Đi tìm "sự tử tế" và "con người tử tế"

Thứ Năm, 28/02/2013, 08:15
Nhân đọc "Con đường rừng mờ sương", tập truyện ngắn của Nguyễn Thái Sơn, NXB Hội nhà văn, 2012.

Nguyễn Thái Sơn (còn có bút danh Tháp Vân Sơn) là người đắm đuối với thể loại  truyện ngắn - một thể loại văn chương luôn đặt ra thử thách khắt khe đối với người sáng tác và cũng khiến họ dễ dàng thất bại nếu coi nó chỉ là "súng lục, dao găm" như ai đó muốn hạ thấp thể loại này. Đã qua tuổi "tri thiên mệnh" nên Nguyễn Thái Sơn viết điềm tĩnh, thận trọng và chinh phục độc giả bằng sự chiêm nghiệm của chính mình trước cuộc đời vốn "đa sự" mà con người thì "đa đoan".

Nguyễn Thái Sơn tâm huyết đi tìm sự tử tế và con người tử tế trong nhiều truyện ngắn của mình. Tác giả muốn cùng độc giả sống lại với những miền kí ức có vui có buồn, có thành công và thất bại, có hy vọng và thất vọng, có ánh sáng và bóng tối… Những truyện viết theo hướng này, theo tôi, thành công hơn so với những truyện viết về sự chao chát, đắng cay, nhọc nhằn, nhiều khi tàn nhẫn của đời thường khi mà sự tử tế và con người tử tế khuyết mòn dần.

Đọc Nguyễn Thái Sơn, tôi chia truyện của anh thành hai ô: một bên gồm những chuyện của quá khứ được hồi cố như "Miền kí ức", "Nắng hè", "Mùa biển vắng", "Cuối thu", "Cuối mùa heo may", "Con đường rừng mờ sương"… và một bên là chuyện thế sự, đời thường éo le, uẩn khúc và đôi khi không thiếu cả những cạm bẫy như "Tứ hổ", "Ân huệ của trời", "Những mảnh li vỡ", "Thóc đất"… Những truyện thuộc hai ô này như hai gam màu đối chọi, một bên gai góc và chói gắt, dữ dội và bùng nổ, một bên lắng đọng và lặn sâu vào kí ức, tìm vào nội tâm và đi tìm thời gian đã mất.

Tôi riêng thích cái ô truyện ở đó con người được thời gian khỏa lấp những vết thương lòng, ở đó thời gian giúp con người biết cách thuần hoá những nỗi đau nhân thế, ở đó thời gian lưu giữ hộ con người những kí ức đẹp đẽ nhất. Những truyện như thế tạo nên "miền ký ức" của đời người. Người đàn ông tên là Thạch già nua cũ kĩ đi tìm đồng đội cũ là Hùng (nay ở ghế giám đốc) trong truyện "Cuối mùa heo may" có vẻ bí ẩn vì đã mấy chục năm xa cách biền biệt, kỉ vật làm tin chỉ là một nửa cái ống nhòm, mỗi người giữ một nửa lúc chia tay ở chiến trường ác liệt: "Năm ấy cũng vào cuối mùa heo may". Cái điệp khúc "cuối mùa heo may" mở ra ngay từ đầu truyện luân chuyển đến cuối truyện khi Hùng không còn nhớ được một chút gì về dĩ vãng anh hùng và đã vứt cái "vật kì lạ" kia vào thùng rác. Kết truyện là hình ảnh rất gợi và có dư ba: "Lại một cơn gió heo may nữa tràn qua. Ông Thạch ra về với những bước chân nặng nề sải trên mặt sân rụng đầy lá khô xào xạc".

"Miền ký ức" - truyện mở đầu tập truyện như một sự sắp xếp có chủ đích, kết nối một mạch truyện chính: Dường như mỗi con người có một "miền" để sống, có người (thường là người trẻ tuổi) là miền thực tại xô bồ, là những hoàn cảnh hiện sinh, có người (thường là những người quá tốt được gọi là "thằng ngốc") là miền hoang tưởng, thường sống với những cơn sốt mộng du, có người (thường là lớp người già) là miền ký ức gần xa, nơi đó họ sống thật nhất với chính mình. Những người như ông Tùng (nhân vật chính của "Miền ký ức") là kiểu người "ăn mày dĩ vãng", họ rõ ràng sống trong hiện tại, hít thở bầu không khí đời sống "bây giờ" nhưng tâm thế, tâm hồn lại neo buộc vào dĩ vãng, một dĩ vãng tươi đẹp, ở đó con người sống tử tế hơn.

Nguyễn Thái Sơn trong truyện ngắn có ý hướng đi tìm "con người tử tế" đích thực trong cuộc sống xô bồ đôi khi điên loạn của thời hiện tại. Truyện "Tứ hổ" (thoạt đọc cảm thấy có vẻ có hơi hướng của "Không có vua" của Nguyễn Huy Thiệp) là chuyện nội tình của một gia đình, nơi anh chị em hầm hè nhau chỉ vì quyền lợi vật chất. Nhân sự kiện Vẻ, con trai thứ ba đánh rơi một gói tiền không lớn, cả nhà náo loạn, cuối cùng thì chính Chiến (đã là một phó giám đốc sở), con trưởng, lại "thủ" của em trai mình. Khi tìm lại được số tiền, Vẻ chửi đổng: "Mẹ nó chứ, làm anh gì mà bẩn và tham như mõ!". Tiếng chửi đổng này ngân lên như một điệp khúc về nỗi "bẩn" và "tham" của con người hiện nay, nó trái ngược một trăm phần trăm với mẫu hình con người tử tế, "sạch" và "thảo" trước đây. Dù rất cố gắng khi viết nhưng tôi thấy "cái tạng văn" của Nguyễn Thái Sơn không hợp với việc sục sâu vào những "vũng bùn lầy" của đời sống hiện đại (việc này phải để cho các cây bút sừng sỏ như Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Y Ban, Tạ Duy Anh…).

Nguyễn Thái Sơn thường nương theo một chu trình "nhân - quả" của câu chuyện, ít khi tập trung vào "một lát cắt đời sống" (hiểu là một "khoảnh khắc") nào đó như cách hiểu thông thường về truyện ngắn. Nhưng đáng nói là tác giả biết lược bỏ, dồn nén nên truyện vẫn tập trung, ngắn gọn (243 trang sách chia cho 19 truyện, mức bình quân vừa phải). Tập truyện mở đầu bằng "Miền ký ức" và kết thúc bằng "Con đường rừng mờ sương", cả hai truyện đều hay. Nếu ví von thì đây là một bữa tiệc nhỏ nhưng được chuẩn bị công phu, đầu bếp đặc biệt chú ý tới món khai vị và món chung cuộc vì chúng thường gây ấn tượng và lưu giữ cảm giác lâu bền với thực khách. Tuy nhiên, đọc truyện Nguyễn Thái Sơn, đôi khi tôi cảm thấy tiếc, vì giá như anh giấu kín được ý tưởng hơn nữa thì truyện sẽ hấp dẫn hơn. Tôi nhớ đến chỉ giáo của một nhà văn lớn thế giới, đại ý, trong tình yêu và nghệ thuật, tối kị nói hết ra, còn nhà văn Mỹ Hemingway thì đề xuất viết truyện ngắn theo "phương pháp tảng băng trôi" - phần nổi, nhìn thấy chỉ một, phần chìm là bảy.

Truyện Nguyễn Thái Sơn nếu đọc riêng rẽ sẽ thấy hầu như cái nào cũng "đứng" được, nhưng khi tập hợp thành "đội hình" trong một tập thì cái cảm giác lại khác đi. Vì sao lại như thế? Có thể ví von tạm thời như sau: Nếu ta mới gặp lần đầu một người thì cái cảm giác do những ấn tượng ban đầu thường khiến ta chỉ quan tâm tới những nét chính, chưa chú ý tới chi tiết. Nhưng nếu gặp đến hơn một lần thì ta bắt đầu chú ý tới những cái nhỏ nhặt hơn, từ đó ta bắt đầu so sánh, nhiều cái chưa hoàn chỉnh sẽ hiển hiện ra

Bùi Việt Thắng
.
.