Đừng để "nỗi sợ mơ hồ" chế ngự...

Thứ Năm, 12/10/2017, 08:23
Với đa số người Việt vốn dĩ chỉ chú ý đến các quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Anh… hoặc những điểm nóng thời sự thế giới nhiều năm qua như Trung Đông, có lẽ câu chuyện cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập khỏi Tây Ban Nha của người dân xứ Catalonia sẽ khiến chúng ta cảm thấy "chấn động". 


Làm sao không chấn động được khi mà mới chỉ gần  một năm trước thôi, đa số người Anh được trưng cầu đã bỏ phiếu thuận cho việc Anh rời EU thì hôm nay, giữa lòng châu Âu, người Catalonia lại đồng thuận cao (92.01% người được trưng cầu) cho việc trở thành một quốc gia độc lập tách rời khỏi Tây Ban Nha.

Nhưng có lẽ, chính vì sự quan tâm ít ỏi kéo dài bao nhiêu năm đối với một quốc gia như Tây Ban Nha đã khiến chúng ta lầm lẫn rất nhiều, thậm chí là vội vàng quá mức trước kết quả cuộc trưng cầu kể trên. Không mấy ai tìm hiểu rằng chỉ có 43.03% người Catalionia đi trưng cầu. Điều đó có nghĩa là gần 57% còn lại một là không quan tâm tới cuộc trưng cầu đó; hai là không có nhu cầu từ bỏ quốc tịch Tây Ban Nha để mang quốc tịch Catalonia ; và ba là coi cuộc trưng cầu kia chẳng thể mang lại một kết quả thực tiễn nào.

Bởi thế, 92.01% đồng thuận của cuộc trưng cầu vẫn chỉ là một kết quả thiểu số, không thể quá bán và dẫn tới thế khó cho chính quyền tự trị Catalonia.

Câu chuyện Catalonia, và nhắc lại chuyện Brexit ở Anh, cho chúng ta suy ngẫm gì? Đó chính là sự lên ngôi của các nhóm tiểu văn hoá (phản văn hoá - Counte-Culture) ở thời đại mạng xã hội và chủ nghĩa dân túy hôm nay.

Phải thừa nhận, chủ nghĩa dân túy đang rất lớn mạnh trên khắp toàn cầu và nó đang là vũ khí đắc lực cho lực lượng tinh hoa thực thi các thủ thuật chính trị của họ. Sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy bắt nguồn từ sức mạnh của mạng xã hội, với khả năng thay thế báo chí truyền thống một cách đáng gờm. Dựa trên các tin tức cả thực và giả trên mạng xã hội, lực lượng tinh hoa vụ lợi đã giật dây các cộng đồng tiểu văn hoá đặc thù bằng cách bơm vào họ nỗi sợ hãi không hề mơ hồ chút nào trước những viễn cảnh tương lai đầy đe dọa.

Và đối tượng mục tiêu của họ, các cộng đồng tiểu văn hoá, khi gom lại thành một tiếng nói chung, sẽ tạo ra tác động xã hội vô cùng lớn. Ví dụ điển hình là Brexit. Lực lượng mà những chính trị gia phất lá cờ rời EU nhằm tới chính là tầng lớp cần lao ít học, ít cơ hội, sống ở các đô thị nhỏ hoặc nông thôn, có tuổi và luôn lo sợ về sự bấp bênh trong đời sống của mình. Chính họ đã khiến giới trẻ Anh quốc phải phẫn nộ và giăng lên các biểu ngữ "Các vị đã tước đoạt tương lai của chính con em mình" khi giới trẻ có học ở thành thị vốn dĩ luôn tin vào toàn cầu hoá, sự mở cửa hợp tác và tôn trọng sự đa dạng cũng như các giá trị của đa dạng văn hoá.

Hoặc như ở Catalonia chẳng hạn, đối tượng để giới chức muốn rời khỏi Tây Ban Nha tác động tới chính là lực lượng những người theo chủ nghĩa dân tộc có phần cực đoan và chiêu bài của họ rất đơn giản: Catalonia đang phải gánh quá nhiều ngân sách cho cả Tây Ban Nha.

Mối đe doạ ấy thực sự cũng tồn tại ở Việt Nam và nó đã và đang hình thành các trào lưu phản kháng ở cả văn hoá lẫn kinh tế. Chủ trương xét lại lịch sử, thậm chí có thể là bôi xoá những trang sử cận đại, hiện đại của dân tộc theo chiều hướng cực đoan vẫn được nhiều phần tử chống phá sử dụng và đã gây khá nhiều tác động lên lớp trẻ vốn non nớt cả về trình độ lẫn kinh nghiệm.

Thêm vào đó là các cuộc khủng hoảng truyền thông đối với những nhãn hàng mà thực chất đằng sau nó không phải là đấu tranh vì quyền lợi người tiêu dùng mà thay vào đó là chiêu bài cạnh tranh bẩn của những doanh nghiệp bạo chi để dẫn dắt truyền thông tác động vào các nhóm nhỏ dưới chiêu bài "vì dân".

Như vậy, chúng ta cần phải nhận ra rằng ở thời đại công nghệ thông tin dễ dàng giúp con người ta kết nối với nhau hơn, việc cấu thành các nhóm tiểu văn hoá cũng ngày một dễ dàng hơn. Và việc giữ được sự tỉnh táo để độc lập tư duy, không bị cuốn vào các nhóm tiểu văn hoá ấy gần như là phương pháp duy nhất và hữu hiệu nhất để đảm bảo cho sự ổn định đời sống. Cuộc sống tất nhiên vốn dĩ luôn bấp bênh nhưng mối đe doạ về một đời sống bấp bênh, bất trắc hơn đến chính từ nỗi sợ mơ hồ của mỗi chúng ta chứ không phải từ những biến động bên ngoài.

Văn Đoàn
.
.