn nói "muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", nói "tôn sư trọng đạo" mà trong môi trường giáo dục được coi là kiểu mẫu, lý tưởng hiện nay là trường quốc tế mà phụ huynh học sinh còn có quyền được gián tiếp sa thải giáo viên như thế thì hoàn toàn có thể giải đáp câu hỏi "tại sao học sinh khinh thầy giáo". Dễ hiểu, chúng sao chép chính hành vi của cha mẹ mình và nuôi sẵn ý thức, thầy cô không làm chúng hài lòng, về mách cha mẹ.

Như vậy, nền tảng gia đình vẫn là mấu chốt của giáo dục, cả hôm nay và mai sau. Không thể mong nền giáo dục cải thiện và mang lại một thế hệ văn minh, khi chính phụ huynh còn kém văn hoá, môi trường sống xung quanh còn đầy rẫy các hình mẫu xấu. Và trong tháng 11 này, có lẽ cần phải gióng lên lời nhắc lần nữa: Phụ huynh ơi, trách nhiệm là của các vị, xin đừng phó mặc cho cô, cho thầy…

Hà Quang Minh
.
.