Đời quay vòng và thơ "Vòng quay"

Thứ Năm, 15/05/2014, 08:00
Đọc tập thơ "Vòng quay" của nhà thơ Phạm Đình Ân, NXB Hội Nhà văn, 2013.

Phạm Đình Ân thuộc thế hệ các nhà thơ chống Mỹ, hiện thời bút lực vẫn dồi dào, có phần đằm sâu hơn. Tuy vậy, anh viết không theo quán tính cũ, mà đã chọn cho mình một cách viết mới. Vẫn cái tạng thơ chân thật, kiệm lời, hơi suy tưởng nhưng đặc biệt trong tập thơ này, anh đã tạo lập một cách xây dựng hình tượng thơ và một lối cấu tứ thơ khá mới mẻ, gây được ấn tượng với độc giả.

Tên của tập thơ "Vòng quay" quả đã gợi cho độc giả nhiều liên tưởng. Cụm từ "con tạo xoay vần" nói về cuộc thế biến thiên không hề đứng yên, bao biến đổi trong kiếp nhân sinh, có gợi ý phần nào cho tác giả liên hệ xưa và nay mà gửi gắm những ngụ ý vào tên tập thơ! Rồi câu thơ của bậc thi bá "Cái quay búng sẵn trên trời" cũng dọn đường cho những suy nghĩ của người đọc: Phải chăng cuộc đời vận động xoay chuyển đều do một thế lực siêu hình nào đó?

Triết lý hiện đại không hướng về phía siêu hình mà hướng đến những nguyên nhân nội tại. Con người chịu trách nhiệm về đường đời, về số phận của chính mình, cuộc đời biến đổi theo vòng quay nào do chính nó định đoạt! Các bài trong tập thơ là những biện giải nghệ thuật của tác giả về cái triết lý "vòng quay" đó . 

Hầu như bài nào trong tập cũng có tứ và đa phần ngắn, hàm súc, đáp ứng cái sở thích của người đọc đương đại. Những chi tiết đời thực được chọn lọc sắp xếp chấm phá có dụng ý như trong một bức tranh thủy mặc, để tự nó toát lên ý nghĩa, đôi khi chen vào một lời bình ngắn gọn của tác giả, thế là hình tượng bài thơ làm trọn cái chức năng gửi gắm thông điệp mà tác giả trao cho.

Đọc "Vòng quay" ta như người lướt sóng, gặp hết đợt này đến đợt khác, vượt qua lại muốn tiếp theo, những ý, cảnh như những đợt sóng trong biển đời nhà thơ trình bày giản dị, chân thành và muốn người đọc trải nghiệm cũng bằng một tâm thức điềm tĩnh, kèm theo sau cảm xúc là một nghiệm suy triết học về cuộc sống hiện hữu. Nó quá thực, quá gần gũi ở đâu đó bên ta, nhưng nhiều khi cuộc sống bộn bề khiến ta lướt qua không cảm nhận được, nhà thơ giúp ta dừng lại chiêm nghiệm.

Bảy mươi bài thơ như một chùm cây lá sum suê, nội dung tỏa ra nhiều cành nhánh gợi một hồn thơ đa dạng, nhiều tâm trạng. Những bài thơ cô đọng dồn nén những xúc cảm về gia đình, bè bạn, bên cạnh là những bài thơ về tình yêu thiên nhiên, yêu loài vật, xen kẽ là những day dứt về thói tật "tham, sân, si" của người đời. Người đọc đồng cảm với những đau buồn của tác giả đối với người cha già chín chục tuổi ra đi "Người đi giọt giọt hoa buông nhớ/ Như lọc nghìn thu nước mắt khô"; chia sẻ tấm lòng ân ưu của tác giả với người dì mẹ kế bao năm trời lận đận mà tác giả đã "gói trọn tuổi thơ vào lòng mẹ" cho đến khi tóc "lộ nhiều sợ bạc" vẫn còn thảng thốt khi nhớ về... Càng xúc động trước nỗi xót thương những thân phận bé mọn bị dập vùi, từ con chó nhỏ hốt hoảng trong chiều lạc nhà đến đôi chim "bơ vơ mất tổ như người mất quê"…

Hơn chục bài thơ về hoa, mỗi bài một kỷ niệm, một tâm sự; chùm thơ tứ tuyệt về hoa của anh thật tinh tế, có chỗ đạt đến cái ngưỡng mà người xưa hay nói "ý kỵ lộ mạch kỵ hở":

Hoa vẫn đúng giờ như đã hứa
Mà đôi lỡ hẹn buổi chia tay
Sắc tím dùng dằng trưa sắp cạn
Mong tàn nhanh cho hết một ngày 

(Hoa mười giờ)

Tác giả hóa thân vào bông hoa mười giờ, tự muốn "hy sinh" mình tàn nhanh để đôi lứa sai hẹn không chia tay nữa - một tứ thơ độc đáo! Một bài tứ tuyệt khác, lại một hóa  thân nữa vào giấc mơ với chùm hoa thạch thảo, một giấc mơ tình yêu mà nhà thơ muốn níu trở lại trong vô vọng. Một tứ thơ hư ảo sương khói bao bọc một tình yêu thật sâu lắng. Trong giấc mơ hiện tại nhà thơ thấy hiện về mùa hoa thạch thảo kỷ niệm của quá khứ loang tím trong hoàng hôn thật đẹp như bất chấp thời gian và một mong ước dào đến, nhà thơ muốn bừng tỉnh và giấc mơ kia sẽ là hiện thực. Nhà thơ níu vội mong giữ lại nhành hoa trong giấc mơ hư ảo đó:

Loang tím hoàng hôn màu thạch thảo
Người ơi thắm mãi đến bao giờ?
Cho ta bừng tỉnh tan thành khói
Níu vội nhành hoa trĩu giấc mơ

(Hoa Thạch thảo).

Nhiều bài thơ suy nghiệm về nhân tình thế thái của tác giả khá sâu sắc. Ngắn gọn, bắt đúng cái thần sự vật, trình bày khi thì là biểu tượng, khi là những ẩn dụ, khi bằng một câu kết lững lờ hay bột phát gợi suy nghĩ chìm sâu trong tâm tưởng người đọc ("Ngã tư", "Mắc cạn", "Cưa ngọn", "Kính râm", "Mặt mình", "Bản lề"…).

Dựa vào một phong tục quen thuộc dân dã "Đầu năm mua muối cuối năm mua vôi", tác giả viết những câu thơ vận vào nhân tình thời nay thật chua xót "Rắc muối vào vô cảm/ Rắc muối vào vô ơn/ Xót tan lòng muối xát/ Hạt đổ vào vết thương" (Đầu năm mua muối).

Hay nói về "Lũ mối": "Lũ bất lương túa ra/ đã nhiều ngày đêm chúng gặm nát đền đài, đâm thủng nhiều số phận…" khiến tác giả  "khóc thầm trong hoàng hôn". Tác giả nói về sự mất còn của địa vị, danh tiết: "Nhà công/ người còn, ghế mất/ Nhà riêng/ người mất, ghế còn" (Cái ghế).  Nói về sự biến thái của con người trước những thời điểm "bản lề" của đời sống, tác giả viết: "Cửa mở ra khép vào/ Thạch sùng bị ép khô/ Sách mở ra gấp vào/ Bướm bay bằng cánh nát/ Bản lề/ người dẹt đét khi cửa đóng mở" (Bản lề).

Chủ đề tập trung và khá nổi bật của tập "Vòng quay" là mối suy cảm của tác giả trước những bất cập của cuộc đời hiện hữu trong cơ chế thị trường. Phạm Đình Ân phát hiện các lổ hổng "sự chưa trọn vẹn của đời sống" nhằm khắc phục nó. Hình tượng thơ được xây dựng chủ yếu trên các nghịch cảnh hoặc nghịch lý đời sống, hoặc trong thiên nhiên, hoặc ở làng quê, thành phố, hoặc trong gia đình hay chốn công sở…

Nhiều tứ thơ xây dựng nhờ vào yếu tố "sự": Chuyện anh công chức suốt đời bị tước đoạt giật giành từ đồng lương, công trình nghiên cứu cho đến mối tình đầu (Chuyện kể muộn); chuyện cây láng dù thân nhẵn thín láng bóng mà vô dụng đánh lừa người đời (Cây láng dù); chuyện con người chen lấn xô đẩy vội vã trong cuộc sống không biết sự vội vã đó sẽ đưa chính họ về huyệt mộ (Vội làm chi); chuyện một bệnh nhân chết sớm vì biết trước căn bệnh hiểm nghèo mà mình mắc phải (Muộn rồi); chuyện con chó trắng lạc nhà chạy hốt hoảng trong chiều (Lạc nhà)…

Đặc biệt, trong phần thơ trình bày những nghịch lý đời sống, thủ pháp quen thuộc mà Phạm Đình Ân hay dùng là xây dựng những cặp nghịch dụ tương phản: "Láng dù/ tên bóng nhẫy/ thân nhẵn thín/ Mà trăm ngày đã mọt nát/ làm củi chỉ đùn ra khói đục"; …"Giày nịnh tuyệt mốt thơm đằm xi mới/ vội vã vào công ty/ khoan thai vào khách sạn/ ỡm ờ vào cuộc nhậu /từ trẻ em hôm nay…"; "Dép sứt quai / lại lê lẹp xẹp đến thế giới ngày mai"…  v..v…

Con người đi qua bao thế kỷ cùng câu hỏi "Sống hay không sống?". Và nếu sống thì chọn thời nào để sống? Sống thế nào giữa hai phân cực: tốt - xấu? Trong thực tại, Phạm Đình Ân không thể chọn thời mà sống, anh chỉ có quyền chọn cách sống. Trong tâm thức tác giả luôn hướng về cái thật, bất bình với những nghịch lý nhưng nhập vào cuộc sống này thật khó khăn khi mà nhiều lúc nhiều nơi, cái xấu cơ hồ lấn át điều thiện. Cuộc sống trong cảm nhận của tác giả nhiều nghịch lý: Cái thật, cái giả sao mà lẫn lộn nhiều đến vậy. Thân đó mà xa đó, thuận ở đây nhưng chống ở kia; ngọt - đắng; vào - ra đổi thay trong khoảnh khắc: "Đang thân, bỗng lạnh mặt mày/ Lạ xa, thoắt cái bắt tay hẹn thề".

Cuộc sống không chỉ lẫn lộn thật giả mà còn đầy những nghịch cảnh "Thấp: cạn nắng, cao: trũng mưa/ Đây dư đòn phạt, kia thừa lộc khen". Cái phi lý "kẻ ăn không hết người lần không ra", "nước chảy về chỗ cao" một thời tưởng đã lùi xa nay lại xuất hiện.

Nghịch lý đã thấy nhưng câu trả lời tác giả vẫn cảm thấy mơ hồ, xa xôi. Một cảm nhận, một băn khoăn về lẽ sống, chính xác hơn một câu hỏi mang màu sắc triết lý về nhân thế. Đây là một câu hỏi vĩnh hằng về cuộc đời và con người mà tác giả chỉ nêu lên cụ thể trong một giới hạn hẹp ám dụ về không gian và thời gian: "Người chọn ta. Ta chọn người/ Tỉnh thành đã hẹp, đường đời vẫn xa" để cảnh tỉnh con người. Xa nhưng không có nghĩa là không có và chúng ta không nghi ngờ về lòng tin vào mặt sáng cuộc đời của tác giả. Bài thơ có nét mới ở câu, chữ nhưng cái đáng nói nhất nằm ở chỗ - bằng một lối nói giản dị, dân dã - tác giả đã thể hiện khá tinh tế nỗi băn khoăn của con người về đời sống hiện hữu.

"Vòng quay", như cái tựa đề của nó, cảm hứng chủ đạo cũng là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến độc giả là: Vòng quay cuộc đời dẫu còn nhiều nghịch lý nhưng con người hãy chọn cho mình một cách sống tốt để theo thời gian có thể cải tạo dần những nghịch lý, đưa cuộc sống vào một vòng quay tốt đẹp hơn

Hà Quảng
.
.