Đừng dạy trẻ con tư duy “đồng nát”

Thứ Năm, 04/03/2021, 11:35
Mỗi năm một lần đến kỳ làm “Kế hoạch nhỏ”, con gái tôi lại về nhà năn nỉ bố mẹ kiếm cho thật nhiều giấy vụn để mang đi nộp. Thú thực, chúng tôi dở khóc dở cười vì nhà ở thành phố chật chội, chúng tôi không bao giờ giữ lấy giấy vụn, hơn nữa việc tích trữ giấy báo cũ lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho gián, chuột làm tổ, cắn nát.


Vậy là cả nhà tìm đủ mọi cách, bố lấy sách cũ ít đọc, mẹ cố tìm có tờ tạp chí nào vừa mua, hoặc vài cuốn truyện của con, tất cả tập hợp lại nhưng cũng chẳng đủ chỉ tiêu. Con bé mặt buồn so và có phần lo lắng. Vậy là vợ tôi phải chạy ra đầu ngõ mua vài cân báo cũ của chị đồng nát. 

Rõ ràng tôi cũng như nhiều phụ huynh khác thấy rõ, việc thay con làm như vậy là sai, thậm chí tạo thói quen nói dối cho con trẻ, nhưng cũng chẳng có cách nào khác. Nếu không gom đủ, con bé có thể làm ảnh hưởng đến phong trào, thành tích của lớp.

Ngược dòng lịch sử để xem lại thì chúng ta có thể thấy, trước đây mấy chục năm, “kế hoạch nhỏ” là một chương trình rất ý nghĩa, phù hợp trong một bối cảnh, một hoàn cảnh nhất định. Đó là giai đoạn đất nước gặp vô vàn khó khăn khi kinh tế bị đình trệ do cấm vận, do những cơ chế lạc hậu mà chúng ta chưa kịp điều chỉnh sau chiến tranh. 

“Kế hoạch nhỏ” ra đời để gom góp những nguồn lợi nhỏ nhất nhằm xây dựng một công trình, một dự án cụ thể trong giai đoạn khó khăn đó. Cũng phải nói thẳng, bất đắc dĩ thì các cháu học sinh, ăn còn chưa no, lo chưa tới mới phải được huy động để tham gia vào “làm kinh tế”, làm “kế hoạch nhỏ” như cái tên gọi của chương trình. 

Ít ai hình dung ra, sau vài chục năm, khi đất nước hoàn toàn đổi khác, thì cái “kế hoạch nhỏ” với cách làm rập khuôn vẫn tồn tại và được nhân rộng. Các cháu học sinh vẫn được yêu cầu thu gom giấy vụn, vỏ chai, lon bia đem nộp nhà trường. Cháu nào nộp được nhiều, thậm chí còn được vinh danh là... kiện tướng.

Thời bây giờ, nếu có giấy rác vụn, thì mọi gia đình đều ngay lập tức bán, hoặc đem cho những bà đồng nát. Xã hội cũng đã phân công công việc, đây là công việc của những người thu gom phế liệu. Công việc này hoàn toàn lương thiện nhưng cũng không phải là nghề nghiệp mà chúng ta nên tập cho các thế hệ học sinh từ năm này qua năm khác. Thời đại 4.0 mà chúng ta khuyến khích con em - lứa chủ nhân tương lai đi nhặt, mót giấy vụn để làm kế hoạch, thú thực tôi thấy nó hơi khiên cưỡng, nó rất không ổn về mặt tư tưởng, định hướng.

Có rất nhiều gợi ý để giúp học sinh có thể làm “kế hoạch nhỏ”, hoặc để các con tự nghĩ ra. Tại sao cứ phải làm đại trà, tại sao phải thi thành tích thu gom giấy vụn với nhau? Ai cũng biết chương trình học hiện nay cũng đang rất nặng, cái ba lô của trẻ luôn nặng trĩu trên vai. Đừng bắt chúng phải “khoác” thêm một vai trò, sứ mệnh nào khác ngoài “sứ mệnh” chơi và học.

Có lẽ, các thầy cô nên nhìn nhận một thực tế là “kế hoạch nhỏ” dành cho các con nhưng thực ra là của bố mẹ, nó hoàn toàn chỉ mang tính chất hình thức, gây phiền toái cho nhiều gia đình và tôi buộc phải tự hỏi, kế hoạch nhỏ dành cho các con hay dành cho bố mẹ?

Việt Hoàng
.
.