Đừng đánh cược mạng sống...

Thứ Năm, 16/06/2016, 09:10
Cái chết của chàng trai Aiden Webb khiến chúng ta không khỏi đau lòng. Tuổi 22, chưa tròn 23, Aiden vẫn còn quá trẻ, còn cả một tương lai rất dài phía trước, vẫn còn rất nhiều chân trời để khám phá và chinh phục. Và khi nghe tin một người trẻ qua đời, mỗi chúng ta ai cũng phải thắt lòng.


Chúng ta sẽ không nói đến nguyên nhân Aiden thiệt mạng trong chặng chinh phục Fansipan đơn độc, chặng chinh phục mà Aiden đã tự tin lên kế hoạch sẽ chỉ khiến anh mất đúng 1 ngày (Aiden sẽ leo lên và xuống bằng cáp treo). Chúng ta cũng không "chém gió" về chuyện kỹ năng sinh tồn, thứ mà có thể nói thẳng với nhau rằng không nhiều người Việt trẻ hiện nay có được và ở mặt bằng chung, khi so sánh với người nước ngoài, chúng ta cũng không đủ vượt trội để "dạy dỗ" họ. Chúng ta chỉ cần nói về du lịch mạo hiểm, hay nói đúng ra là cái cách chúng ta đang quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm đang ngày càng thu hút du khách đến Việt Nam hôm nay.

Thứ nhất, công tác cứu hộ trong quá trình tìm kiếm Aiden Webb cho thấy rất rõ rằng dù đã tận tâm hết mức nhưng Trung tâm điều hành Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vẫn không thể nào tiến hành công việc của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Và quá trình kiếm tìm cũng đã phải nhờ cậy rất nhiều vào lực lượng tình nguyện, với những trang thiết bị hiện đại của những người hay tham gia du lịch mạo hiểm.

Lý do rất đơn giản, muốn tiến hành cứu nạn ở một địa bàn nào đó, người làm công tác cứu nạn phải thông thạo địa hình, nếu không nói là thuộc như trong lòng bàn tay. Vậy thì câu hỏi đặt ra là Fansipan hiện đang là địa điểm hút khách du lịch, trong đó có du lịch mạo hiểm. Ban quản lý khu du lịch này đã có một đội cứu hộ chuyên nghiệp, hiện đại, đủ tiêu chuẩn để đối phó với những tình huống khẩn cấp hay chưa?.

Và nếu mở rộng hơn, chúng ta đặt câu hỏi tương tự cho những điểm hút khách du lịch mạo hiểm, ví dụ như Sơn Đoòng; Phong Nha - Kẻ Bàng…, chúng ta sẽ nhận ra rằng, quản lý công tác cứu hộ ở các địa điểm du lịch, đặc biệt là du lịch mạo hiểm vẫn còn quá sơ sài, thậm chí có thể có những nơi còn không hề tồn tại một bộ phận như thế. Nên nhớ, đó cũng là một loại dịch vụ bắt buộc mà chúng ta phải cung cấp cho du khách.

Thứ hai là việc quản lý danh sách và hành trình (theo đăng ký) của du khách dường như vẫn đang còn bị bỏ ngỏ. Ở những nước khác, khi tham gia một hành trình du lịch mạo hiểm, du khách sẽ phải đăng ký khá chi tiết với ban quản lý. Từ việc đăng ký ấy, du khách sẽ nhận được những lời khuyên đầy kinh nghiệm.

Thêm vào đó, hành trình của du khách cũng được theo dõi chặt chẽ để bất kỳ một biến cố xấu nào xảy ra, ban quản lý bao giờ cũng nắm đầy đủ thông tin để đánh giá mức độ của biến cố ấy. Ở trường hợp của Aiden Webb, chính du khách này đã báo tin về cho người thân là mình gặp nạn, rồi từ đó, ban quản lý khu du lịch mới nhận được tin và tiến hành các biện pháp cứu nạn.

Vấn đề đặt ra là vì sao Aiden không có số điện thoại trực tiếp của một ai trong ban quản lý để có thêm một đầu mối báo tin? Dễ hiểu, có khi ban quản lý cũng không biết được mỗi ngày có bao nhiêu du khách, gồm những ai, chinh phục Fansipan theo chặng đường và phương cách nào. Nói chung, giống như nhiều địa điểm du lịch mạo hiểm khác ở Việt Nam, không có một ai chịu trách nhiệm cho công tác ấy cả.

Chúng ta vẫn hiểu rằng Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng du lịch, nhất là những điểm du lịch mạo hiểm. Song, mạo hiểm không có nghĩa là rủi ro và công tác quản lý để giảm thiểu rủi ro là tối quan trọng. Và du lịch cũng không chỉ có nghĩa là mời khách đến nhà, mà còn đòi hỏi phải biết tổ chức, quản trị làm sao hiện đại nhất, khoa học nhất… 

Văn Đoàn
.
.